5 thg 9, 2017

Về quê ngoại

Đâu đó hồi năm tôi học lớp Ba tiểu học, có một bài Học thuộc lòng mà tôi thuộc (học thuộc lòng mà) mãi tới tận bây giờ

Về quê ngoại

Một buổi hoa vàng ngập lối đi
Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về
Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm
Người vẫn hằng mong trở lại quê

Cau trắng bà phơi ở trước thềm
Ngỡ ngàng khi thấy bóng quen quen
Dừng tay bà vội lần ra ngõ
Cạnh bức tường rêu dụi mắt nhìn

Sau phút hàn huyên ôm lấy tôi
Nhớ thương bà chẳng nói nên lời
Trên đôi gò má nhăn nheo ấy
Giọt lệ vui mừng khẽ khẽ rơi...

Ngoại tôi sống cùng gia đình tôi ở Long Khánh, nên thật sự là không có cảnh 

Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về
Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm
Người vẫn hằng mong trở lại quê

nhưng bài học thuộc lòng (cứ gọi là "học thuộc lòng" cho nó giống với ngày xưa, thay vì gọi là "bài thơ") hay quá, đẹp quá, đáng yêu quá nên nó theo tôi mãi trong đời. Bây giờ, nửa thế kỷ đã trôi qua, nhớ lại càng thêm tha thiết dấu yêu, đong đầy kỷ niệm... Và hai tiếng quê ngoại gợi lại bao nhiêu nỗi nhớ vô bờ...

Quê ngoại tôi, nơi má tôi sinh ra và sống thời thơ ấu, ở miền quê Cái Bè sông nước. Dòng đời đưa đẩy khiến ông bà ngoại phải bỏ xứ ra đi năm 1956, khi má tôi là cô thiếu nữ 16 tuổi. Rồi gia đình ngoại chọn Long Khánh làm quê hương, rồi má gặp ba, rồi chúng tôi ra đời...

Sông Cái Bè, quê ngoại

Cuộc chia ly ấy hóa ra biền biệt, mấy mươi năm trôi qua, có mấy khi má và ngoại về thăm lại chốn xưa? Còn tôi, chưa bao giờ có dịp về quê ngoại, chỉ được nghe kể qua những hoài niệm của má, của dì, cậu... Rồi ngoại qua đời, rồi má cũng về cõi xa xăm năm 2007. Ước mơ của má một lần về thăm dòng sông tuổi thơ Cái Bè trước khi vĩnh viễn ra đi chỉ là mơ ước...

Thời gian đâu chờ đợi một ai. Năm 2017, 61 năm từ khi xa lìa quê ngoại, các dì cậu của tôi - những người đã trên dưới tuổi thất thập cổ lai hi - cùng tôi về thăm chốn cũ. Cho dù nơi ấy bây giờ chẳng còn ai thân thuộc, cho dù chỉ còn là những hình ảnh xa mờ trong ký ức. Một lần, cho hơn 60 năm...

Nhà của ngoại ở chợ Cái Bè, mặt trước quay ra chợ, mặt sau là sông. Ngôi nhà ngày xưa ấy bây giờ là tiệm Vĩnh Hưng. Cạnh bên là tiệm Lâm Hữu, láng giềng thân thiết của ngoại ngày xưa. Giờ tiệm vẫn còn đó, vẫn tên cũ, nhưng người xưa không còn nữa, đứng bán là con cháu đời sau...


Dì và cậu xin phép chủ của ngôi nhà cũ của mình 61 năm trước được bước ra sau nhà, chụp tấm hình lưu niệm bên dòng sông xưa.


Nơi đây, hơn 60 năm trước, cô thiếu nữ là má đã đứng trên ghe để chụp tấm hình này:


Đi trên sông, để từ dòng sông nhìn lại ngôi nhà ngày xưa... Ngôi nhà của ngoại ngày xưa là nhà có tấm bảng hiệu đặt cao, nằm gần giữa hình.


Dì ngùi ngùi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, chơi đùa ở sau nhà và... lọt xuống sông. Tôi không có kỷ niệm gì, vì khi cả nhà rời bỏ nơi này thì... tôi chưa sinh ra, nhưng tưởng nhớ hình dáng của má, của ngoại, dường như vẫn thấp thoáng đâu đây bên mái nhà lụp xụp, bên dòng sông lặng lờ, trên chiếc ghe bồng bềnh trôi...

Về quê ngoại, vui đó, buồn đó... Vui vì được một lần về thăm quê ngoại. Buồn vì những người thân thiết, gắn bó nhất với nơi này là ngoại, là má đã không còn nữa để về cùng con...

Một buổi hoa vàng ngập lối đi
Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về
Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm
Người vẫn hằng mong trở lại quê

Ngoại ơi, má ơi, hôm nay con về Viếng thăm quê ngoại vì lâu lắm - Người vẫn hằng mong trở lại quê, nhưng không có Mẹ tôi âu yếm dẫn tôi về và cũng không gặp ngoại để ôm lấy con.

Biết làm sao bây giờ, ngoại ơi, má ơi...

Giọt lệ vui mừng khẽ khẽ rơi...

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Tôi 73 tuổi vẫn thuộc lào bài Học thuộc lòng này. Cảm động lắm

    Trả lờiXóa
  2. Tôi năm nay 62 tuổi ,bây giờ tôi vẫn nhớ như in bài thơ này khi học lớp 3,giống lắm , giống quê ngoại tôi lắm ,bài thơ đầy cảm xúc.

    Trả lờiXóa