5 thg 8, 2016

Nhớ... Bà Chúa Xứ!

Theo Tổng cục Du lịch, 3 lễ hội có lượng người tham dự đông nhất nước là:
  • Lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc)
  • Lễ hội Chùa Bà Bình Dương
  • Lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh
Đông tới cỡ nào? Có thể lấy một con số minh họa: Dịp lễ hội rằm tháng Giêng hàng năm, số lượng người đến chùa Bà Bình Dương là 1,5 triệu người! Còn ở miếu Bà Chúa Xứ là 2 triệu người nhân dịp vía bà (23 đến 27/4 âm lịch)! Ở chùa núi Bà Đen thì không thấy số liệu thống kê về lượng người dự, nhưng chắc cũng phải hàng triệu!

Lễ vía Bà Chúa Xứ

Mà đó là người ta tự nguyện đi đó nha, không ai ép, không quảng cáo, không ai dụ dỗ khuyến mãi - tặng quà này nọ. Thiệt là một con số mà những nhà tổ chức sự kiện thể thao, sự kiện văn hóa - văn nghệ không mơ thấy nổi! Sự kiện chính trị thì... (mà thôi, hổng nói chuyện chính trị ở đây!)

Lễ hội Chùa Bà - Bình Dương

Ngoài đặc điểm chung là các lễ hội trên đều mang tính tâm linh, các bạn còn thấy có điểm gì chung nữa không? Điểm chung là: Tất cả đều là Bà!

Cho dù mỗi vị trong ba vị nói trên có nguồn gốc khác nhau, Bà Đen là một vị nữ kiệt Việt Nam tên Lý thị Thiên Hương, Bà ở Bình Dương là Thiên hậu Thánh mẫu, còn Bà Chúa Xứ thì vẫn chưa rõ là vị Chúa nào... Nhưng dân ta vẫn ùn ùn đến cúng vía. Mà chỉ là vía Bà mới đông thôi!

Tui ngẫm nghĩ và tự kết luận: Bà đáng kính, đáng trọng, đáng tin hơn Ông!

Trong 3 lễ hội trên, tui chỉ có dịp tới Miếu Bà Chúa Xứ Châu đốc trong dịp lễ thôi (2 nơi kia tới trong lúc không có lễ hội), mà tới nhiều lần nữa chớ! Hỏi tui tới Miếu Bà làm gì, để khấn vái, cầu xin hả? Ờ, nghĩ vậy cũng được đi, hàng triệu người làm như vậy mà!

Bên trong gian sắm lễ ở miếu Bà Chúa Xứ

Có thể thấy đa số người đi lễ là phụ nữ và là dân kinh doanh, buôn bán

Nhưng nói vậy không có nghĩa là đàn ông, trí thức không đi lễ nhé!

Heo quay cúng Bà

Cổng miếu

Ngôi miếu chính

Ở góc nhìn này, ta thấy rõ Miếu Bà Chúa Xứ nằm dước chân núi Sam

Còn một chuyện rất, rất đáng quan tâm nữa là... tiền người ta cúng ở miếu Bà. Híc, tui tới miếu, lòng thành đâu chẳng thấy, chỉ nghĩ tới... tiền! Có dịp gặp ông trưởng ban quản trị Miếu, tui tò mò hỏi:
  • Ở đây tiền người ta cúng Bà mỗi năm được bi nhiêu dzậy?
  • Con số chính xác thì không nhớ, nhưng ước chừng khoảng gần 30 tỷ!
Hả? 30 tỷ, nghĩa là doanh thu mỗi tháng là 2 tỷ rưỡi, mà chi phí thì đâu có nhiêu đâu! Doanh nghiệp này kinh doanh hiệu quả quá!

Tui chậc chậc, hổng dám hỏi gì thêm, lòng thầm nghĩ: Ước chi công ty của mình cũng làm ăn khấm khá được vậy ta!

Ý, đừng nói tui quá phàm tục, vô chốn linh thiêng mà cứ nghĩ tới mua bán, tiền bạc nghen. Người ta vô miếu Bà phần lớn cũng là cầu khấn mua may bán đắt, và làm ăn được thì lại mang tiền tới cám ơn Bà đó thôi.

Với lại coi cái hình này nè:


Thấy hông? Có nhãn hiệu hàng hóa của sản phẩm, đăng ký ở Cục Sở hữu Trí tuệ đàng hoàng đó. Không phải hàng hóa thì là gì?

Phạm Hoài Nhân

3 nhận xét:

  1. Thập niên 1960's ,lúc đó chưa có xe auto nhiều ,chỉ có xe lambretta 3 bánh chở khách và xe lôi kéo thùng của xứ Châu đốc ,thế mà trong những ngày lế hội ,con đường từ chợ Châu Đốc đến núi Sam giao thông kẹt cứng . Hành khách phải xuống xe ,lội xuống ruộng đi bộ .
    Thời trước địa phương Châu Đốc quản lý chi thu số tiền khách thập phương cúng bà .Sau giải phóng ,Trung ương ngoài Hà Nội quản lý tiền Miếu Bà thu được .
    Dân buôn bán tứ xứ đến xin vay lộc của bà để làm ăn ( chỉ tượng trưng vài đồng),nhưng khi làm ăn thành công ,họ đem cả chục cây vàng đến trả nợ bà . Nến số vàng thu được rất nhiều .

    Trả lờiXóa