26 thg 3, 2017

Chuyện về ông Lý Quang Diệu ở Biên Hòa - những suy nghĩ của người mang danh Ẩu

Ngày hôm qua, từ những thông tin của bạn bè tui biết thêm vài chi tiết về "sự kiện năm 1982" (sự kiện gia đình ông Lý Kiềm - người được cho là anh ông Lý Quang Diệu - được quan chức chính quyền đề nghị làm thủ tục để được bảo lãnh xuất cảnh qua Singapore).

Người phụ nữ chức quyền tìm đến gia đình năm 1982 mà anh Lý Kim Hoàng gọi là "bà thứ trưởng" thật ra là bà Ba Sương, tức Trần Ngọc Sương - người phụ nữ nổi tiếng của Nông trường Sông Hậu sau này. Bà được ủy nhiệm của ông Võ văn Kiệt (lúc ấy là bí thư thành ủy TPHCM) về Biên Hòa tìm người thân cho ông Lý Quang Diệu.

Tui cũng được bạn bè cho biết rằng phía Singapore - qua con đường ngoại giao - đã phủ nhận nghi vấn ông Lý Quang Diệu sinh ở Việt Nam và đề nghị phía Việt Nam không để báo chí khai thác đề tài này nữa từ rất lâu rồi.

Tui cũng được biết rằng nhiều người có tư liệu chi tiết hơn, chính xác hơn về việc này nhưng vì lý do nêu trên đã không công bố.

Vậy nên sự việc này nên dừng lại ở đây. Tuy nhiên, nếu tui stop ngang như vậy thì cũng hơi.. ấm ức, cho nên xin được cà kê thêm chút đỉnh. Coi như đây chỉ là nghĩ ngợi lan man của một người mang danh Hai Ẩu thôi, hổng có giá trị tư liệu hay lịch sử gì hết nghen!

Vợ chồng ông Lý Quang Diệu và con trai, Lý Hiển Long

Theo tui, có 3 giả thuyết về quan hệ của ông Lý Quang Diệu với Biên Hòa nói chung, hay gia đình ông Lý An - Lý Kiềm nói riêng.

Giả thuyết thứ nhất: là giả thuyết người ta vẫn nói lâu nay, rằng ông Diệu là con ông Lý An ở Biên Hòa, được gia đình giàu có người Singapore (trong trường hợp này là vợ chồng ông bà Lý Tiến Khôn - Thái Nhận Nương) nhận làm con nuôi khoảng năm 5 - 7 tuổi.

Xét về phía ông Lý An, khi ấy từ bên Tàu qua, góa vợ, mang theo 3 đứa con, trong đó có 1 do té sông mà qua đời (theo lời kể là người con nhỏ nhất). Trong hoàn cảnh ấy, việc cho đứa con nhỏ còn lại cho người khác nhận làm con nuôi là hợp lý. Có một chi tiết hơi ngờ ngợ là ông Lý Kiềm (người được cho là anh ông Lý Quang Diệu, sinh năm 1916) lớn hơn người em kế Lý Cẩm Xường (người được cho là ông Lý Quang Diệu, sinh năm 1923) đến 7 tuổi, sự chênh lệch tuổi tác này hơi bất thường.

Xét về phía gia đình ông Lý Tiến Khôn, nếu không kể chi tiết ghi trong tiểu sử chính thức của ông Lý Quang Diệu có ghi rõ ngày và nơi sinh là ở Singapore cùng nhiều thông tin chi tiết về thuở nhỏ của ông cho thấy là ông không hề ở Việt Nam (xem phần dưới có ảnh Lý Quang Diệu lúc nhỏ trong album gia đình) mà ta cứ giả định là các nhà chép sử ở Singapore chế ra các dữ liệu để che dấu sự thật đi nữa thì việc xem xét hoàn cảnh lúc đó của gia đình ông Lý Tiến Khôn sẽ cho ta một số nhận xét.

Thời điểm Lý Cẩm Xường (được cho là Lý Quang Diệu sau này) được cho về Singapore làm con nuôi theo lời kể là khoảng 5 - 7 tuổi, tức là khoảng 1928 - 1930. Đây là thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới, lúc đó tài sản ông Lý Tiến Khôn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, từ một ông chủ giàu có ông chỉ còn là một chủ tiệm nhỏ. Lúc đó, ngoài Lý Quang Diệu (sinh năm 1923) gia đình ông Khôn còn có 2 người con trai kế là Lee Kim Yew (sinh năm 1926), Lee Thiam Yew (sinh năm 1927) và một con gái là Lee Kim Mon (sinh năm 1929). Một gia đình đang có 3 đứa con nhỏ (không phải hiếm muộn), lại đang bị xuống dốc về kinh tế mà lại xin một đứa trẻ nghèo ở Việt Nam về làm con nuôi, lại cho nó làm anh cả của các con mình thì không hợp lý chút nào!

Một chi tiết nữa là, giả sử ông Lý An là cha ruột của ông Lý Quang Diệu, thì là người Á Đông dù có che giấu thân phận cỡ nào ông cũng phải trân trọng mộ của cha mình, phải có sự kính viếng nhất định. Thế mà ông Lý An mất, chôn ở khu du lịch Bửu Long rồi bốc mộ dời đi Dĩ An vẫn không hề có một động thái nào từ phía gia đình ông Lý Quang Diệu, sự thăm viếng sau này càng không có.

Vậy nên đây là giả thuyết rất kém thuyết phục.



Lý Quang Diệu lúc còn là baby và em bé. Ảnh album gia đình, được trích ra từ video Father of Nation: Lee Kwan Yew, Discovery Channel

Giả thuyết thứ hai: Ông Lý Quang Diệu là con ông Lý Tiến Khôn, sinh trưởng ở Singapore. Trong cuộc đời ông Diệu, có một thời gian nào đó lưu lạc sang Việt Nam, được ông Lý An giả vờ nhận làm con rồi sau đó quay về Singapore.

Xem kỹ tiểu sử ông Lý Quang Diệu thì... đúng là có một thời kỳ như vậy thật! Đó là thời điểm năm 1945, lúc đó Singapore đang bị Nhật chiếm đóng, ông Diệu làm việc cho một cơ quan báo chí Nhật với vai trò là thông dịch các tài liệu của phe đồng minh. Tháng 5/1945, phát xít Đức đầu hàng (Nhật thì chưa). Tiên đoán rằng sớm muộn gì cũng sẽ đến lượt Nhật đầu hàng, nếu đến thời điểm đó vẫn đang làm việc cho Nhật thì hoàn cảnh sẽ rất bất lợi, ông Diệu chọn giải pháp là... đột ngột biến mất, đợi đến khi mọi việc ổn định thì mới quay về!

Tài liệu (Lý Quang Diệu truyện của Trương Vĩnh Hòa) ghi rằng lúc đó Lý Quang Diệu tá túc ở nhà một người chú họ, sống một cuộc sống nông thôn. Đến tháng 9/1945, phát xít Nhật đầu hàng, Lý Quang Diệu chào gia đình chú để quay về Singapore. Nếu tài liệu ghi rằng nhà người chú họ này ở Việt Nam thì thật là ăn khớp, thế nhưng đó lại là Malaysia! Mặc dù vậy, ta có thể lập luận rằng lúc đó ông Diệu đi mai danh ẩn tích, ở nơi đâu là chuyện chẳng công khai, chẳng xác định rõ ràng, cho nên chuyện ông ở Biên Hòa thay vì ở Malaysia cũng hoàn toàn có thể xảy ra!

Cha mẹ và 5 anh em ông Lý Quang Diệu. Ông Diệu áo đen, đứng giữa

Tui tưởng tượng ra một tình huống như thế này:

Ông Lý An là một người chú (hoặc bác) họ của ông Lý Quang Diệu, lưu lạc sang Việt Nam. Tháng 5/1945, để khỏi làm việc cho Nhật, ông Diệu (lúc bấy giờ 22 tuổi) đi khỏi Singapore. Ông phải đi xa một chút để người Nhật không tìm ra, và ông đến Biên Hòa gặp ông Lý An. Tại đây ông Lý An nói dối với mọi người đây là Lý Cẩm Xường (giấu tên thật ông Diệu), người con của ông đã cho gia đình Singapore làm con nuôi từ hồi 5-7 tuổi, giờ về thăm cha. Chuyện ngày xưa đã gần 20 năm ai mà biết và nhớ, họ chỉ nhớ là có Lý Cẩm Xường con của Lý An (sau này là Lý Quang Diệu) đã từng ở Biên Hòa thôi. Tháng 9/1945 chàng thanh niên này giã từ Biên Hòa để về Singapore sau gần 4 tháng tá túc tại đây.

Nhiều năm sau, khi Lý Quang Diệu thành danh ở Singapore, ông Lý An kể lại với xóm giềng, con cái rằng Lý Quang Diệu chính là Lý Cẩm Xường, người con của ông mà mọi người đã từng gặp hồi 1945.

Nhiều năm sau nữa, ông Lý Quang Diệu về thăm - không phải thăm cha, mà là thăm người chú/bác họ đã từng cho mình tá túc vài tháng năm 1945 - lúc đó ông Lý An không còn, con ông là Lý Kiềm ngại và không gặp.

Nhiều năm sau nữa, ông Võ văn Kiệt sang thăm Singapore, ông Lý Quang Diệu có nhờ tìm lại người thân là các con ông Lý An để giúp đỡ. Như ta biết, đó là thời điểm 1982, cả ông Lý An lẫn con ông là Lý Kiềm đều đã qua đời, chỉ còn đời cháu (trong đó có ông Lý Kim Hoàng), lại thêm một lô xắc-xông các con cháu đời vợ sau của ông Lý An lên tới gần 200 người đòi ăn theo. Liệu bề không kham nổi đoàn quân này, vả lại cũng không phải là họ hàng thân thiết, ông Lý Quang Diệu từ chối! Từ đó về sau, để tránh phiền nhiễu, ông kiến nghị nhà nước Việt Nam đừng cho khơi gợi lại vấn đề này nữa!

Giả thuyết thứ ba: Đây là giả thuyết kém lãng mạn nhất. Đó là: Lý Cẩm Xường là Lý Cẩm Xường, không phải Lý Quang Diệu. Đây là người con ruột của ông Lý An, được cho sang Singapore từ nhỏ. Ông này không thành đạt như ông Lý Quang Diệu, nhưng cùng là thân tộc họ Lý, có quen thân với ông Diệu và nhờ ông Diệu tìm giúp cha và anh ruột mình ở Việt Nam.

Trong 3 giả thuyết do tui tự nghĩ ra, tui khoái giả thuyết thứ hai nhất, vì tui thấy nó vừa có lý vừa lãng mạn. Nhưng đó chỉ là tui tưởng tượng thôi nghen, có thể nó trật lất, mọi người cứ coi như tiểu thuyết hư cấu thôi.

Câu chuyện trôi qua đã lâu lắm rồi, đáng để khép lại rồi. Trò chuyện với anh Lý Kim Hoàng - người được cho là cháu kêu ông Lý Quang Diệu bằng chú - xong, kể lại đây tui chẳng mong gợi lại hay làm rõ điều gì, chỉ vui là... có chuyện để kể với mọi người thôi. Và hơn hết, cái được của tui là gì mọi người biết hông? Là có thêm một người bạn. Đó là anh Lý Kim Hoàng, một người bạn hiền lành, chất phác. Chắc anh Hoàng cũng đồng ý với tui như vậy!


Phạm Hoài Nhân 

1 nhận xét:

  1. Còn một chuyện thật là Vợ LQD là người Biên Hòa chính hiệu, do vậy nể vợ mà nghĩa khí với VN thế thôi!!!

    Trả lờiXóa