12 thg 3, 2018

Chùa núi Châu Thới

Chùa Núi Châu Thới là ngôi chùa xưa nhất của Bình Dương và là một trong những ngôi chùa hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam bộ (ở nửa sau TK XVll). Chùa được xây trên ngọn núi Châu Thới (cao 82m) ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Sách “Gia Định Thành Thông Chí" viết: “Núi Chiêu Thái (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”


Nói là ở Bình Dương, nhưng xưa kia núi Châu Thới thuộc tỉnh Biên Hòa, và người lớn tuổi ở Biên Hòa đến giờ vẫn coi ngọn núi này thuộc địa phương mình. Mà đúng vậy thiệt, từ Biên Hòa tới đây chỉ 5 km, trong khi từ Thủ Dầu Một tới núi Châu Thới là gần 30 km!

Còn điều này nữa cũng quan trọng không kém: Con sông Đồng Nai chảy qua thành phố Biên Hòa ngày xưa mang tên Phước Long giang (con rồng mang phước). Người xưa nói rằng đầu rồng ở khu du lịch Bửu Long, với 2 ngọn núi Long Sơn và Bình Điện. Núi Bình Điện có chùa cổ Bửu Phong ở trên được ví là hòn ngọc châu ngậm trong miệng rồng. Con rồng này uốn lượn quanh Biên Hòa, và khúc đuôi rồng nhô lên chính là núi Châu Thới. Hic, như vậy nguyên con rồng ở Biên Hòa, Đồng Nai, còn cái đuôi ló lên lại ở Bình Dương???

Từ trung tâm TP Biên Hòa, đi theo đường Nguyễn Ái Quốc (quốc lộ 1K) về hướng Sài Gòn, qua cầu Hóa An khoảng 3km bạn sẽ thấy bên trái bảng đề Châu Thới Sơn Tự. Rẽ vào đây có 2 đường lên núi.

Một con đường là đi bộ lên 220 bậc đá, một đường là đi xe máy (hoặc xe hơi) vòng theo sườn núi để lên đỉnh.

Đường lên chùa (đi bộ)

Cảnh quan đẹp, với núi, hồ. Nhìn xa xa là Bình Dương, xa hơn nữa là TPHCM.

Mô tả về chùa, theo Chùa Việt Nam - Xưa và nay của Võ văn Tường như sau:

Chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ XVII. Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương (NXB. Mũi Cà Mau, 2000) cho biết chùa có thể được lập vào năm Tân Dậu (1681). Nhà tổ và giảng đường được trùng tu năm 1930, tam quan xây dựng năm 1970, 220 bậc thang lên xuống núi được xây đắp xi măng năm 1971. Ngôi chánh điện được Hòa thượng Viện chủ Thích Huệ Thông và Thượng tọa trụ trì Thích Minh Thiện tổ chức đại trùng tu từ năm 1993 đến năm 1995.

Kiến trúc chùa chính gồm một quần thể bao gồm: ngôi chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu và Ngũ Hành Nương Nương (thuộc tín ngưỡng dân gian). Cấu trúc mái trên chánh điện theo kiểu tứ tượng. Chùa sử dụng những mảnh gốm sứ đắp lên các con rồng ở cuối các đầu đao của mái chùa. Trên đỉnh mái, có chín con rồng nhìn ra nhiều hướng. Mặt tiền được đắp gốm sứ tạo các loại hình như tứ linh, thủ quyển, đức Phật đản sanh…

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Tầng trên thờ tượng Di Dà Tam Tôn: đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm và Bồ tát Đại Thế Chí. Các tầng kế thờ đức Phật Thích Ca (cao 3m), đức Di Lặc, tượng Đản sanh. Các pho tượng trên đều được đúc bằng đồng tại chùa do nhóm thợ Huế thực hiện. Hai bên vách chánh điện thờ bộ tượng Thập Bát La Hán và Thập Điện Minh Vương bằng đất nung.

Năm 1988, chùa đúc một đại hồng chung (đúc tại Huế, theo mẫu đại hồng chung chùa Thiên Mụ).

Năm 1996, chùa xây dựng một bảo tháp 4 tầng, cao 24m: Tầng 1 tôn trí tượng Quan Đế bằng đồng nặng 5 tấn, tầng 2 tôn trí tượng Bồ tát Địa Tạng bằng đồng nặng 3 tấn, tầng 3 tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng nặng 1 tấn, đại hồng chung nặng trên 1,5 tấn và tầng 4 tôn thờ Xá Lợi Phật.



Kiến trúc chùa, tượng... đẹp và công phu, nhưng nhìn tổng thể thì có vẻ hơi... lung tung! Có lẽ vì các công trình được xây thêm dần dần, thiếu sự quy hoạch tổng thể ban đầu...

Những hình ảnh trong bài chụp từ năm 2010. Từ đó đến nay, chùa đã xây dựng thêm nhiều hạng mục mới, trùng tu nhiều hạng mục cũ. Cảnh quan dưới chân núi cũng đã và đang được quy hoạch xây dựng. Mặc dù trong thời gian từ đó đến nay tui đã đi tới đi lui nơi này không ít lần, chụp không ít ảnh, nhưng xin chỉ đăng lại ảnh cũ vì... lười cập nhật, và biện minh bằng lý do hết sức "nhân văn": để bảo tồn di tích cổ!


Câu cá ven hồ

Đường lên chùa (đi xe)




Nhìn từ trên núi

Phật bà Quan Âm







Chùa

Quan công

Trời xanh ngan ngát

Dưới bụng rồng

Rồng ngắm trời

Vuốt rồng

Hai rồng nằm ngắm một rồng bay

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét