24 thg 4, 2018

Chợ Xã Tây

Thiệt ra tui đâu có quan tâm tới việc đi chợ Xã Tây, vì... có biết đi chợ đâu, hơn nữa chợ này ở Sài Gòn - Chợ Lớn lận, đâu phải ở Biên Hòa. Điều làm tui tò mò là cái tên chợ: Xã Tây.



Nhiều người đều biết rằng Dinh Xã Tây ngày xưa là tòa nhà UBND TPHCM bây giờ, trong cụm từ đó nghĩa là thị xã, còn Tây ý chỉ người Pháp. Dinh Xã Tây dinh thự thị xã của người Pháp. Và ai cũng biết là Dinh Xã Tây (thời Pháp) hay Tòa Đô chánh (thời VNCH) hay UBND TPHCM (thời nay) nằm ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Nhưng cái chợ Xã Tây thì nằm tuốt ở quận 5, Chợ Lớn lận. Chợ Xã Tây phải nằm gần dinh Xã Tây chớ, lẽ nào xa như vậy?

"Nhờ" tò mò vậy mà tui phát hiện ra rằng cái Xã Tây này đích thị cũng là tòa nhà thị xã của Tây, nhưng không phải ở Sài Gòn mà là ở Chợ Lớn! Chợ Xã Tây được xây dựng vào năm 1925, cạnh tòa Đô chánh thành phố Chợ Lớn – người dân cũng gọi là Xã Tây. Vì ngôi chợ gần nơi đây nên gọi là chợ Xã Tây. Hiện giờ tòa đô chánh Chợ Lớn không còn vết tích gì nữa, chỉ còn tên gọi Xã Tây của ngôi chợ gần đó, giúp người ta xác định một cách khái quát vị trí của toà nhà này ngày xưa.



Và cũng từ chỗ tò mò về chợ Xã Tây, tui phát hiện thêm một điều thú vị nữa. Đây từng là bối cảnh cho bộ phim nổi tiếng Người tình. Năm 1990, đoàn làm phim Người tình (L’Amant) của Pháp đến Việt Nam quay ngoại cảnh. Phim mô tả mối tình lãng mạn giữa cô gái Pháp và chàng trai Hoa kiều Huỳnh Thủy Lê, con nhà đại điền chủ ở Sa Đéc. Đạo diễn Annaud đã chọn chợ Xã Tây là khung cảnh nơi 2 người quấn quít cùng nhau khi ở Chợ Lớn. Ông chỉ cần đền bù xứng đáng rồi cho "bãi thị" một buổi là dễ dàng hồi phục cuộc sống sôi động của người Hoa đầu thế kỷ trước, vì những ngôi nhà lợp ngói âm dương rêu phong bấy giờ còn nguyên.



Bây giờ, chợ Xã Tây nằm trong một con hẻm chỉ dài độ 200 – 300 met trên đường Phù Đổng Thiên Vương, quận 5. Ở đây buôn bán rau củ quả, thịt tươi sống, hải sản, ẩm thực… Không được sạch sẽ cho lắm. (Đó là tui nói theo nhận xét của một người không quen đi chợ, còn tui đọc trên mạng thì thấy nhiều bài khen trong chợ này có chỗ bán... chè ngon lắm!).



Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: