19 thg 4, 2018

Ghi chép tản mạn nơi Hà Chương hội quán

Hà Chương hội quán tọa lạc tại 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tương truyền rằng xưa kia người Hoa thuộc hai phủ Chương Châu và Tuyền Châu của tỉnh Phúc Kiến sang Việt Nam đã lập nên Hội quán Nhị Phủ (tức Miếu Nhị Phủ - năm 1730) làm nơi thờ cúng. Sau đó từ đây lại tách ra làm Hội quán Ôn Lăng (phủ Tuyền Châu - năm 1740)Hội quán Hà Chương (phủ Chương Châu - năm 1809).



Như các hội quán người Hoa khác tại TPHCM, hội quán Hà Chương được gọi bằng nhiều tên: Hà Chương hội quán, Chương Châu hội quán, Chùa Bà Hà Chương, Chùa Ông Hược. Tên gọi ban đầu của nơi này là Chương Châu hội quán, người dân gọi là chùa Bà Hà Chương vì đối tượng được thờ tự chính ở chánh điện là Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, còn tại sao gọi là chùa Ông Hược thì... không biết! Cụ Vương Hồng Sển (trong sách Sài Gòn năm xưa) kể lại rằng: Ngày 6 tháng 6 năm 1960, chúng tôi có đến viếng chùa, nhơn dịp hỏi lai lịch và nguyên do chữ "Hược" thì chính ông từ giữ chùa cũng ấp úng trả lời không suôn sẻ...Theo ý ông là do chữ "Hạp" (Hiệp), tức ý nói chùa lập ra do sự thống nhứt của các phủ tỉnh Phước Kiến hạp lại". Cắt nghĩa làm vậy chúng tôi tưởng chưa thông đâu. Kế đó chúng tôi đến hỏi một học giả ham chơi đồ cổ, gốc người Phước Kiến ở đường Phạm Ngũ Lão thì ông không trả lời được. Riêng chúng tôi được biết, có phải chăng "Hược" do "Học" tức "Phước" hay "Phúc" đọc giọng Phước Kiến? Chúng tôi nay xin chép ra đây để chờ người cao học phủ chính.

Kiến trúc của Hội quán Hà Chương theo kiểu Phúc Kiến, tương tự hội quán Nhị Phủ và hội quan Ôn Lăng: tiền đường có nếp mái gian giữa cao, hai bên thấp, cong vút lên; trước có hai cửa sổ tròn, tượng trưng cho nhật nguyệt.


Những mảng tượng điêu khắc rất công phu trên mái hội quán

Đáng chú ý là các tư liệu cũ ca ngợi hội quán Hà Chương hết lời, như Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (Nguyễn Liên Phong, 1909) đã viết:

Hà Chương Hội quán ai bì
Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba.

Cụ Vương Hồng Sển kể lại trong Sài Gòn năm xưa: Chùa đồ sộ và khéo nhứt thời xưa, cho nên ngày nay người cố cựu Chợ Lớn còn quen dùng danh từ "lớn bằng chùa ông Hược", vì thời trước chỉ có chùa nầy là nguy nga nhứt.

Điều tạo nên sự nổi bật của Hà Chương hội quán so với hai đàn anh Nhị Phủ và Ôn Lăng là những kiến trúc, điêu khắc bằng đá cực kỳ tinh xảo (mà nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển đã phải trầm trồ đồ sộ và khéo nhứt).



Những kiến trúc đá tinh xảo ở Hà Chương hội quán

Một tranh đá đẹp tại Hội quán

Về các đối tượng thờ tự thì cũng tương tự Ôn Lăng hội quán: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Chúa Sanh nương nương, Phước Đức chính thần (ông Bổn), Ngọc Hoàng Thượng đế, Hộ pháp, Bồ tát Quan Âm,Quan Công, Thái Tuế, Tề thiên Đại thánh. Số đối tượng thờ tự không nhiều như ở Ôn Lăng hội quán.

Mẹ Sanh Mẹ Đẻ

Thiên Hậu Thánh Mẫu

Phước Đức Chánh thần

Ngọc Hoàng Thượng Đế

Những mảnh giấy đỏ cầu nguyện của người dân

Dường như tại Hà Chương hội quán việc trùng tu không gần và nhiều như Ôn Lăng hay Nhị Phủ nên nhìn ngôi hội quán này cổ kính và... cũ kỹ hơn hẳn hai hội quán nói trên. Điều này khiến du khách thờ ơ dễ bỏ qua, hoặc ngạc nhiên tự hỏi vì sao lại có câu "Hà Chương Hội quán ai bì/Ôn Lăng thất phủ hạng nhì, hạng ba". Nhưng nếu có thời gian ngắm nghía kỹ sẽ thấy đây quả thật là một tác phẩm nghệ thuật cực kỳ độc đáo.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét