3 thg 3, 2017

Ankroet

Đường Ankroet

Ở Đà Lạt có một con đường mang cái tên khá lạ: đường Ankroet. Tên không phải tiếng Việt, cũng không phải tên danh nhân. Vậy Ankroet là gì?

Ngày xưa ở khu vực con đường đi ngang qua có buôn Rhàng Kroac của người Kơ Ho (Rhàng: bỏ hoang, Kroac: cây cam), chữ Rhàng Kroac này được người Pháp và Việt phiên âm ra thành Ankroet.

Ankroet không phải là con đường nhỏ, vì nó dài tới 11 km, bắt đầu từ góc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đan Kia ở TP Đà Lạt và kết thúc ở Suối Vàng - Đan Kia. Nó dài đến mức một phần đường thuộc TP Đà Lạt, một phần khác thuộc huyện Lạc Dương. Nhưng Ankroet cũng không phải con đường lớn, vì đa phần lộ giới của nó rất nhỏ. Nhiều đoạn đường vắng giữa rừng thông, thỉnh thoảng xuất hiện vài nông trại. Gần cuối đường có nhà máy thủy điện Ankroet, thác Ankroet, nhà máy nước Suối Vàng và đập Suối Vàng. Cuối đường có hồ Đan Kia.



Đường Ankroet vào Nhà máy Thủy điện Ankroet

Thủy điện Ankroet

Cuộc hành trình trên chiếc UAZ này đưa tụi tui tới gần cuối đường Ankroet, vô thăm Nhà máy Thủy điện Ankroet. 


À, bạn có biết không, Thủy điện Ankroet chính là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng trước thủy điện Đa Nhim gần 20 năm. Nhà máy thủy điện Ankroet được khởi công vào tháng 10/1942, khánh thành năm 1945, chính thức phát điện năm 1946.

Khởi đầu, thủy điện Ankroet có công suất 600 kW với hai tổ máy do Hãng Bell của Mỹ sản xuất. Để hình dung Ankroet có công suất "lớn" tới cỡ nào hãy so sánh: thủy điện Đa Nhim xây liền sau Ankroet có công suất là 160 MW (bằng 267 lần công suất Ankroet), thủy điện Trị An có công suất là 400 MW ((bằng 667 lần công suất Ankroet). Năm 1962, để có điện phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Đa Nhim, chính quyền đương thời đã lắp thêm tổ máy nâng công suất Ankroet lên 3.100 kW.

Tới năm 2004, sau gần sáu mươi năm cuộc đời, tổ máy của Ankroet chạy hết nổi, được  thay thế bằng những tổ máy mới do Trung Quốc sản xuất cùng công nghệ nhưng công suất lớn hơn và hiện giờ nhà máy thủy điện này vẫn đang hoạt động.

Đây là cổng Nhà máy Thủy điện Ankroet:


Ý, nhưng hãy coi thử tấm bảng sau lưng 2 người đứng là gì:


Không phải một mà tới 2 bảng:


Đã lỡ tới đây rồi hổng lẽ không vô? Thôi thì cứ vô đại, chừng nào người ta đuổi thì chạy ra!

Nhà máy có kiến trúc đá rất đặc trưng của vùng tây nam nước Pháp và kiến trúc công xưởng đặc trưng đầu thế kỷ 20.





Turbin máy phát ngày xưa được trưng bày ở đây:


Các bạn nào muốn biết chi tiết hơn về các thông số kỹ thuật của nhà máy thì đọc ở đây (trích từ Facebook bạn Nguyễn Trần Huy Phong):

Nhà máy thủy điện Ankroet lúc bấy giờ thuộc quyền quản lý của Sở Công chánh Đông Dương, các hạng mục chính của nhà máy gồm có:
  • Hồ đập Đan Kia: Cao trình đỉnh đập đất: 1427m; cao trình đỉnh tràn đập đá: 1421,8m; diện tích lưu vực: 141km2; đường hầm đáy đập đá đường kính 1,6m, dài 160m với cao trình 1410,8m.
  • Hồ đập Ankroet nhận nước từ hồ Dankia và cung cấp cho nhà máy qua đường thủy đạo. Cao trình đỉnh đập đá: 1410,72m; diện tích lưu vực: 145 km2.
  • Thủy đạo bao gồm: đường hầm bêtông cốt thép đường kính 1,6m, dài 482m, cao trình 1406,72m; giếng điều áp bê tông cốt thép đường kính 3,8m; đường ống thép đường kính 1,5m/1,3m, dài 50m; van cầu đường kính 1,3m; đường ống thủy áp bằng thép đường kính 1,3m, dài 182m; nhà máy hầm xả cao trình 1321m.
  • Nhà máy có 2 tổ máy công suất 300 kW/máy do hãng Bell của Mỹ sản xuất.
  • Đường dây trung thế gồm: Đường dây 31,5kV, Suối Vàng - Đơn Dương, dài 44km; đường dây 15kV, Suối Vàng - Đà Lạt (trạm Thi Sách) dài 12km; đường dây 31,5kV, Suối Vàng – Đơn Dương, cung cấp điện cho thị trấn Dran và một số khu vực trên tuyến đường dây đi ngang qua như: Đa Thành, Tùng Lâm, Thánh Mẫu, Trại Mát, Xuân Thọ, Cầu Đất, Trạm Hành; đường dây 15kV Suối Vàng - Đà Lạt cung cấp điện cho nhà Dòng Chúa Cứu Thế, Domaine de Marie và khu vực lân cận.
À thôi, người ta đuổi ra rồi kìa. Giờ ta qua đập tràn Ankroet nhé. Nhưng sẽ viết trong bài khác, viết vầy dài lắm rồi. Đọc chán.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét