29 thg 4, 2019

Cho tôi xin em như gối mộng

Mộng, có nhiều mộng

Trong tiếng Việt, mộng có nhiều nghĩa. Cái nghĩa thường dùng và cũng nên thơ nhất là chữ mộng trong mộng mơ, nó được vận dụng vô trong quá trời thơ, văn, nhạc... 

Ít thơ mộng hơn, mộng là cái mầm mới nhú từ hột, như trong mọc mộng (tương tự nẩy mầm)


Khô khốc theo nghĩa kỹ thuật, mộng là một bộ phận lồi để gắn chặt vào bộ phận lõm, kiểu như mấy ông thợ mộc làm mộng gỗ.

Đáng sợ là mộng trong đau mắt nổi mộng.

Nghĩa cuối cùng thì mâu thuẫn hoàn toàn với nghĩa nên thơ ở trên kia, mộng nghĩa là to béo. Thử so sánh Người tình trong mộng với Người tình bò mộng coi! 

Và có cái mộng dừa


Mộng dừa bên trong trái dừa khô

Bài viết này tui chọn cái mộng trung bình, không quá thơ mộng cũng không khô khốc hay đáng sợ. Đó là cái nghĩa thứ hai, cái mầm mới nhú. Cụ thể hơn nữa, nó là cái mầm mới nhú của cây dừa, là mộng dừa.

Trái dừa già rồi sẽ nầy mầm (để thành cây dừa con), một phần mọc ra bên ngoài, một phần phát triển bên trong trái dừa, gọi là mộng dừa. Mộng dừa màu trắng, có hình dáng tương tự trái dừa và nó lớn dần lên bên trong trái dừa.


Trái dừa khô nẩy mầm, phía bên trong là mộng dừa

Các bạn ở xứ dừa hoặc nhà có trồng dừa thì dễ gặp mộng dừa hơn, còn đi mua dừa thì ít gặp. Lý do là người ta hái dừa đem bán thì không để nó già quá, và như vậy là chưa có mộng. Dừa càng già thì mộng dừa càng to lên, nước dừa càng ít đi, cơm dừa càng cứng mà cái mộng dừa ăn càng dở.

Hồi xưa, thỉnh thoảng ở nhà mua dừa về nhằm trái dừa già có mộng thì tụi con nít thích lắm, dành nhau ăn. Và thực sự là tui chỉ biết ăn mộng dừa theo kiểu như vậy thôi, không chế biến gì hết. Mộng dừa ăn ngọt nhẹ và thanh, hơi thơm mùi dừa, lớp ngoài cùng hơi giòn còn bên trong lại xốp. Và như trên đã nói, mộng dừa càng to thì ăn càng dở thành ra mâu thuẫn. Khi có nhiều để chia nhau ăn (mộng dừa to) thì miếng ăn càng dở.


Mộng dừa to cỡ này là ok nè!

Tui đọc thấy là ở Bến Tre, đây là một món ăn bình dân của trẻ nhỏ. Người ta ăn bằng cách bỏ vô chén, trộn thêm ít đường, ít đậu phộng đâm nhuyễn. Chớ còn ở chỗ tui, lâu lâu mới có cái mộng dừa bằng nửa nắm tay, tọng vô miệng một phát là hết, lấy đâu mà thêm đường, đậu phộng!...

Mộng dừa 300.000 đ/kg

Xưa giờ hình như không ai bán mộng dừa, nó chỉ để ăn chơi hoặc... bỏ. Nhưng mới năm ngoái năm kia đây thôi bỗng dưng có phong trào mua mộng dừa về ăn. Điều lý thú là người mua chủ yếu ở Hà Nội còn người bán chủ yếu ở Bến Tre. Mộng dừa làm sao có nhiều như... dừa được, lại còn cước phí vận chuyển bằng máy bay từ miền Tây Nam bộ ra Bắc, cho nên thứ không ai bán giờ này được bán với giá cao ngút trời xanh. Năm ngoái lúc cao điểm giá mộng dừa lên tới gần 300.000 đ/kg. Tui mới coi giá dừa khô trái (dừa công nghiệp) tháng 4/2019 thì thấy giá là 60.000 đ/chục 12 trái, vậy là giá một kg mộng dừa gần bằng giá 60 trái dừa khô! Ngoài chuyện ăn ngon, nghe người ta nói là ăn mộng dừa để giải nhiệt. Ừa, thì chắc vậy, vì nước dừa là giải nhiệt mà.

Tại thời điểm này, tui tìm thử trên mạng coi có ai bán mộng dừa không thì thấy có kết quả này:


Theo đây, thi giá mộng dừa chỉ còn 120.000 đ/kg thôi. Kể cũng là chuyện thú vị đối với một thứ mà trước giờ chẳng ai bán, giờ được bán online luôn!

Mộng dừa trong thơ ca

Mộng trong thơ ca thì nhiều, còn mộng dừa thì không thấy. Họa chăng là ta chế lại 2 câu trong bài Niệm khúc cuối

Cho tôi xin em như gối mộng
Cho tôi ôm em vào lòng

thành

Cho tôi xin em như cái mộng
Cho tôi đưa em vào họng

Ngoài ra, tui có biết một câu, có vẻ giống như câu vè, thường được người lớn hát khi dứ dứ cái roi sắp đánh đòn đứa con nít hư:

Roi này là roi chừa chừa
Đừng ăn mộng dừa mà ỉa cứt su

Hồi nhỏ tui nghe hoài, mà cho tới giờ này cũng chẳng hiểu tại sao ăn mộng dừa lại ỉa cứt su! Hay chỉ là câu hát cho có vần có điệu mà thôi? Ai có biết câu này và hiểu ý nghĩa xin giải thích dùm.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét