8 thg 7, 2019

Dấu tích người xưa (tìm về Ao Dinh và Đám lá tối trời)

Cuộc đời chiến đấu của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định gắn liền với đất Gò Công. Vì vậy, người dân nơi đây kính yêu và tôn thờ ông hơn nơi nào hết. Đặc biệt, tại huyện Gò Công Đông có một Di tích Lịch sử cấp Quốc gia là chuỗi địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, bao gồm: Đám lá tối trời (bản doanh của nghĩa quân), Di tích Ao Dinh (nơi ông hy sinh), Đền thờ Trương Định (nơi người dân thờ ông).

Đám lá tối trời nguyên là rừng dừa nước mênh mông rậm rạp thuộc làng Gia Thuận, Gò Công (nay là xã Gia Thuận, Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), bước vào rừng dừa này sẽ không thấy ánh mặt trời vì lá dừa nước che khuất. Nghĩa quân Trương Định đã chọn vị trí hiểm yếu này làm căn cứ địa của mình. Cuộc kháng chiến thất bại, nhưng nơi này được ghi nhận là Di tích Lịch sử, ghi dấu trang sử chiến đấu hào hùng của dân tộc. Tiếc thay, mặc dù là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, nhưng theo nhu cầu phát triển kinh tế, rừng dừa nước đã bị san phẳng, nơi này biến thành Khu công nghiệp Gia Thuận. Đành thôi, biết làm sao được!


Ao Dinh Đền thờ Trương Định thì vẫn còn. 

Di tích Ao Dinh không xa đền thờ Trương Định, nằm ở một vùng quê hẻo lánh, đường hẹp nhưng xe hơi có thể tới được. Đây không phải là danh lam thắng cảnh, chỉ là một cái ao nhỏ ở miền quê nhưng là nơi ghi dấu sự kiện bi tráng: nơi người anh hùng dân tộc Trương Định đã hy sinh.


Người ta không làm gì hoành tráng (như nhiều nơi dựng các tượng đài, các công trình nhiều tỷ đồng) mà chỉ giữ lại những gì vốn có, tôn tạo để khỏi hư hỏng theo thời gian, và dựng một tấm bia đơn sơ nhưng trang trọng để tưởng nhớ. Trên bia ghi lại sự kiện lịch sử:

Nơi đây, rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864, tên Huỳnh văn Tấn (Đội Tấn) từng hoạt động cùng Trương Định đã phản bội, dẫn giặc Pháp về bao vây hòng bắt sống Trương Định và nghĩa quân thân cận của ông. Trương Định bị thương nặng trong cuộc tử chiến với giặc. Để không cho giặc bắt sống, ông đã dùng gươm tuẫn tiết, thể hiện khí phách của người anh hùng.


Về cái chết của Trương Định, nhiều tài liệu Pháp ghi rằng, ông chết vì một phát đạn trúng vào lưng. Sử liệu Việt Nam chỉ ghi vỏn vẹn ngày mất.

Dân gian thì không muốn người anh hùng của mình chết trận như vậy. Thế nên truyền thuyết dân gian đã dựng lại tư thế lẫm liệt, đường hoàng của ông phút lâm chung. Lời kể truyền lại rằng, sau khi bị thương nặng, biết mình không sống được, Trương Định điểm mặt Tấn rồi đâm vào bụng tự sát. Người dân xã Gia Thuận (Gò Công) kể: Đội Tấn khép chặt vòng vây và nói: “Bẩm quan lớn, tôi đem quan lớn về đầu Tây. Gió chiều nào, theo chiều ấy. Quan lớn đầu hay không đầu cũng bắt!”. Trương Định liền trả lời: “Mày coi tao đầu nè Tấn!”, và liền rút gươm tử tiết. Có người thì kể rằng, Trương Định bị thương nơi đùi, bèn tuốt gươm đâm vào hông tử tiết. Phía sau ông có Đốc binh Chấn cũng bị thương nơi vai, nhảy đến đỡ ông lên. Ông tắt hơi trên tay ông Chấn. 

Một kịch bản chi tiết hơn, được người dân địa phương kể lại như sau:

Vào lối 3 giờ chiều ngày 18/7 âm lịch năm 1864, tướng Trương Công Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ngài muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai hộ vệ bảo sửa soạn ghe thuyền đưa đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm Ngài ở lại vì anh đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế Ngài hoãn chuyến đi Lý Nhơn.

Xã Tài đã có ý lập mưu cùng Huỳnh Công Tấn hãm hại nên đêm ấy, sau buổi tiệc y khuyên Trương Công Định ngủ lại tại nhà mình cùng vài binh lính thân tín. Đến nửa đêm, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đem binh lính đến bao vây.

Ngài phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Tấn bắn một phát quỵ xuống. Tấn khuyên Trương Công Định ra hàng. Ngài tuốt gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi tự đâm vào bụng tự sát… Khi ấy Ngài tròn 44 tuổi. Đó là sáng ngày 20/8/1864, tức ngày 18/7 năm Giáp Tý.



Dù cái chết của Trương Công Định có xảy ra thế nào thì đó cũng là sự hy sinh vì Tổ Quốc, truyền thuyết của người dân càng chứng tỏ lòng yêu kính đối với người anh hùng dân tộc. Ngày hy sinh của ông được xác định chính xác là rạng sáng 20/8/1864 và nơi hy sinh là Ao Dinh ở Gò Công (nay thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Nơi xa xôi vắng vẻ ấy vẫn thường xuyên có người đến dâng hương hoa, thắp nén nhang tưởng nhớ ông với tấm lòng thành. Không cần tượng đài đồ sộ, tượng đài của ông nằm trong lòng dân và sống mãi với thời gian.

Nội quy Di tích Lịch sử Ao Dinh

Bên cạnh khuôn viên Ao Dinh được rào lại (bên phải) là ngôi nhà của người được phân công quản lý di tích (bến trái).

Đi một vòng quanh Ao Dinh để hồi tưởng lại giây phút bi tráng ngày xưa

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét