4 thg 3, 2018

Mơ một ngày được làm chuyên gia dịch thuật

Tui không biết bây giờ ra sao, chớ hồi đó (cách đây chừng dưới 10 năm) khi tui còn đang sung thì khi muốn đệ trình một phương án, một đề xuất lên lãnh đạo cấp trên (lãnh đạo tỉnh chẳng hạn), phải như vầy:

Kèm với tờ trình/phương án của mình là các tài liệu có liên quan để chứng thực những nội dung được nêu trong tờ trình/phương án. Các tài liệu này hoặc là bản gốc, hoặc là bản sao có công chứng để chứng minh... nó là đồ thiệt.




Nếu tài liệu là tiếng Việt thì dễ rồi, nhưng nếu là tiếng Anh hay một thứ tiếng khác thì phiền phức hơn. Bạn phải mặc nhiên hiểu rằng người xét duyệt phương án của bạn chỉ biết tiếng Việt thôi, vì vậy dứt khoát phải có bản dịch tài liệu ấy ra tiếng Việt. Có bản dịch thôi chưa đủ, lấy gì chứng minh bản dịch đó dịch đúng? Vậy phải có công chứng để công nhận tính chính xác của bản dịch. Tóm lại là phải có công chứng cho bản sao của tài liệu gốc, có bản dịch và phải có công chứng cho bản dịch.

Quy định là vậy, kể ra cũng hợp lý nhưng lại sinh chuyện bực mình. Thí dụ vầy: Tui có tài liệu mấy chục trang bằng tiếng Anh của đối tác nước ngoài bàn về kế hoạch hợp tác. Tui (và nhiều nhân viên của tui) có thể hiểu và dịch được tài liệu ra tiếng Việt để đính kèm với phương án, trình lên lãnh đạo cấp trên, tuy nhiên bản dịch của tụi tui là vô nghĩa, vì... ai bảo đảm nó đúng? Vì vậy, phải đem ra các phòng công chứng để thuê dịch và công chứng. Việc này khiến không bảo đảm tính bảo mật của tài liệu, mất thời gian, tốn tiền và điều đáng nói nhất là: không bảo đảm chất lượng dịch thuật. Người dịch (nếu may mắn) có thể giỏi tiếng Anh, nhưng chắc gì hiểu được đúng thứ tiếng Anh chuyên ngành dùng trong tài liệu?

Một anh bạn của tui làm ở bịnh viện kể: có lần phải nhờ bên công chứng dịch một tài liệu kỹ thuật ngắn về một thiết bị y khoa của châu Âu để kèm hồ sơ xin mua thiết bị. Ảnh hết hồn khi thấy trong bản dịch đã được công chứng có những từ: "cho nước Mỹ", "để hành quân"... trong khi đây là thiết bị châu Âu và không có liên quan gì đến quân sự hết! Coi lại bản gốc mới thấy đó là chữ "FOR US" nghĩa là "cho chúng tôi" (chữ US viết hoa được hiểu là nước Mỹ) và "OPERATION" nghĩa là "giải phẫu" (chữ này còn có nghĩa là hành quân).

Tui nghĩ bây giờ tiếng Anh đã phổ biến lắm rồi, chắc phải có những giải pháp tốt hơn cho những chuyện nêu trên. Bạn nào hoạt động và am hiểu trong lãnh vực này xin cho biết dùm nhé!



Tui nhắc chuyện này vì vừa đọc lại một câu thơ cổ nổi tiếng:

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

và thử bắt chước chuyên gia dịch thuật dịch câu trên sang tiếng Anh như sau:

American people (mỹ nhân) from neck (tự cổ) as (như) name (danh)  and appearance (tướng)

Bạn thấy có xứng tầm chuyên gia chưa? Xin cho biết sớm để tui phấn khởi mà dịch tiếp, rồi còn làm hồ sơ xin phong hàm giáo xư nữa!


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: