13 thg 6, 2022

Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách

Người xưa có câu "Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách", ý nói đến tình nghĩa vợ chồng khắng khít, khi sống thì ngủ cùng giường cùng chiếu, đến lúc chết đi thì chung một cỗ quan tài. Đó là nói quá lên thôi, sống ngủ cùng giường cùng chiếu thì đúng rồi nhưng chết chung một quan tài thì... đâu có được!

Thế nhưng đối với cư dân ở đảo Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) theo đạo Ông Trần thì có hẳn tục lệ "Sống đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách", được thực hiện theo đúng nghĩa đen đàng hoàng, cho đến bây giờ vẫn còn áp dụng. Câu thành ngữ của người xưa ám chỉ đến quan hệ vợ chồng, còn tục lệ của đạo Ông Trần là áp dụng chung cho tất cả cư dân.


Nhà lớn Long Sơn

Nhà Lớn Long Sơn là một nơi sinh hoạt tín ngưỡng, cố kết cộng đồng của người dân xã đảo Long Sơn và cũng là nơi khởi phát của đạo Ông Trần. Ông Trần tên thật là Lê văn Mưu, ông đã gầy dựng nên vùng đất Long Sơn, xây dựng nên Nhà Lớn làm nơi đùm bọc mọi người và để lại cơ nghiệp cùng nhiều lời dạy về đạo làm người cho người dân. Người dân nơi đây tôn kính gọi ông là Ông Trần hoặc Ông Nhà Lớn.

Một trong những lời dạy của Ông Nhà Lớn là con người ai cũng như nhau, không phân biệt sang hèn, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau, thể hiện qua tục lệ Sống đồng tịch đồng sàn, thác đồng quan đồng quách.

Sống đồng tịch đồng sàng, tức cùng giường cùng chiếu thì dễ rồi, cư dân hay khách thập phương đến Nhà Lớn đều có thể ngủ lại cùng nhau trên giường là những tấm ván gỗ lớn. Còn Thác đồng quan đồng quách?

Theo lời dạy của Ông Nhà Lớn, đám xác (tức đám ma) được chôn cất trong vòng 24 giờ, không phải coi ngày giờ kiết hung. Sáng tử chiều táng, chiều tử sáng táng. Khi có người chết thì người sống không dùng một quan tài riêng biệt để chôn, mà người theo Đạo Ông Trần chỉ có một cái hòm chung. Cái hòm này gọi là Bao quan. Bao quan được đan kết bằng tre và được sơn phết màu đỏ.


Bao quan đang đặt tại Nhà Lớn, được dùng chung cho nhiều người

Đối với những gia đình theo đạo ông Trần khi có người qua đời, sẽ có một nhóm thanh niên gồm 4 - 5 người đến Nhà Lớn xin thỉnh bao quan về lo hậu sự. Tại đây, Nhà Lớn sẽ biếu 1 bó lá sáu tấm, 1 chiếc đệm, 1 chiếc chiếu và 4,5 m vải đỏ, 4,5 m vải trắng.

Đám tang được tổ chức rất đơn giản, người mất được quấn trong 3 lớp. Lớp thứ nhất là 4,5 m vải trắng, lớp thứ hai là một đôi chiếu, lớp thứ ba là 4,5 m vải đỏ, sau đó quấn tiếp bằng 5 ruột vải trắng, gọi là “võng thân”, sau đó thi hài được đặt vào chiếc bao quan thỉnh ở Nhà Lớn về. Dưới đáy huyệt để sẵn một đôi đệm, một đôi chiếu. Sau khi đưa thi hài xuống, người ta dùng 6 tấm lá chằm (lá dừa bện lại thành tấm) xếp vào huyệt, mỗi bên 3 tấm, mô phỏng hình nóc nhà 2 mái. 
Sau khi chôn cất người mất xong, bao quan được mang về lại Nhà Lớn để dùng tiếp cho những người sau.

Ngoài việc dùng chung quan tài, nghi thức tang lễ còn tuân theo chủ trương 4 không: Không kèn trống, không tụng kinh, không vang ồn tiếng khóc và không phúng điếu!

Tín hữu đạo Ông Trần kể về nghi thức "Chết đồng quan đồng quách". Video: Phạm Hoài Nhân

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét