12 thg 11, 2019

Hai ngôi tháp cổ ở chùa Quốc Ân Kim Cang

Phật tử, du khách ngày nay có thể đến viếng thăm ngôi Tổ đình Quốc Ân Kim Cang - một ngôi chùa đã từng được khai sơn hơn 300 năm trước - tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Tuy nhiên đó là ngôi chùa mới được xây dựng lại cách đây 10 năm trên nền chùa cũ, vốn đã bị phá hủy hoàn toàn từ năm 1946. Di tích quan trọng nhất ở đây chính là ngôi tháp mộ của Tổ sư Nguyên Thiều, vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung Việt Nam đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.


Tháp mộ Tổ sư Nguyên Thiều

Xưa kia ngôi chùa này gọi là Chùa Kim Cang hay Chùa Tháp ở Đồng Nai, tọa lạc tại ấp Bình Thảo, xã Bình Phước, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên. Ngày nay chùa thuộc ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo lời kể của trụ trì chùa Cửu Thiên – Thủ Đức (là đệ tử của vị trụ trì Tổ đình Quốc Ân Kim Cang thời điểm 1946) và các bô lão ở địa phương ấp Bình Thảo kể lại thì người dân nơi đây vẫn thường gọi đây là “Chùa Tháp” vì chùa này có ngôi tháp cổ của vị Tổ Sư khai sơn Tổ đình Quốc Ân Kim Cang.

Chính nhờ ngôi tháp này mà sau nhiều năm quên lãng, người ta mới xác định lại được vị trí ngôi Tổ đình. Hiện nay chùa xưa chỉ còn lưu dấu nền Tổ đình và hai tháp cổ. Thông tin về 2 ngôi tháp cổ như sau (ghi lại theo bài viết của Pháp Tuệ, trên báo Giác Ngộ online ngày 14/11/2008):

1. Bảo tháp của Tổ Sư Nguyên Thiều húy Siêu Bạch: Theo năm tháng bảo tháp tuy bị xuống cấp nhưng vẫn còn dáng vẻ uy nghi và đồ sộ với:

Mộ bia: bằng đá xanh. Trên mặt bia có khắc 3 hàng chữ Nho, phiên âm như sau:

  • Hàng chính giữa: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Hòa thượng Tổ sư chi tháp 
  • Hai hàng hai bên: - Phổ Quang tự Yết ma Chủ hương; - Hội Khánh tự Giáo thọ Thiền chủ lập thạch; - Sắc tứ Từ Ân tự Hòa thượng Pháp sư; Chứng minh lịnh - Long Thạnh tự Hòa thượng; - Đức Sơn tự Hòa thượng; - Hưng Long tự Hòa thượng; Chư sơn đồng tạo.
Tháp Tổ: hình lục giác cao ba tầng, chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh tháp là 5,2m. Tháp dựng trên nền xây đá xanh hình chữ nhật, ngang 3m, dài 4m, cao 0,8m… 

Mặt trước là bia tháp: khắc nổi trên ô dước với 3 hàng chữ Nho, gồm: dòng giữa ghi: Quốc Ân Kim Cang đường thượng, tam thập tam thế, húy Siêu Bạch Quán Bích Tổ sư chi tháp; dòng bên mặt ghi: Tuế tại Kỷ Dậu niên, mạnh Thu, cát nhựt, hiệp chư sơn thiền đức đồng tái tạo; dòng bên trái ghi: Thập ngoạt, thập cửu nhựt viên tịch.

2. Tháp Phổ Đồng: Tương truyền đây là tháp của công chúa Ngọc Vạn, con của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bà là vợ vua Chân Lạp Chey Chetta II, là người có công hộ trì Phật pháp và ủng hộ việc xây dựng Tổ đình Quốc Ân Kim Cang lúc bấy giờ.


Hình ảnh tháp Tổ sư Nguyên Thiều. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to.




Phần tường bao xung quanh tháp có khắc bài minh của Chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông hoàng đế) để ca ngợi công đức của Tổ sư. Phần chữ quốc ngữ khắc khá vụng về làm giảm phần nào giá trị của di tích.


Hình ảnh tháp Phổ Đồng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, click vào ảnh để xem phóng to.




Có vẻ như tháp đã được xây lại quá nhiều, không còn hình dung ra tháp ban đầu như thế nào. Các mặt bên của tháp có ghi tiểu sử công nữ Ngọc Vạn, các bài thơ của người thời nay ca tụng công đức của bà và cả ca ngợi công đức của công nữ Ngọc Khoa nữa! Theo ghi chép của Hòa thượng Thích Giác Quang trước khi tháp được tân trang (đặng trên website Linh Sơn Phật giáo) thì: Hình dạng Tháp là một bầu hồ lô tròn, đắp bằng một khối ô dước, cao 2 mét, đáy hình tròn, kính 2 mét.Bầu hồ lô dựng trên một nền vuông xây gạch thẻ nung, phía ngoài tô ô dước. Trên có khắc hoa văn. Tháp bị hư sập, chỉ còn phần dưới bầu hồ lô và nền tháp.

Điều đáng chú ý là trên bia tưởng niệm ở mặt bên của tháp ghi là Tháp mộ của Công chúa Ngọc Vạn. Bỏ qua chuyện lẫn lộn giữa công nữ và công chúa vì trong dân gian vẫn thường gọi lẫn lộn như vậy, thì chi tiết Tháp mộ không được các nhà nghiên cứu đồng tình. Theo các dữ kiện lịch sử thì không thể có việc mộ của công nữ Ngọc Vạn nằm tại đây. Do vậy, đây có thể là một tháp thờ hay tháp tưởng niệm công nữ Ngọc Vạn vì bà là một người có công lớn và đóng góp nhiều cho việc phát triển Phật giáo ở vùng đất này. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngôi tháp này vẫn còn là điều bí ẩn.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét