Thời VNCH, tên ông được đặt cho 2 con đường ở Sài Gòn - Gia Định. Xui cho ông, thời điểm sau 1975, các vị quan, tướng nhà Nguyễn đều không được coi trọng, nên cả 2 con đường mang tên ông đều bị đổi tên ngày 4/4/1985. Đường Trương Tấn Bửu của Đô thành Sài Gòn cũ hiện nay là đường Lê Quang Sung ở quận 6, còn đường Trương Tấn Bửu của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Trần Huy Liệu ở quận Phú Nhuận.
May cho ông, lăng mộ của ông được giữ lại. May hơn nữa, Lăng Trương Tấn Bửu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ cuối năm 2004. Giữ lại không có nghĩa là còn nguyên, lăng Trương Tấn Bửu nay đã xuống cấp rất nhiều.
Mộ Trương Tấn Bửu
Tấm bia trước mộ viết bằng chữ quốc ngữ, chắc chắn là tạc sau này, nhìn khá lạc lõng.
Nhưng không lạc lõng bằng tấm bảng này. Trên bảng có ghi: "Cấm... viết lên cổ tích", nhưng gắn bảng lên thì được!
Con đường Nguyễn thị Huỳnh, nơi tọa lạc lăng mộ và đền thờ Trương Tấn Bửu chỉ dài hơn 200 met, một đầu là đường Nguyễn văn Trỗi rộng rãi, tấp nập xe cộ, đầu kia là Nguyễn Trọng Tuyển cũng khá nhộn nhịp. Lăng mộ Trương Tấn Bửu không bề thế, lại cũ kỹ và xuống cấp, khiến nơi này trở nên một khoảng lặng, một chốn yên tĩnh không dễ có giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt. Bước vào đây để tưởng niệm, để suy tư, và để ngẫm lẽ đời...
Chợt nghĩ, một vị tổng trấn Gia Định thành, có tài năng, có công trạng mà ngày nay trên chính mảnh đất Gia Định này không có con đường nào mang tên ông, kể cũng không phải đạo lắm. Hay là trên chính con đường nhỏ này, nơi yên nghỉ của ông, hãy đặt tên Trương Tấn Bửu nhỉ?
(Chắc chắn là tên danh tướng nhà Nguyễn Trương Tấn Bửu khá xa lạ với nhiều người, nhưng có một cái tên Trương Tấn Bửu quen thuộc hơn. Đó là danh thủ bóng đá Trương Tấn Bửu, người nhận được huân chương thế kỷ của FIFA)
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét