Tên đúng là chùa Bửu Sơn, nhưng tên thông dụng nhất của ngôi chùa này là chùa Đất Sét. Gọi như vậy bởi đặc điểm lớn nhất của ngôi chùa này là tất cả các tượng trong chùa đều làm bằng đất sét. Kỳ công hơn nữa, tất cả các tượng này do duy nhất một người làm bằng phương tiện thủ công trong suốt 42 năm (884 tượng độc lập và khoảng 1200 tượng nhỏ trong các nhóm tượng).
Chùa còn được gọi là chùa Đèn cầy vì cùng với các tượng Phật bằng đất sét nơi đây còn có 4 cặp đèn cầy (8 cây), trong đó có 3 cặp lớn, mỗi cây chứa 200kg sáp. Các cây đèn cầy nầy đều cao 2,6m. Bình quân mỗi cây đèn cầy cháy suốt ngày đêm phải mất đến 70-80 năm. Cặp đèn cầy đầu tiên được thắp lên từ năm 1970, đến thời điểm gần nhất mà tôi ghé thăm là cuối năm 2018 vẫn đang cháy.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2002
Ảnh: Giang Huỳnh, 2018
Cây đèn cầy cháy liên tục từ năm 2002 (ảnh trên) đến 2018 (ảnh dưới)
Điều đáng nói là tất cả các tác phẩm này đều do ông Ngô Kim Tòng, một cư sĩ tu tại gia (bản thân chùa Bửu Sơn là ngôi chùa do gia tộc lập nên) âm thầm lặng lẽ tạo nên do tấm lòng thành, không phô trương cho ai biết. Thế nên từ khi ông Ngô Kim Tòng mất năm 1970 cho đến 20 năm sau vẫn không ai biết đến công trình kỳ diệu này. Mãi đến năm 1991, một số nhà báo ở Sóc Trăng tình cờ phát hiện và sửng sốt. Ngôi chùa được giới thiệu trên báo và từ đó người ta mới biết.
2. Chùa Đèn cầy ở quận 8, TPHCM
Tên đúng của ngôi chùa này là chùa An Phú, nhưng tên thông dụng là chùa Miểng sành. Gọi như vậy vì hầu như toàn bộ ngôi chùa đều được dán bằng miểng sành, miểng sứ. Số thống kê của chùa cho biết, từ năm 1961 đến năm 2004, chùa đã sử dụng hơn 30 tấn sành sứ phế liệu các loại với khoảng 20.000 ngày công lao động thực hiện gắn miểng sành trên diện tích 3.886 m2.
Chùa còn được gọi là chùa Đèn cầy vì nơi đây có cặp đèn cầy lớn nhất Việt Nam. Cặp đèn cầy đặt ở điện Phật nặng hơn 1.800kg, cao 3,4m, trên thân được chạm trổ hình rồng uốn quanh từ chân đến đỉnh, dưới đế khắc hình 5 con rồng nhỏ rất đẹp, gọi là "Ngũ Long Chầu Đăng". Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày 02/02/2005 cho Thượng tọa Thích Hiển Chơn, phó trụ trì chùa An Phú là Kỷ lục gia thực hiện cặp nến cao và nặng nhất Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2005, Thượng tọa Thích Hiển Chơn đã cho đúc một cặp đèn cầy chạm rồng có trọng lượng 2.100 kg, cao 3,83 m. Cặp đèn cầy này so với cặp trước nặng hơn 300 kg và cao hơn 0,43 cm. Phá kỷ lục cũ!
Thượng tọa Thích Hiển Đức cùng cúp và bằng chứng nhận kỷ lục gia bên 2 cây nến kỷ lục. Ảnh: Báo Giác ngộ
3. Chùa Đèn cầy ở Trảng Bom, Đồng Nai
Tên đúng của ngôi chùa này là Viên Giác Thiền tự. Đây là một ngôi chùa mới được xây dựng năm 1996, được công nhận là cơ sở thừa tự năm 2008. Dù non trẻ như vậy nhưng hiện nay ngôi thiền tự này có quy mô rất to lớn và được nhiều nơi biết tiếng. Chùa tọa lạc trên một khu đất có diện tích lên đến 6 ha, có hàng chục công trình kiến trúc ấn tượng.
Người dân thường gọi đây là chùa Đèn cầy, không phải vì có những cặp đèn cầy to như hai ngôi chùa trên mà vì có nhiều đèn cầy. Hàng tháng, cứ đến chiều 18 đến sáng 19 âm lịch - nhất là những tháng có lễ lớn như tháng 7 (Vu lan), tháng Tư (Phật đản)... - là chùa lại tổ chức lễ hoa đăng, thắp lên hơn 10 ngàn ngọn nến (đèn cầy) để cúng dường chư Phật và cầu cho hòa bình thế giới.
Lễ hoa đăng ở chùa Đèn cầy - Viên Giác Thiền tự. Ảnh: Facebook chùa Đèn cầy
Cảnh thanh tịnh của Viên Giác Thiền tự
Tui chưa có dịp tới chùa Đèn cầy vào những đêm hoa đăng như vậy để biết cảm nhận ở giữa 10 ngàn ngọn nến lung linh như thế nào, nhưng vào ban ngày bước đến chốn thiền môn uy nghi giữa thiên nhiên thanh tịnh này cũng có những cảm giác tĩnh lặng, yên bình.
Phạm Hoài Nhân
Cám ơn đã chia sẻ
Trả lờiXóa