4 thg 1, 2018

Bưng Mua

1.
Theo tự điển phương ngữ Nam bộ của Nam Chi Bùi Thanh Kiên, bưng là từ tiếng Khmer péang, có nghĩa là: Vùng đất trũng thấp, nước đọng nhưng không quá sâu. Nơi đây, có nhiều tôm cá và mọc lên những loại cây thấp như sậy, đế, đưng, năn, lác. Người ta phải phát sạch để trồng lúa.


Ngoài ra, người ta còn hiểu bưng như là vùng hoang vu, căn cứ kháng chiến (thí dụ như: đi vô bưng, bưng biền...).

Mua là tên một loại hoa màu tím, khá giống với hoa sim. Một người ít gặp 2 loại hoa này như tui thì khó phân biệt được, mặc dù cùng với hoa sim thì hoa mua cũng được nhắc đến trong rất nhiều bài thơ, bài hát. 

Ngược thuyền về với tuổi thơ 
Bến sông vẫn tím đôi bờ hoa mua 
"Hoa mua ai bán mà mua" 
Để tôi vớt lá tìm mùa thu xa?
(Thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn)

Hoa mua. Ảnh: Góc Quảng Trị

2.
Ở Đồng Nai có con đường mang tên Bưng Mua. Mới nghe qua thì tên đường này nhuốm mùi trần tục, nếu hiểu bưng bưng bê mua mua bán. Nhưng không phải! BưngMua trong tên này được hiểu theo nghĩa nêu ở trên. Đây là vùng đất thấp, có nhiều cây hoa mua, nên được gọi là Bưng Mua. Tên Bưng Mua trở nên mộc mạc và đáng mến biết chừng nào!

Đường Bưng Mua bắt đầu từ tỉnh lộ 768, chạy dài vào khu vực xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu. Anh Hà Duy Đức kể rằng đúng là ngày xưa khu vực này là vùng đất thấp có nhiều cây mua. Tên Bưng Mua không biết có từ bao giờ, nhưng chắc là do tên gọi quen thuộc của người dân từ xưa rồi trở thành địa danh hành chánh.

Tiếc thay, bây giờ nơi đây không còn cây mua nào hết, dù rằng vẫn tên là Bưng Mua.

3.
Chạy dọc theo con đường Bưng Mua, có thể thấy nhiều bảng "Bán đất" được cắm lên, nhiều chỗ đang được đổ đất, san nền. Không sớm thì muộn, nơi này sẽ trở thành khu dân cư đông đúc.



Nhưng ngay bây giờ, tới đây bạn vẫn thấy được nét yên ắng, hoang sơ và thanh bình. Không biết ai đã đặt tên cho khu vực này là Đà Lạt 2. Những con đường cong cong và dốc, với hàng cây xanh xanh như ngủ yên hai bên. Tiết trời se se lạnh. Thiên nhiên hiền hòa.

Ở cuối đường Bưng Mua là một quán cà phê màu tím, tím như hoa mua. Nơi ấy, bạn có thể ngồi trò chuyện hay thả hồn mình trong tĩnh lặng, ngắm những nhành lan, những cành hoa e ấp... Đó là quán cà phê Tím của nhà văn Nguyễn Một.




Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét