19 thg 12, 2018

Lúa khoai ta gắng trồng, sườn non đến bờ sông

Buổi sáng đi tập thể dục ở công viên chắc không ít lần bạn nghe và thấy mọi người tập theo điệu nhạc hết sức quen thuộc sau đây:

Lúa khoai ta gắng trồng, sườn non cho đến bờ sông
Áo ta chưa ấm lòng thay mía ta trồng bông
...
Anh em ơi! Chúng ta góp muôn bàn tay
Gắng sức làm, sướng vui rồi đây có ngày.




Đối với tui, bài hát này quen thuộc vô cùng vì đã từng nghe và hát cũng cỡ... hơn năm chục năm. Có điều mặc dù quen như vậy nhưng tui chưa hề biết về xuất xứ của nó. Bữa nay tui thử tìm hiểu và phát hiện nhiều điều bất ngờ.

1.
Bài hát nêu trên có tựa là Bài ca tự túc. Vì tui nghe bài hát này từ thuở còn nhỏ ở miền Nam nên tui tin chắc rằng đây là bài hát có từ thời Việt Nam Cộng Hòa, nội dung bài hát nghe có vẻ như vào thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngạc nhiên thay, khi search trên Google tui thấy Bài ca tự túc nhạc cách mạng, Bài ca đi cùng năm tháng. Hóa ra Bài ca tự túc được sáng tác năm 1950, và đã đạt giải nhất trong cuộc thi Giải Văn nghệ Cửu Long II, năm 1952 do Chi hội Văn nghệ Nam Bộ tổ chức. Trong cuộc thi lần này các bài hát Niềm thương mến của Phan Vân, Lá xanh của Hoàng Việt... cùng đoạt giải.

2.
Tui tiếp tục tìm hiểu về tác giả bài hát. Ông là nhạc sĩ Dương Minh Ninh. Bạn có thấy cái tên này quen quen không? Quen là phải rồi, vì Dương Minh Ninh là... huấn luyện viên đội bóng đá Hoàng Anh - Gia Lai! Khi search trên Google tên Dương Minh Ninh thì gần như tất cả kết quả đều là vị huấn luyện viên này. Vậy HLV Dương Minh Ninh có sáng tác bài Bài ca tự túc không? Chắc là không! Vì HLV Dương Minh Ninh thuộc lứa 197x, làm sao sáng tác Bài ca tự túc năm 1950 được!

Và đây là sơ nét về nhạc sĩ Dương Minh Ninh:

Chân dung nhạc sĩ Dương Minh Ninh - 1960. Ảnh của gia đình nhạc sĩ.

Ông sinh năm 1922 tại Hội An – Quảng Nam. Thời trẻ, Dương Minh Ninh hoạt động chung trong nhóm của nhạc sĩ La Hối, thuộc thế hệ nhạc sĩ Quảng Nam hậu chiến, đồng thời với các nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Hoà... Năm 1939, khi nhạc sĩ La Hối và các bạn thành lập Hội yêu Nhạc (Société Philharmonique) có hướng dẫn âm nhạc cho một số nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ như Lê Trọng Nguyễn (tác giả Nắng chiều), Lan Đài (tác giả Chiều tưởng nhớ)... Dương Minh Ninh đã tham gia và được nhạc sĩ La Hối đánh giá cao khả năng sáng tác.

Từ năm 1946 đến 1954 Dương Minh Ninh cùng với Lê Trọng Nguyễn là những tên tuổi lớn về âm nhạc trong vùng Liên khu 5, Nam Ngãi Bình Phú. Bản nhạc “Trai Đất Việt” và “Đường Chiều” là hai ca khúc của Dương Minh Ninh rất phổ biến tại Liên khu 5.

Năm 1945 nhạc sĩ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác tại Ban Văn nghệ Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu V. Sau Hiệp định Geneve 1954, nhạc sĩ về Huế sống, từ năm 1956-59 dạy học ở Trường Bồ Đề. Từ 1959, nhạc sĩ học nhạc hàm thụ Trường Universelle Paris về sáng tác và phối khí. Năm 1960 về Quy Nhơn dạy ở Trường Sư phạm và Trường Cường Để đến tháng 4 -1975.

(Trích từ bài viết của Lê Sa Long trên trang Facebook Họp mặt khóa 77 Cường Để Quang Trung Quy Nhơn)

Lý do dễ hiểu giải thích cho việc Bài ca tự túc được phổ biến rộng trong Nam là vì ca khúc hay, nội dung tốt và tác giả sống trong Nam từ sau 1954 tới giờ!

3.
Tui tiếp tục tìm hiểu về tiểu sử nhạc sĩ Dương Minh Ninh, và lại thêm những bất ngờ.

Như nêu trên, nhạc sĩ Dương Minh Ninh sinh năm 1922, nghĩa là nếu còn sống thì ông sắp bước qua tuổi 97 vào năm 2019. Và điều bất ngờ là đây: Nhạc sĩ Dương Minh Ninh vẫn còn sống!

Vậy ông đang sống ở đâu? Lại thêm một điều bất ngờ nữa: Nhạc sĩ Dương Minh Ninh đang sống tại Biên Hòa, cùng nơi tui đang sống!

Sau đây là những thông tin về ông sau 1975:

Nhạc sĩ Dương Minh Ninh (trái) cùng nhạc sĩ Trần Viết Bính, đầu năm 2018. Ảnh: Báo Lao Động Đồng Nai.

Từ năm 1976, nhạc sĩ Dương Minh Ninh cùng gia đình vào định cư ở huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ông vừa lao động sản xuất vừa sáng tác và mở lớp dạy đàn, dạy lý thuyết âm nhạc tại nhà, phục vụ nhu cầu văn nghệ quần chúng trong các tầng lớp nhân dân. Người nhạc sĩ quê xứ Quảng từ lòng dân ra đi, sáng tác và biểu diễn trong khói lửa chiến tranh cách mạng giờ đã bước qua tuổi cửu tuần. Mắt đã mờ, chân đã mỏi nhưng những “đứa con” tinh thần của ông vẫn sống mãi với công chúng yêu nhạc, với quê hương đất nước.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính cho biết, một lần tình cờ nói chuyện với già làng người Mạ ở ấp Bon Gõ (huyện Tân Phú) ông mới biết, ở Đồng Nai có một người nhạc sĩ thuộc hàng tiền bối, sống mấy chục năm mà anh em văn nghệ sĩ không hề hay biết. “Đầu tháng 3-2017, tôi cùng Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp đến thăm người nhạc sĩ già (có lẽ già nhất trong hàng ngũ nhạc sĩ Việt Nam hiện nay). Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Dương Minh Ninh sống trong căn nhà nhỏ của người con rể ở thị trấn Tân Phú. Gia cảnh hết sức khó khăn. Tất cả nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào tiền công may vá của cô con gái và khoản phụ cấp xã hội của hai ông bà già…”, nhạc sĩ Trần Viết Bính kể.

Nhạc sĩ Dương Minh Ninh có đông con (12 người) nhưng đã có gia đình riêng, không ai khá giả và đều ở xa nên cũng không giúp đỡ được gì cho cha mẹ. Vợ nhạc sĩ bị tai biến, nằm một chỗ đã hơn 10 năm. Vì kinh tế khó khăn, ngôi nhà của người con rể phải đề giấy bán. Tuy nhiên, mới đây, người con trai thứ của ông xây được ngôi nhà cấp bốn ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa) nên đã đón vợ chồng nhạc sĩ Dương Minh Ninh lên phố để tiện bề chăm sóc, phụng dưỡng.


(Trích từ bài viết của My Ny trên báo Lao Động Đồng Nai)

4.
Nhiều người cho rằng sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Dương Minh Ninh chỉ cần một Bài ca tự túc cũng đủ để ấn tượng trong lòng nhân dân, bài hát xứng đáng được xếp vào "Những bài ca đi cùng năm tháng". Thế nhưng bên cạnh đó ông còn rất nhiều bài ca chiến đấu (Trai đất Việt, Lửa chiến đấu, Đường chiều...), tình tự quê hương (Trăng trên sông Hoài, Chiều phố buồn...), nhạc thiếu nhi (Chim sơn ca, Trường làng tôi...) được yêu thích từ mấy mươi năm qua.

Mùa Xuân lại đến, kính chúc Ông mãi lạc quan yêu đời, nghe ca khúc của mình còn mãi vang trên mọi nẻo đường đất nước.

BÀI CA TỰ TÚC (1950)
Tác giả: Dương Minh Ninh

1

Lúa khoai ta gắng trồng sườn non đến bờ sông
Áo ta chưa ấm lòng thay mía ta trồng bông
Nhiều phân cho tốt màu, cuốc sâu cho nặng cành
Ngày đêm quên nắng mưa, thâm canh rồi quảng canh.
(Điệp khúc - 2 lần)
Anh em ơi, chúng ta góp muôn bàn tay
Gắng sức làm, sướng vui rồi đây có ngày.

2
Nón ta ta biết chằm guồng tơ có nhà bên
Áo thưa như áo dày ta hái bông làm nên
Dừa trong hay đỗ ngoài thắp lên ta làm dầu
Đừng mong ai giúp cho khi sông dài núi cao (ĐK).

3
Gái trai đua đến trường làm sao giấy đừng khan
Giấy ta ta chế bằng tre dó nơi rừng hoang
Rồi ta lo đúc rèn súng gươm cho thật nhiều
Vừa lo cho ấm no lo giữ gìn nước yên (ĐK).

4
Lúc dư ta biết dành phòng khi thiếu về sau
Bố gai nhưng chắc bền, the gấm ta cần đâu
Giàu sang ta chẳng tìm thứ xa hoa lượt là
Dù cho thô xấu hơn ta dùng hàng của ta (ĐK)

5
Núi sông đang ngóng chờ kìa ai chớ ngồi yên
Quyết thi đua cấy cày sản xuất cho nhiều lên
Toàn dân ta góp tình góp công xây dựng đời
Ngày mai trên nước Nam một bầu trời sáng tươi (ĐK)

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: