29 thg 4, 2018

Ngôi chùa nhỏ bên sườn núi

Đường Huỳnh văn Nghệ, rẽ vào Võ Trường Toản ở cổng chào Văn miếu Trấn Biên độ 200 met thì bên tay phải ta thấy một lối mòn lên núi. Đầu lối mòn có bảng chỉ đường lên chùa Long Sơn Thạch Động, chùa Linh Sơn. Chùa Long Sơn Thạch Động khá nổi tiếng, được nhiều du khách biết tới (còn bị gọi nhầm tên là chùa Bửu Long, vì ngoài con đường lên chùa theo sườn núi này thì khi vô Khu du lịch Bửu Long còn có thể lên chùa theo sườn núi bên trong khu du lịch!), nhưng chùa Linh Sơn thì hầu như không ai biết.

Cũng xin nói thêm một chút về núi Bửu Long, đúng ra phải gọi là núi Long Ẩn. Gọi là núi theo đúng cách gọi tên của cha ông ta từ thuở xa xưa, và vì đây là nơi cao hơn hẳn so với địa thế chung quanh, chớ thật ra núi này chỉ cao khoảng 60 met, không là gì so với địa thế chập chùng miền Trung, miền Bắc với những dãy núi cao hàng ngàn met.

Ở con đường mòn lên núi mà ta vừa kể ở trên, có một đoạn rất dốc (nhưng ngắn thôi, dưới 100 met), khi vừa dứt đoạn dốc ấy thấp thoáng một ngôi chùa, mang tên Linh Sơn tự. Chùa đơn sơ, nhỏ bé lắm khiến bạn có thể không để ý rằng nơi đây có một ngôi chùa nếu không dừng bước. May thay, có 2 điều khiến bạn dừng bước. Một là nơi đây có khoảng triền núi khá rộng, có thể dừng chân ngắm cảnh hồ nước long lanh phía dưới, xa xa là thành phố Biên Hòa, xung quanh là cây rừng xào xạc. Hai là trước mặt bạn có tượng Phật Bà Quan Âm lộ thiên uy nghiêm và hiền từ, bên cạnh đó là cây bồ đề cổ thụ cao to, phủ bóng mát.

Tượng Phật Quan Âm và cây bồ đề


Cổng chùa quá đơn sơ


Phía dưới kia là hồ nước lung linh

Nếu bạn đến vào mùa mưa, cỏ đuôi chồn khá nhiều, như ngàn lau phơ phất.



Tóm lại là nơi đây dù ngôi chùa nhỏ, không nổi tiếng, nhưng là một chốn đẹp, yên tĩnh để bạn nghỉ ngơi và có những tấm ảnh đẹp.

Dù sao đi nữa, đã tới chùa mà không có vài lời về ngôi chùa thì hơi thất lễ. Xin được tóm tắt vài dòng và vài hình ảnh nhé.

Ban đầu, đây là một ngôi chùa Bắc tông, do ông Huỳnh Dương (nguyên quán Sài Gòn) mua đất trên sườn núi dựng nên năm 1969. Lúc ấy, đây chỉ là ngôi chùa nhỏ sơ sài. Năm 1986, sư cô Thích Nữ Đức Liên (nguyên tu học tại Tịnh xá Ngọc Phương, Gò Vấp) được cử về kế vị trụ trì. Ngôi chùa chuyển thành hệ phái Khất sĩ. Năm 1994, sư cô cải tạo lại mặt tiền chùa, thay mái ngói, lót nền. Cũng năm này, chùa xây dựng tượng Quan Âm Bồ tát tọa thiền bằng xi măng, cao 10 met. Đây là một trong những tượng Phật ngoài trời lớn nhất tại Biên Hòa.



Đã nói tới đây rồi, xin nói thêm một chút. Những hình ảnh tượng Phật Bà Quan Âm ở trên là hình chụp năm 2012. Còn đây là hình chụp năm 2018. Có thể thấy tượng được sơn lại mới (mà hình như tượng trắng như ngày xưa vẫn đẹp hơn màu mè như ngày nay phải không ạ?).


Đây là bảng mới gắn dưới chân tượng, cho thấy tượng mới được làm lại năm 2014. Xin so sánh với ảnh chụp năm 2012 để thấy thực chất tượng chỉ được sơn lại thôi chớ không phải được tạc mới như bảng đề đâu nghen. Hình sau là bảng ghi nhớ năm tạc tượng 1994.



Tui thấy cái bảng mới hơi dư dư và hơi giả giả. Mọi người cứ xem và bình luận. Tui... hết ý kiến!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét