Giờ nhớ lại, nếu bây giờ giới trẻ nghiện chơi game như thế nào thì thời đó mấy bà ghiền tứ sắc cũng cỡ đó. Tui thời đó không nằm trong tập hợp những người mê bài tứ sắc (không phải phụ nữ, và cũng chưa lớn tuổi) nên không rành đánh bài tứ sắc cũng như không hiểu nổi cái sự ghiền đó, nhưng mà có những từ chuyên dùng trong đánh bài mà các bà hồi đó thường xài, trở thành từ phổ thông luôn mà không cần biết đánh bài vẫn hiểu.
Khi một bà đi le te qua nhà hàng xóm (đi xóm) và người khác xì xầm: Bả đi đậu chến đó! thì có nghĩa là Bả đi đánh bài đó! Còn khi thấy bà ấy tiu nghỉu đi về và người khác nói: Bả đứt chến rồi! thì có nghĩa là Bả thua hết tiền rồi!
Từ đậu chến còn được dùng với nghĩa rộng hơn - không bó gọn trong phạm vi đánh bài - có nghĩa là hùn hạp để làm một chuyện gì đó. Và tương ứng, đứt chến có nghĩa là công chuyện làm ăn đó thất bại, thua lỗ rồi!
Ngoài xe pháo mã, tướng sĩ tượng, chốt là tên những quân bài giống như trong cờ tướng, còn có những từ khạp, quằn mà tui nghe thôi chớ hổng hiểu là gì. Nhưng mà biết có một câu thành ngữ như vầy: Một quằn ba khạp, nghĩa là một vợ lớn ba vợ bé, còn tại sao như vậy thì... không biết!
Tui tò mò muốn biết chữ chến là do chữ gì mà ra, thì được biết nó là chữ sản (產) trong tiếng Hán Việt, nghĩa là của cải (như trong tài sản, hoặc... cộng sản).
Tới đây tui lại tò mò tiếp, nếu phát âm sản thành chến như vậy, thì cộng sản đọc thành gì ta? Cỏng chến hả? Ai biết nói dùm đi!
Phạm Hoài Nhân
“ chến “ là tiếng Quảng Đông khi đọc chữ “ 將-Tướng “ !
Trả lờiXóaTự điển của người Quảng Đông có cách phiên âm riêng ! Mà phát âm là “ 將-chéng “ ( khó phiên âm cho chính xác bên tiếng Việt ! )
- Tác giả của bài viết không hiểu ! Rồi lại đi hỏi ai đó ! Mà lại đụng thứ không biết mà nói bậy ! Làm hại tác giả hiểu sai ! Rồi lại siêng viết cái kiểu nầy thì truyền bá cái sai !
* Khi Đánh cờ Tướng ! Tiếng Việt nói “ Chiếu Tướng “ ! Thì người Quảng Đông nói “ chéng “ hoặc “ 將軍-chéng kuánh “ ( Tướng quân) ! Bài Tứ Sắc cũng như cờ Tướng ! Cũng có những quân cờ y như cờ Tướng !