13 thg 12, 2018

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Thiền phái Trúc Lâm là một thiền phái Việt do Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi lập từ thế kỷ 13. Sau nhiều năm tháng, thiền phái này bị quên lãng. Từ năm 1968, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã gầy dựng lại Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó Ngài đã cho xây dựng nhiều thiền viện Trúc Lâm trên khắp cả nước (và cả ở nước ngoài), trong đó được biết đến nhiều nhất là Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (tức Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, 1993), Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh, 2002), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc, 2005)... Thế nhưng mãi đến năm 2012 vẫn chưa hề có ngôi thiền viện Trúc Lâm nào ở miền Tây Nam bộ (trong khi sinh quán của ngài Thích Thanh Từ là ở Vĩnh Long, thuộc miền Tây Nam bộ).

Để thỏa ước mong của Phật tử nơi đây về một nơi tu tập, ngôi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được khởi công năm 2012 tại Tiền Giang, và khánh thành ngày 22/11/2015. Gần như đồng thời, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được khởi công tại Cần Thơ ngày 16/7/2013, khánh thành ngày 17/5/2014. Kế đến là Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh, khởi công năm 2014, khánh thành ngày 31/1/2016.


Ngôi chánh điện
.
Du khách đến viếng chùa có thể đọc thấy ngay các thông tin về chùa như sau:


Theo đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam tọa lạc tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, khởi công xây dựng vào ngày 16/7/2013, khánh thành ngày 17/5/2014. Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có tổng diện tích xây dựng 38.016 m2, gồm 25 hạng mục công trình.

Với diện tích gần 4 ha, đây là ngôi chùa có diện tích lớn nhất Cần Thơ và nhiều trang web đã mạnh dạn khẳng định đây là ngôi thiền viện lớn nhất miền Tây Nam bộ. Thật ra, hơn 38.000 m2 đúng là rộng thiệt, đi mỏi chưn luôn, nhưng so với 2 ngôi thiền viện Trúc Lâm ở miền Tây mới được xây dựng kể ở trên thì Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có diện tích... nhỏ nhất! Thiền viện Trúc Lâm Trà Vinh có diện tích 6,97 ha (69.700 m2) còn Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác có diện tích trên 30 ha (300.000 m2).

Lối kiến trúc của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam theo trường phái kiến trúc chung của các ngôi thiền viện Trúc Lâm Việt Nam: cao, rộng, thoáng, mô phỏng theo kiến trúc mỹ thuật Phật giáo thời Lý, Trần.

Cổng thiền viện

Lầu chuông

Gác trống

Giống như các ngôi thiền viện Trúc Lâm khác, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam không dùng bất cứ chữ Hán nào, tất cả các bảng tên, hoành phi, câu đối đều dùng chữ Việt. Bên trong chánh điện - được gọi là Đại Hùng Bửu Điện - ngoài các tượng thờ Phật như các chùa khác, còn có tượng thờ Trúc Lâm tam tổ (Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa, Tam tổ Huyền Quang) và tượng thờ các bậc anh hùng đất Việt như Hưng Đạo Đại vương, Thái sư Trần Thủ Độ...

Đại Hùng Bửu Điện

Khuôn viên Thiền viện rộng nên được bố trí nhiều tượng, cụm tượng đẹp mắt, hài hòa. Có cây xanh, có hồ nước mát, có sự yên tĩnh tạo cảm giác dễ chịu cho du khách.



Ngôi Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (và Trúc Lâm Trà Vinh) được hình thành đầu tiên do Đại tướng Phạm Văn Trà đã phát tâm vận động xây dựng các ngôi đại tự tiêu biểu cho Phật giáo miền Tây Nam bộ. Công trình ước tính tổng kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa.



Hiện nay, có khá nhiều ngôi chùa nguy nga, đồ sộ được xây dựng mới trên đất nước ta. Không ít ngôi trong số đó có dư luận không tốt, như lập chùa để... kinh doanh, để... rửa tiền hay những lý do không chính đáng khác. Cũng có một số dư luận kiểu như thế dị nghị về mục đích của ngôi Thiền viện này, nhất là khi đọc tên của Ban Vận động và mạnh thường quân như bảng trên, lại thêm các thông tin sau: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cung tiến tượng Phật Thích Ca chất liệu ngọc bích, Myanmar (do nghệ nhân Quốc gia Đào Trọng Cường, Chủ Công ty Thần Châu Ngọc Việt chế tác), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cung tiến tượng Bồ tát Quán Thế Âm chất liệu ngọc bích Myanmar...


Tui không biết và cũng không tìm hiểu xem những điều dị nghị ấy đúng sai thế nào, chỉ biết cảm nhận khi đến chốn này là tốt. Một nơi thanh tịnh, yên bình, cảnh vật hài hòa, kiến trúc đẹp và không phô trương. Phật tử có nơi tu tập, bày tỏ lòng thành kính. Nơi này không xa chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh. Du khách có thêm điểm tham quan hợp lý. Vậy tốt quá rồi!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét