22 thg 1, 2018

Đường chúng ta đi

Nếu chỉ kể những bài hát nổi tiếng mà tôi được biết thì có tới... 3 bài Đường chúng ta đi!


Bài Đường chúng ta đi đầu tiên  tôi nghe là một bản hùng ca của nhạc sĩ Anh Việt Thu, được sáng tác và phổ biến đầu tiên tại miền Nam Việt Nam khoảng 1972. Đó là mùa hè đỏ lửa, khi chiến sự bùng nổ ác liệt tại Bình Long, Kontum, Quảng Trị... Để khích lệ tinh thần quân dân Miền Nam, nhiều bản chiến đấu ca, hùng ca được sáng tác và phổ biến qua sóng phát thanh, truyền hình. Là một nhạc sĩ công tác tại Phòng Văn nghệ thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị VNCH, Anh Việt Thu đã góp phần mình một số ca khúc. Trong số các bài hùng ca đó của ông, có lẽ nổi tiếng nhất là 2 bài Trên đầu súng Đường chúng ta đi. Hai bài hùng ca này sau đó còn được hát rất nhiều trong những buổi sinh hoạt cộng đồng.

Đường chúng ta đi mở đầu bằng câu nói nổi tiếng của nhà văn - nhà giáo Nguyễn Bá Học: Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông. Kế tiếp là nhịp đi hào hùng, dồn dập nhưng cũng dạt dào tình cảm, như phong cách thường thấy ở nhạc Anh Việt Thu.

Đặc biệt, trong bản hùng ca này có một câu hát giống y hệt câu trong một bài hát trữ tình của Anh Việt Thu: Anh có nghe trời vào xuân chưa?

(Bài Mùa xuân đó có em do Anh Việt Thu sáng tác khoảng năm 1968 có câu: Em có nghe trời vào xuân chưa? Bên song từng giọt nắng vàng chợt lưa thưa...)



Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông

Đường chúng ta đi qua bao gian khổ chông gai 
Đóa hoa hồng nở trên mỗi bước tới 
Giọt mồ hôi, từng giọt máu chảy 
Để cho quê ta bom đạn tơi bời 
Đồng lúa cháy rạ vàng 
Ruộng bỏ hoang cũng nở tươi tốt đơm bông 
Anh có nghe trời vào xuân chưa 

Đường chúng ta đi hoa tươi xanh cỏ rưng rưng 
Những cánh rừng dẹp đi hầm hố cũ 
Kìa nhà máy ngợp trời bốc khói 
Sớm mai tinh sương công trường tấp nập 
Thành phố mới rộn ràng 
Đường vào Nam, đường ngược về Bắc thênh thang 
Anh có nghe con tàu về xôn xao

Tác giả ca khúc qua đời vào tháng 3/75 do một cơn bạo bệnh. Hơn một tháng sau, chính quyền Sài Gòn cũng sụp đổ. Bài hùng ca này dường như đi theo những người chủ của nó.

Ở hải ngoại, Đường chúng ta đi của Anh Việt Thu vẫn tiếp tục vang lên, để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh và để nhớ đến đường chúng ta đi ngày nào.


Tại đất nước Việt Nam, một ca khúc Đường chúng ta đi khác xuất hiện.

Việt Nam! Trên đường chúng ta đi. 
Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. 
Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời 

Đó là một ca khúc của Huy Du, lời thơ Xuân Sách. Về thời điểm sáng tác, bài hát này được sáng tác năm 1968, trước Đường chúng ta đi của Anh Việt Thu 4 năm, nhưng đến 1975 người miền Nam mới được nghe. Chẳng những được nghe mà còn nghe rất nhiều, còn được tập hát nữa, nhất là câu "Dặm đường xa ta đi giữa mùa xuân. Ta đi giữa tình thương của Đảng,"...


Rồi Đường chúng ta đi này cũng dần bị quên lãng, một ca khúc Đường chúng ta đi khác xuất hiện. Nó nhanh chóng lan khắp hang cùng ngõ hẻm, từ trẻ con đến người lớn. Chắc chắn bạn cũng đã nghe rồi, nếu muốn nhớ lại hãy xem dưới đây nhé. Bài viết này xin chấm hết ở đây và... miễn bình luận!


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: