3 thg 4, 2018

Cù lao Phố có chùa Bà Trầu

Ở Cù lao Phố (Biên Hòa) có một ngôi chùa mà người dân nơi đây gọi là chùa Bà Trầu. Đây là một ngôi chùa khá lớn, tọa lạc trên một khu đất rộng 5.000 met vuông nhiều cây cao, bóng mát. Chùa nằm nơi vắng vẻ, ít dân cư, lại sát bờ sông nên phong cảnh gần gũi với thiên nhiên, mang nét thôn dã hiền hòa.


Sao chùa lại mang tên chùa Bà Trầu nhỉ? Tên này chắc chắn là tên dân gian rồi, và tên dân gian thường được đặt theo một đặc điểm dễ nhận ra của chùa. Vậy chùa này do bà bán trầu, hay bà ăn trầu lập ra? Xa hơn nữa, khi khảo sát lịch sử của chùa, tôi thấy vị trụ trì đời thứ hai là HT Thích Giác Thông có mẹ là nhà giáo ở Bà Điểm, xứ trầu. Người ta còn gọi tên chùa là chùa Mẹ Trầu (xem hình), vậy phải chăng tên Bà Trầu/Mẹ Trầu là gọi theo mẹ của sư trụ trì?


À, mấy cái suy luận tài khôn đó trật lất hết. Trước khi giải thích Bà Trầu là gì thì ta hãy tới viếng chùa cái đã.


Tên chính thức của chùa là Tịnh xá Thắng Liên Hoa, tọa lạc tại số 47/1, ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa. Cổng phụ (bên trái trên hình) có ghi tên Chùa Mẹ Trầu.

Như tên gọi Tịnh xá cho thấy, đây là một ngôi chùa theo phái Tịnh độ tông. Chi tiết hơn nữa, chùa tu theo hệ phái Tịnh độ Non bồng. Theo tài liệu Lịch sử Liên tông Tịnh độ Non bồng của hòa thượng Thích Giác Quang thì Tịnh xá Thắng Liên Hoa được tạo dựng từ ngày mùng 8 tháng Tư năm Ất Tỵ (1965) do tôn sư hòa thượng Thích Thiện Phước khai sơn và làm trụ trì. Từ năm 1976, tôn sư hòa thượng Thích Thiện Phước đã bổ nhiệm thượng tọa Thích Giác Thông thay mình làm trụ trì. (Hòa thượng Thích Giác Thông đã viên tịch năm 2015).

Giờ nói qua một chút về Hòa thượng Thích Thiện Phước và hệ phái Tịnh độ Non bồng nghe.

Hòa thượng Thích Thiện Phước thế danh là Lê Minh Ý, tự Lê văn Mười, sinh năm 1924 tại Long An. Cuối năm 1954, Ngài tu tại chùa Bửu Quang, học pháp tu thiền Tịnh độ với Sư ông Thích Bửu Đức. Năm 1956, theo lời thầy, Ngài đi về miền Đông, kinh qua nhiều gian truân thử thách, thường trụ nhiều trú xứ, cuối cùng đăng sơn ở núi Dinh (Bà Rịa). Tại đây, Ngài được Yết Ma Sen giao phó Tổ Đình Linh Sơn làm trụ trì vào năm 1957. Cũng từ đó Hòa thượng Thích Thiện Phước lấy biệt hiệu là Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, sáng lập môn phái Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng. Từ đây Liên tông Tịnh độ Non bồng ngày càng mở rộng. Đức Mẫu Trầu lãnh đạo 145 ngôi tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, đạo tràng thuộc môn phái trên cả nước, giáo hoá hàng ngàn tăng ni, hàng chục vạn tín đồ Phật tử quy y tu theo pháp môn.

Do chiến tranh, tháng 7/1965 các cơ sở chính của Tổ Đình ở Núi Dinh đều bị tiêu hủy. Hòa thượng Thích Thiện Phước dắt dìu trên 500 tăng ni di tản, tạm trú nhiều nơi. Sau đó về tại ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), được hai gia đình Phật tử Nguyễn văn Hơn, Nguyễn văn Đâu cúng dường nhà và đất để xây nên Tịnh xá Thắng Liên Hoa. Hòa thượng Thích Thiện Phước, Đức Mẫu Trầu Bồng Lai, người sáng lập môn phái Tịnh Độ Non Bồng là khai sơn và cũng là vị trụ trì đầu tiên của ngôi tịnh xá này. Cũng chính vì thế, người dân còn gọi là chùa Mẫu Trầu, hay chùa Mẹ Trầu, rồi lần lần thành... chùa Bà Trầu.

Nói dài dòng về lịch sử ngôi tịnh xá chắc mọi người đọc hơi mệt rồi, giờ ngắm cảnh chùa một chút nghe.

Ngôi chùa nằm giữa những cây xanh

Điện thờ Đức Đại Bi Thiên thủ Thiên nhãn

Quan Âm Bồ tát

Tượng Phật nằm

Thích Ca thành đạo



Đã kể phải kể cho trọn, nên xin kể thêm chi tiết này, dù rằng nó không liên quan nhiều đến Phật pháp, lại có thể gây không vui cho nhiều người.

Ông Lê Minh Ý - tức hòa thượng Thích Thiện Phước - tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945 đến 1954 với bí danh là Hùng Sơn, giữ chức vụ quản lý văn thư phòng Tham mưu ban Quân báo Nam bộ (Mật khu Sài Gòn - Chợ Lớn). Ông là đảng viên Đảng Công sản Việt Nam, được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Nếu lòng bạn có bị xao động vì thông tin này thì xin hãy lắng lòng lại, nhìn ra bên ngoài chùa, nơi ấy là dòng sông Đồng Nai, vẫn lặng lờ trôi, ôm ấp cù lao Phố...


Phạm Hoài Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét