25 thg 3, 2017

Chuyện về ông Lý Quang Diệu ở Biên Hòa - Lời kể của anh Lý Kim Hoàng

Với sự tò mò về nguyên do vì sao có lời đồn đại rằng ông Lý Quang Diệu là người gốc Biên Hòa, có cha và anh sống ở Biên Hòa, tui tìm gặp anh Lý Kim Hoàng để trò chuyện. Sau đây là tóm lược nội dung lời kể của anh Lý Kim Hoàng, chánh tế đình Tân Lân, Biên Hòa - người được xem là cháu, gọi ông Lý Quang Diệu bằng chú.

Mạch chuyện chính


Ông Lý Quang Diệu thời trẻ, trên tạp chí Times

Ông Lý Quang Diệu không phải sanh ra ở Biên Hòa như người ta nói. Ổng sanh ra ở bên Tàu. Ông nội tui là Lý An đem ổng từ bên Tàu qua Biên Hòa mình đây từ hồi ổng còn nhỏ. Ông nội tui đem qua 3 người con trai, người con lớn là Lý Kiềm - là ba tui, người kế là Lý Cẩm Xường - tức Lý Quang Diệu, người thứ ba té sông chết từ nhỏ, không biết tên. Ở Biên Hòa, ông nội làm nghề hớt tóc tại Bửu Long. Khi ông nội qua tới Biên Hòa thì không có bà nội, bả mất đâu đó ở bên Tàu rồi. Sau đó ông nội có vợ lần nữa, bà sau này có cả chục người con. Dòng con sau này hiện đa số sống ở Dầu Giây, Long Khánh.

Ở bên Tàu, ba tui là Lý Kiềm, qua đây đổi thành Lý văn Kiềm (thêm chữ văn). Ông sinh năm 1916, mất năm 1972 vì tai nạn giao thông. Lúc còn sống ở Biên Hòa ông làm nghề lái xe lô (1). Ổng có cả chục người con, nhưng giờ còn sống 5 người, 1 trai là tui và 4 gái. Tui là thứ Bảy, sinh ngày 19/1/1954.


Những mối dây lỏng lẻo

Tui hỏi anh Hoàng ngay vấn đề cốt lõi nhất: Vì sao và khi nào ông Lý Cẩm Xường qua Singapore?

Anh Hoàng trả lời: Ông nội tui kể là hồi ông Lý Cẩm Xường 6, 7 tuổi gì đó thì có người bác họ qua thăm rồi đưa về Tân Gia Ba luôn. Qua đó đổi tên thành Lý Quang Diệu.

Ở chi tiết này thì Thái Thụy Vi viết là ông Diệu được một người Singapore gốc Tàu nhận làm con nuôi từ năm 5 tuổi. Tui ngắt lời anh Hoàng để hỏi: Bác họ của ai? Của ông nội anh hay của ba anh?

Anh Hoàng ngập ngừng trả lời: Tui hổng biết nữa, nghe ông nội kể vậy. Chắc bác họ của ba tui!

Do đâu mà có thể nói Lý Cẩm Xường - chú của anh - lại là Lý Quang Diệu?

Ông nội tui nói vậy. Với lại anh thử nghĩ coi, nếu không phải là chú của tui sao tui lại biết rõ rằng ổng có 3 người con, 2 trai là Lý Hiển Long, Lý Hiển Quang và 1 gái là Lý Vĩ Linh?

Tui hơi buồn cười với lập luận của anh, định nói rằng tui cũng biết rõ ông Lý Quang Diệu có 3 người con như vậy, chẳng lẽ... ổng cũng là chú tui! Tuy nhiên tui không bày tỏ thái độ, và hỏi tiếp: Ngoài chuyện ông nội anh kể lại như vậy, có thông tin gì thêm về mối quan hệ của ông Diệu với gia đình anh?

Có, hồi đó có lần ông Lý Quang Diệu về Việt Nam, tới Biên Hòa kiếm ba tui, nhưng... ba tui trốn, hổng gặp!

Hồi đó là hồi nào? Tại sao trốn?

Hồi nào thì tui cũng hông biết nữa, mà lâu lắm rồi, có khi lúc đó tui chưa sanh ra nữa (xin nhắc lại là anh Hoàng sanh năm 1954). Ba tui đi trốn vì thấy ổng quyền cao chức trọng mà mình thì hàn vi, chạy xe lô nên hông dám gặp! Ba tui kể lại như vậy.

Vậy là những thông tin có được hết sức lỏng lẻo và mù mờ, tất cả đều do kể lại, từ ông nội hoặc từ ba anh Hoàng - những người được xem là cha và anh của ông Lý Quang Diệu.

Bảo lãnh đi Singapore

Thông tin sau đây mới là quan trọng, được rất nhiều người biết và xác nhận. Năm 1982, một bà thứ trưởng của Việt Nam sang công tác tại Singapore và khi về nước tìm đến gia đình anh Hoàng (lúc đó ba anh Hoàng đã mất, còn má) đề nghị làm thủ tục để bảo lãnh đi Singapore theo đề nghị của ông Lý Quang Diệu (anh Hoàng chỉ nhớ đó là bà thứ trưởng chớ không biết bộ nào, tên gì). Anh Hoàng kể lại sự kiện quan trọng đó như sau:

Anh Lý Kim Hoàng

Bà đó bả kêu kê khai, làm hồ sơ của tất cả thành viên gia đình để làm thủ tục bảo lãnh đi Singapore (xin mở ngoặc để nhắc rằng thời điểm 1982 này đi nước ngoài - cho dù chỉ là Singapore - là cực khó và con đường đi nước ngoài chủ yếu là... vượt biên!). Má tui mừng lắm, phen này là đổi đời rồi. Một mặt thì lên Dầu Giây - Long Khánh để báo bà con trên đó làm hồ sơ (tức là dòng con đời vợ sau của ông Lý An), mặt khác má tui bán hết tài sản để chuẩn bị đi định cư Singapore.

Anh Hoàng vừa hào hứng, vừa tiếc rẻ kể lại:

Anh biết hông, thời gian đó gia đình tui sướng lắm. Bà đó (bà thứ trưởng) bả thường xuyên cho lính đem thuốc lá ngoại tới cho tụi tui hút. Rồi người ta kéo tới thăm nườm nượp vì biết tụi tui sắp được đi Singapore, tới nổi nhà tui phải để bảng "Miễn tiếp khách" - nhà có công an gác nữa đó nghen. Có nhiều người tới xin nộp vàng cho gia đình tui để được làm hồ sơ đi ké, mỗi người 10 cây. Họ làm tờ cam đoan ký tên đàng hoàng là nếu đi được thì sẽ chồng thêm, còn không được thì chấp nhận mất vàng, không khiếu nại. Có công an đứng đó luôn, ờ anh công an này về hưu rồi nhưng vẫn còn sống đó, anh có thể hỏi... Mà má tui hổng nhận, chớ nếu gia đình tui mà tham thì giàu rồi!

Tui cũng tặc lưỡi tiếc rẻ dùm ảnh rồi hỏi tiếp: Sau đó thì sao? Đi được hông?

Đi được sao còn ngồi đây? Tụi tui chờ hoài, chờ hoài mà chả thấy gì hết trọi. Trong thời gian đó, gia đình tui có 3 lần gởi thơ cho ông Lý Quang Diệu nhưng 2 lần thơ bị trả lại, lần thứ 3 thì ổng nhận được.

Vậy à? Rồi ổng trả lời sao?

Vầy nè, tui kể anh nghe. Hai lá thơ đầu nhà tui nhờ người viết bằng tiếng Anh, thơ bị trả lại. Đến lá thơ thứ ba, tụi tui mới nhờ người dịch ra tiếng Hoa thì không bị trả lại nữa.

Hic, vậy là thơ không bị trả lại nên anh nghĩ là ổng nhận được, chớ còn chưa chắc nhận được và ổng cũng đâu có trả lời. Phải hông?

Ờ, hổng có trả lời trả vốn gì hết. Tụi tui chờ miết tới 1986 thì bỏ cuộc. Mình phải lo làm ăn nữa chớ. Mà theo tui, sở dĩ hồ sơ không được giải quyết là do cái đám con cháu bà vợ sau của ông nội tui. Vì kéo theo dòng con cháu đó mà lên tới... gần 200 hồ sơ, ai mà bảo lãnh cho nổi chớ! Nếu chỉ có tụi tui thôi thì có mấy mạng hà!

Theo lời kể của anh Hoàng thì từ đó đến nay hoàn toàn không có thông tin liên lạc gì từ phía Singapore hết. Vậy là đã hơn 30 năm trôi qua. Câu chuyện đã xứng đáng để khép lại rồi.

Anh Lý Kim Hoàng

Người anh đạp xích lô

Tui hỏi anh Lý Kim Hoàng: Có tài liệu nói rằng ông Lý Quang Diệu từng cho người về Biên Hòa kiếm người anh đạp xích lô, nhưng anh lại kể rằng ba anh chạy xe lô. Vậy phải chăng có sự nhầm lẫn giữa xe lô và xích lô?

Họ viết sai đó. Đạp xích lô là đời tụi tui chớ hông phải ba tui. Hồi giải phóng xong tụi tui đạp xích lô kiếm sống. Má tui dành dụm được ít tiền mua thêm xích lô để cho thuê nữa. Hic, anh biết hông, hồi 82 nghe tin được đi Singapore má tui mới bán hết tài sản, tức là bán mấy chiếc xích lô đó. Hồi mua là 15.000 đồng một chiếc, mà bán có 8.000 đồng hà!

Bà bán xôi Singapore

Tui hỏi: Trước đây ở chợ Biên Hòa có bà bán xôi mà người ta gọi là Xôi Singapore hoặc Xôi Lý Quang Diệu. Bà đó là gì của anh?

Đó là chị Tư tui, tên Lý thị Ngãi. Gia đình tui mấy bà chị đều làm nghề bán xôi hết á. Từ cái vụ ồn ào bảo lãnh đi Sing năm 1982 mọi người đều biết gia đình tui có họ hàng với ông Lý Quang Diệu nên họ mới kêu vậy đó!

Mộ của ông Lý An

Về ngôi mộ của ông Lý An - người được cho rằng là cha của ông Lý Quang Diệu - anh Lý Kim Hoàng cho biết thông tin như sau:

Ông nội tui sống ở Bửu Long nên khi chết chôn ở  chỗ bây giờ là khu Du lịch Bửu Long. Khi người ta xây dựng khu du lịch này (sau 1975) thì hốt cốt lên và di dời mộ. Hiện giờ mộ của ông ở nghĩa trang người Hoa, gần núi Châu Thới.

Như vậy thông tin về mộ của ông Lý An là ở Bửu Long (Biên Hòa) và bây giờ ở Dĩ An (Bình Dương) là hoàn toàn chính xác, có điều ông Lý An có phải là cha ông Lý Quang Diệu hay không thì... hổng biết à nghen.

Người nông phu ở Cây Chàm

Tui lại hỏi thăm về thông tin cho rằng cha ông Lý Quang Diệu là con một người nông phu ở Cây Chàm: Có thông tin cho rằng ông nội anh - cho rằng là cha ông Diệu - là một người nông phu ở Cây Chàm, nhưng anh vừa kể rằng ông ở Bửu Long?

Ông nội tui ở Bửu Long, còn ở Cây Chàm là ba tui. Bây giờ tui vẫn đang ở đó, nhà tui phía bên Lẩu tôm Năm Ri đó. Thật ra thì chỗ đó xích lên chút xíu là Bửu Long rồi!

Kết luận

Qua những điều trao đổi với anh Lý Kim Hoàng mà tui kể lại trên đây, tui chỉ trả lời được câu hỏi Tại sao, do đâu mà có những thông tin về ông Lý Quang Diệu có liên quan tới Biên Hòa? Còn câu hỏi Ông Lý Quang Diệu có gốc gác ở Biên Hòa hay không? thì tui nghĩ rằng mình không trả lời được, các bạn có thể tự nghĩ ra câu trả lời cho riêng mình hay khép lại vấn đề ở đây.

Tui cũng hơi nhiều chuyện chút, nên cũng có vài suy nghĩ về việc này, nhưng bài dài quá rồi nên xin ngừng ở đây. Hễ ai có rãnh thì vài bữa nữa vô đây coi tui làm bà Tám một chút.


Phạm Hoài Nhân
_________

(1) Xe lô tức là lô-ca-xông, đọc từ location nghĩa là địa điểm. Đây là một dạng vận chuyển tương tự taxi, xe đậu ở bến và khách lên xe sẽ yêu cầu địa điểm đến. Ở Biên Hòa và Sài Gòn thập niên 1960, loại xe dùng cho dạng vận chuyển này thường là xe Citroen Traction Avant 11 (xe Citroen dẫn động cầu trước 11 mã lực). Người dân thường gọi là xe lô, xe trắc-xông, xe trắc-xông a-văng.

Xe lô Citroen Traction Avant 11. Ảnh maivantran.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét