11 thg 11, 2019

Chuyện về ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang

Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ 17. Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Sau vài thập kỷ hoằng hóa ở Bình Định và Thuận Hóa, Ngài cùng một số đệ tử vượt núi băng ngàn vào phương Nam, dừng chân tại vùng đất Đồng Nai. Tại đây, vào cuối thế kỷ 17, Ngài cùng các đệ tử là Ngài Minh Vật Nhất Tri kiến lập ngôi tổ đình Quốc Ân Kim Cang, Ngài Thành Nhạc khai sơn chùa Long Thiền, Ngài Thành Đẳng khai sơn chùa Đại Giác, Ngài Thành Ý khai sơn chùa Bửu Phong. Ngày nay, các ngôi Long Thiền, Đại Giác, Bửu Phong vẫn tồn tại ở Biên Hòa, Đồng Nai và là những ngôi cổ tự danh tiếng. Thế nhưng ngôi Tổ đình Kim Cang ở đâu?

Tổ đình Quốc Ân Kim Cang hiện ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, cách trung tâm TP Biên Hòa khoảng 12 km. Đây là ngôi Tổ đình:



Chánh điện của ngôi tổ đình là đây:


Sao nhìn dáng vẻ và kiểu cách kiến trúc ngôi chùa có vẻ mới quá, không giống một ngôi chùa cổ như giới thiệu ở trên? Đúng rồi, vì chùa mới được xây dựng khoảng 10 năm thôi mà! Sao kỳ vậy? Sao bảo là chùa xây dựng đã hơn 300 năm?

Chuyện thì dài lắm, xin được kể nghen.

Người ta ước định ngôi Tổ đình Kim Cang được khai sơn vào khoảng thời điểm thành lập đất Biên Hòa (1698), tức cách đây hơn 300 năm. Cùng thời điểm đó, những người Hoa nơi đây cũng lập nên một ngôi đền Thanh Long để thờ Quan Công, gọi là chùa Ông, cách Tổ đình Kim Cang chưa đến 1 cây số. Cuối 1946, do chiến tranh, cả tổ đình Kim Cang lẫn đền Thanh Long đều bị thiêu hủy hoàn toàn. 

Hơn 20 năm sau, năm 1968, khu đất nơi tọa lạc Tổ đình Kim Cang vẫn nằm trong khu vực mất an ninh, không được xây cất. Tín đồ Phật giáo và hương chức địa phương đứng ra xây dựng trên nền cũ của đền Thanh Long một cảnh chùa đơn sơ nhỏ hẹp để có nơi thờ phụng Tam Bảo và Quan Công (họ đã bán một số cây gỗ giáng hương trên phần đất của tổ đình Kim Cang và những huê lợi thu được từ những thửa ruộng, vườn hương hỏa của hai di tích để làm chi phí tái thiết). Chùa được ghép tên của hai di tích cổ lại thành Kim Long Cổ Tự.

Sau 1975, việc mất an ninh ở khu đất tọa lạc Tổ đình Kim Cang không còn nữa, nhưng thời ấy Phật giáo, chùa chiền không được coi trọng, vả lại người ta đã có một ngôi chùa là Kim Long cổ tự để thay thế cho ngôi Tổ đình Kim Cang rồi. Thế là ngôi Tổ đình bị quên lãng dần theo thời gian...

Chân dung Tổ sư Nguyên Thiều, theo hình ảnh lưu tại các chùa

20 năm sau, năm 1988, người dân khai hoang báo tin phát hiện một ngôi tháp cổ ở cách Kim Long cổ tự không xa. Hòa thượng Thích Minh Lượng, trụ trì Kim Long cổ tự, cùng chư tăng đến dọn dẹp, cạo mối, chùi rửa và cùng các nhà nghiên cứu giúp đọc văn bia, mới phát hiện là đó là bảo tháp của Tổ sư Nguyên Thiều, ở nền cũ của ngôi Kim Cang Quốc Ân.

Ngay tại thời điểm đó, cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Phó Pháp chủ, nguyên Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, làm lễ chứng minh, nguyện hương cho công cuộc trùng tu ngôi bảo tháp của Tổ sư và xây dựng lại ngôi tổ đình. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản... Phần tài sản (ruộng đất) hương hỏa của tổ đình, một phần chính quyền địa phương trưng dụng, một phần dân chúng trong vùng chiếm canh chiếm cư chưa được trả lại.

20 năm sau nữa, năm 2008, Hòa thượng Thích Minh Chánh, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai, trụ trì chùa Giác Minh mới đủ túc duyên phát nguyện xây dựng và trùng tu ngôi Tổ đình. Hòa thượng Trưởng ban và Ban Kiến thiết Tổ đình xin tán thán công đức của chư tôn giáo phẩm, chính quyền địa phương đã tận tình giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện đền bù, cấp phép xây dựng trùng tu và hai Phật tử Tâm Lộc và Diệu Hương đã phát tâm cúng dường tài thí số tiền hơn 1,1 tỷ đồng để đền bù giải tỏa trên khuôn viên chùa có được 4.609 m2. Ngày 19/10 Mậu Tý (16/11/2008), tại bảo tháp Tổ sư và trên nền chùa xưa diễn ra  lễ đặt viên đá trùng tu Tổ đình Quốc Ân Kim Cang…

Hòa thượng Thích Minh Chánh bên cạnh bảo tháp Tổ sư Nguyên Thiều (đã trùng tu). Ảnh: báo Giác Ngộ

Như vậy tiếng là ta đến viếng ngôi chùa cổ Quốc Ân Kim Cang, nhưng thật ra ngôi chùa là... mới tinh, chỉ có ngôi bảo tháp là cổ, và là tháp mộ của một vị danh tăng có công lớn trong việc hoằng hóa Phật pháp nước Việt. Ngoài ra, nơi đây còn một ngôi tháp nữa, gần như cùng thời với bảo tháp Tổ sư. Câu chuyện về 2 ngôi tháp này sẽ kể trong một bài viết khác nhé.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét