7 thg 8, 2021

Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành...

Khi xa Sài Gòn là một ca khúc của Lê Uyên Phương nói về niềm khắc khoải thương nhớ Sài Gòn. Hầu hết mọi người - nhất là những người Việt xa xứ - đều nghĩ rằng bài hát được sáng tác sau năm 1975, khi tác giả đã sang Mỹ - để nói hộ tấm lòng thương nhớ Sài Gòn của mình. Mới đây, bài hát được khơi gợi lại, và người ta ngỡ như nó mới được viết ra để tiếc nhớ Sài Gòn thuở nào, giờ đang vắng vẻ buồn thiu giữa cơn đại dịch - nhất là đang giới nghiêm từ 6 giờ chiều:

Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn có còn bước chiều bơ vơ


Kỳ thật, bài Khi xa Sài Gòn được Lê Uyên Phương phổ nhạc từ một bài thơ của nhà thơ Kim Tuấn từ đầu năm 1975 (trước 30 tháng Tư) ở Việt Nam, nhưng do thời điểm đó loạn lạc nên chưa được phổ biến. Còn bài thơ thì được Kim Tuấn sáng tác trước đó vài năm. Ông viết Khi xa Sài Gòn để nhớ về Sài Gòn lúc mình đang quay lại... Pleiku.


Ca sĩ Lê Uyên nói về hoàn cảnh sáng tác của Khi Xa Sài Gòn: “Bài Khi xa Sài Gòn là một bài thơ tình của nhà thơ Kim Tuấn sống ở Pleiku mà anh Lê Uyên Phương và tôi có dịp gặp gỡ và quen biết anh nhân một chuyến lưu diễn, một tuần lễ văn hoá tổ chức ở Pleiku. Trong những bài thơ mà anh khoe với chúng tôi thì anh Lê Uyên Phương cảm được bài Khi Xa Sài Gòn để phổ thành ca khúc. Ý nghĩa chính của nó là một bài thơ tình viết của một người từ Pleiku nhớ về người yêu của mình ở Sài Gòn, được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh bùng nổ lên cao điểm là 1972. Còn nhà thơ Kim Tuấn viết bài thơ đó, nếu tôi nhớ không lầm là vào thời 1970, cũng là thời khốc liệt lắm, cũng có giai đoạn Sài Gòn bị giới nghiêm lúc 7 giờ tối”.

Theo Đông Kha trên trang nhacxua.vn

Khi xa Sài Gòn
Thơ Kim Tuấn - Lê Uyên Phương phổ nhạc

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn có còn bước chiều bơ vơ

Sài Gòn còn ai khóc kẻ lên đường
Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa
Sài Gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh
Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành
Giấc ngủ miền xa, ôm trời núi rừng
Bên rừng nhớ nắng Trung Nguyên

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài Gòn bóng nghiêng, Sài Gòn đứng đợi
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau

Có lẽ đây là bản nhạc phổ thơ nhắc tên Sài Gòn nhiều nhứt. Bài thơ có 21 câu thì trong đó 19 câu nhắc tên Sài Gòn, trong đó có 3 câu nhắc tới 2 lần. Tổng cộng là 22 lần nhắc Sài Gòn trong 21 câu.

Hiện giờ phiên bản mới nhứt và phổ biến nhứt trên mạng của bài Khi xa Sài Gòn là bản do Khánh Ly hát ở trên. Riêng tui thì thích bản do Lê Uyên hát hơn.


Dù phiên bản nào đi nữa, dù bài hát được sáng tác ở đâu, trong hoàn cảnh nào đi nữa thì bây giờ nghe lại vẫn cảm thấy buồn thương cho Sài Gòn, buồn thương cho chúng ta, buồn não nề...

Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét:

  1. mình xem rất nhiều bài của anh, và đang có hướng phát triển du lịch online. hy vong được nói chuyện và hỏi ý kiến a vài điều. gmail của em: wretcherlad@gmail.com

    Trả lờiXóa