7 thg 7, 2019

Có một ngôi đình và có những cái cây

Ngôi đình tọa lạc tại ấp Gò Táo, xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Tên đình gọi theo tên xã là đình Tân Đông, nhưng người dân cũng gọi theo tên ấp là đình Gò Táo. Nằm ở nơi thôn xóm khá vắng vẻ, lại không phải là ngôi đình có giá trị kiến trúc hay giá trị lịch sử lớn nên dù ngôi đình tồn tại đã lâu mà ngoài dân địa phương hầu như không ai biết đến.

Sau năm 1975, ngôi đình đã hoang vắng lại càng trở nên hoang phế, kết cấu hư hỏng dần. Thế rồi cách đây khoảng 30 - 40 năm, xuất hiện ba cây bồ đề mọc vươn cao lên trên đỉnh của ngôi đình, rễ cây vươn ra bám vào tường, một số rễ chạy dài theo các rãnh khe nứt của đình trở thành cột, kèo chạy dọc, chạy ngang để giữ ngôi đình vững chắc. Vào năm 1990 một cây bồ đề đã bị một số người gỡ về làm cảnh, người dân kịp ra can ngăn nên giữ được hai cây còn lại. Nhờ có hai cây bồ đề tỏa tán lá rộng mà che mưa, che nắng cho mái ngói khỏi mục nát và xuống cấp theo thời gian.




Ông Phan văn Đời (năm nay 82 tuổi) là người tự nguyện chăm sóc cho ngôi đình không bị bỏ hoang từ vài chục năm nay. Theo lời kể của ông, đình Tân Đông được phong sắc thần, thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 – 1832), tuy nhiên tờ sắc phong này đã bị mất vào khoảng cuối thập niên 1980. Ông Đời kể thêm:

“Thời kháng chiến chống Pháp, đình Tân Đông là nơi hội họp bàn bạc kế sách đánh giặc của các chiến sĩ cách mạng. Đến thời kỳ chống Mỹ đình Tân Đông bị biến thành nơi giam giữ, trấn áp các gia đình có con em tham gia cách mạng".

Hai năm đầu hòa bình lập lại, người dân làng Gò Táo chẳng ai nghĩ đến chuyện cúng bái nên ngôi đình bị bỏ hoang. Đến năm 1978, ông Đời bàn với vợ giết thịt hai con gà đem ra hương khói lại. Sau đó mấy năm người dân mới định kỳ đến cúng bái vào các dịp lễ.






Ở mặt trước đình có ghi niên biểu là 1907, có lẽ đây là năm trùng tu. Theo các bậc cao niên, ngôi đình có từ thời Minh Mạng. Tuy nhiên, nếu lời ông Đời là đúng (ngôi đình thờ tả quân Lê văn Duyệt) thì không thể có từ thời Minh Mạng được mà phải là những năm đầu thời Tự Đức (1848 trở về sau) thì đúng hơn.



Khoảng chục năm trở lại đây, cảnh quan hai cây bồ đề phủ rễ lên thân đình thu hút sự chú ý của du khách, các đoàn làm phim... và người ta tìm đến để chụp những bức ảnh độc đáo nơi này. Ngôi đình cũng được UBND tỉnh Tiền Giang trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào ngày 9/12/2010.

Khung cảnh nơi đình Gò Táo vừa mang vẻ hoang tàn của một phế tích, vừa kỳ ảo với những rễ cây chằng chịt quấn quít thân đình, lại đậm chất hoang sơ của một miền thôn dã, rất đáng để lưu giữ những bức ảnh ấn tượng.


Nếu không có hai cây bồ đề có lẽ ngôi đình đã... sập từ lâu rồi, và có lẽ cũng chẳng mấy ai biết tới một ngôi đình đơn sơ ở nơi hẻo lánh như vậy. Bên trong ngôi đình rất hoang tàn và vẫn... ngày càng xuống cấp.






Ngoài lề một chút, tui xin có vài ý kiến mạn đàm:

Cây bồ đề hay cây đa?

Nhìn kiểu cách của rễ cây cổ thụ chằng chịt quấn lấy các kết cấu của ngôi đình, người ta dễ hình dung đến một loại cây có đặc tính như thế này: đó là cây đa, hay còn gọi là cây đa bóp cổ. Có tên gọi như vậy là vì đa có phương thức sinh trưởng không bình thường. Chúng là loài cây lớn mà thông thường bắt đầu sự sống như là loại cây biểu sinh trồng từ hạt trên các loại cây khác (hoặc trên các công trình kiến trúc như nhà cửa, cầu cống) do các loài chim ăn quả phân tán hạt. Cây trồng từ hạt nhanh chóng phát triển các rễ khí từ các cành cây, và các rễ khí này sẽ phát triển thành thân cây thực thụ khi chúng chạm tới mặt đất. Cây chủ cuối cùng sẽ bị bóp nghẹt (bị bóp cổ) hay bị phân chia ra bởi sự phát triển nhanh của cây đa.

Người ta thường thấy cây bồ đề trồng ở chùa, cây to và không có rễ như đa, do đó sẽ thấy lạ khi thấy cây như ở đình Gò Táo mà lại gọi là cây bồ đề. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ hơn ta sẽ thấy cây đa và cây bồ đề cùng họ, cùng chi. Cả hai cùng họ dâu tằm (moraceae), chi Ficus, cây đa có danh pháp khoa học là Ficus Bengalensis, cây bồ đề có danh pháp khoa học là Ficus religoisa. Một số cây khác cùng chi Ficus như si (Ficus stricta), sanh (Ficus benjamina), gừa (Ficus microcarpa)... cũng đều có tính năng bóp cổ như vậy cả, có chăng là khi sinh trưởng chúng không có điều kiện... bóp cổ thôi.

Người địa phương đã xác định đó là cây bồ đề thì chắc là cây bồ đề (cây đề) thật. Mà dù có là cây đa đi nữa cũng không sao, vì cả hai là bà con thân thuộc, như ông bà ta từng có thành ngữ chỉ các bậc tiền bối là cây đa cây đề vậy mà!

Cây độc nhất vô nhị?

Hiện tượng cây bồ đề ôm lấy ngôi đình quả là độc đáo, thế nhưng một số bài viết nói rằng đây là hiện tượng độc nhất vô nhị thì có lẽ hơi quá đà.

Với đặc tính bóp cổ của các loài cây thuộc chi Ficus (đa, bồ đề, si, gừa...) thì ta thấy rằng hiện tượng rể cây bao bọc các công trình kiến trúc không phải là hiếm.

Ở mức độ độc nhất vô nhị có lẽ chỉ nên kể đến những rễ cây khổng lồ ở đền Ta Prohm (Campuchia).

Rễ cây khổng lổ ở đền Ta Prohm

Còn rể cây ôm ấp các công trình kiến trúc thì có thể gặp nhiều nơi lắm, ngay ở Việt Nam chớ chẳng đâu xa. Thí dụ ở cổng đình Tân An, Bình Dương.

Rễ cây ở cổng đình Tân An, Bình Dương

Còn nếu là rễ cây ôm khối đá thì chỉ cần lên núi ở Bửu Long, Biên Hòa là có ngay

Bửu Long, Biên Hòa

Phạm Hoài Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét