Tôi theo đúng cái “credo” của tôi trong bài Lữ Hành trước đây (1953), nghĩa là sống cho đến tận cùng của Tình Yêu, Sự Đau Khổ hay Cái Chết (theo một lời tuyên bố của tôi vào lúc đó). Tôi soạn những bài nói tới toàn diện cuộc đời chứ không chỉ là mảnh đời vụn vặt. Bài Một Bàn Tay (1959).
Một Bàn Tay là tất cả. Bàn tay đưa ta vào đời, cuối cùng, bàn tay vuốt mắt ta. Đó là cuộc hành trình dài của một đời người (đàn ông) và ca ngợi người phụ nữ.
- Khi sinh ra, đã được bàn tay mẹ chăm sóc vỗ về, che chở.
- Rồi lúc mới lớn, những bàn tay xấu đầy ma lực níu kéo làm hư hỏng, khiến “bàn tay khô héo” của người mẹ phải khó nhọc mong gỡ được đứa con ra khỏi thế giới u ám.
- Và cũng lúc đó, bàn tay một người con gái “thơm mùi gỗ quý” đã đưa người (đàn ông) trở về với cuộc sống hương hoa, với tình yêu bền chặt và những ước mơ cùng xây đắp tương lai.
- Đến khi người (đàn ông) trút hơi thở cuối cùng, một bàn tay thân yêu khẽ vuốt mắt, và làn mi khép, con người ấy trở về cát bụi, kết thúc hành trình trăm năm của một đời người...
Về bài Một Bàn Tay của Phạm Duy
Phạm Xuân Đài
Khi một hài nhi rời lòng mẹ, vật đầu tiên nó tiếp xúc là bàn
tay của người đỡ đẻ. Ngày trước người giúp cho sản phụ sanh con gọi là bà đỡ,
vì công việc chính của người đàn bà này là dùng hai tay của mình đón đứa bé vừa
chui ra. Bà phải “đỡ” nó, tức là dùng bàn tay nâng phía dưới cho nó khỏi rơi xuống,
và giúp nó ra khỏi lòng mẹ một cách suôn sẻ. Có bài hát nào ca ngợi giây phút đầu
đời ấy của bé không? Có, bài Một Bàn Tay của Phạm Duy:
Động tác “đưa anh ra khỏi lòng người” đúng là của bàn tay bà
đỡ. Sau chín tháng mười ngày “anh” được mẹ cưu mang lớn dần trong môi trường êm
ấm, nhưng khi đã lớn đủ thì phải rời khỏi chỗ cư trú sung sướng nhưng bắt đầu
chật chội ấy để mà chào đời. Đột ngột thay đổi môi trường sống, hài nhi choáng
ngợp với bầu không khí quanh mình mà bắt đầu từ giây phút này chính nó phải hít
thở lấy để sống, phản ứng đầu tiên của nó là la lên, phát thành tiếng oe oe đầu
tiên, mà Phạm Duy gọi là “kêu lên hơi thở tuyệt vời”, cái giây phút đầu tiên tiếp
xúc với khí quyển, làm bật lên tiếng kêu, “tiếng khóc trần ai”, để đánh dấu một
đời sống bắt đầu!
Tất cả đều với bàn tay của bà đỡ, đưa em bé trôi tuột từ nơi
trú ản chật hẹp ra gặp thế giới rộng lớn bên ngoài, và tạo cho người mẹ một nỗi
khoan khoái vô vàn sau thời kỳ mang nặng nay bỗng nhẹ tênh và mình bỗng có bên
cạnh một sinh vật của chính mình tạo ra! Nỗi khoan khoái mãn nguyện vừa sinh lý
vừa tâm lý vừa thiêng liêng không gì có thể sánh được.
Thế giới bên ngoài không ấm êm như trong lòng mẹ. Đứa bé cần
được nâng niu ẵm bồng bú mớm để lớn lên, và phải được dạy dỗ để thành người.
Trong cuộc sống tạo hóa đã làm ra, ai cũng bình đẳng như nhau, nhưng phải có
bàn tay của người cha người mẹ vun xới, đưa lối thì đứa bé mới có một tuổi ấu
thơ tươi đẹp:
Bàn tay tạo nên cái thiện thì cũng chính bàn tay có thể làm
việc ác. Đụng chạm với những cái xấu, cái ác của đời là chuyện không tránh khỏi.
Nhưng một ngày kia chàng thanh niên vừa lớn lên ấy bỗng thấy một ánh sáng mới:
Đó là hoa mộng trong ngày hè của cuộc đời, thời kỳ thanh
niên thiếu nữ gặp nhau, yêu nhau. Chốc lát hè đã sang thu, tình đã chín muồi,
đã đến mùa của đơm hoa và kết trái.
Từ cái trong trắng của “tình trong năm ngón nõn nà” nay đã
trở thành bàn tay ấm áp, bàn tay bão táp, đưa nhau vào “cuộc tình đầy” của xác
thịt và cuộc chung sống vợ chồng, cái đích cuối cùng của tình yêu nam nữ: ong
bướm của mùa hè đã hoàn tất công việc thụ phấn cho hoa để hoa kết quả. “Bàn tay
son vẽ đời đôi” là thế: đó là đời sống gia đình, là sinh con đẻ cái để tiếp nối
cái chu kỳ bất tận của vạn vật.
Sau mùa thu là đến mùa đông của đời người: già và chết.
Bàn tay làm một động tác cuối cùng cho người bạn đời, đó là
vuốt mắt cho kẻ vừa từ trần. Nhưng kỳ bí nhất là hai chữ “lạ lùng”, tại sao lại
“Lạ lùng, tay khép làn mi”? Trong lời hát, Phạm Duy là thiên tài dùng chữ,
nhưng đây là hai chữ mà tôi cho là vĩ đại nhất mà Phạm Duy vận dụng để chỉ thái
độ của người đang sống bỗng đối diện với cái chết. Đối với người sống, cái chết
muôn thuở là sự sợ hãi và bí mật, mặc dù nó xảy ra không ngừng trong đời sống,
con người luôn luôn đối mặt với nó từ thuở khai thiên lập địa cho đến bây giờ
và mãi mãi. Vì nó thường xảy ra quá, chúng ta vẫn dửng dưng với nó nếu xảy ra ở
xa, không liên quan đến ta, ví dụ số người chết trong một vụ động đất hoặc sóng
thần, hoặc một cuộc chiến, hoặc tai nạn máy bay, ở đâu đó. Hoặc thậm chí khi đọc
phân ưu cáo phó trên tờ báo hàng ngày, báo tin những người vừa chết trong xã hội
quanh ta Nhưng khi cái chết xảy ra sát bên cạnh ta, với người thân yêu nhất của
ta thì sự thể lại khác. Người chồng, đối với người vợ chẳng hạn, như trường hợp
bài hát Một Bàn Tay của Phạm Duy. Người mà từ Mùa Hè xa xưa đã đến với ta và ta
đã cho người ấy bàn tay năm ngón nõn nà, từ Mùa Thu đã cùng ta vào cuộc tình
đây để xây dựng gia đình con cái, người ấy một ngày Mùa Đông bỗng dưng “thăm thẳm
lìa đời”, từ một sự sống linh động cùng nhau bây giờ đã trở thành băng giá Cái
người thân yêu nhất đời ấy bỗng không còn nữa, bây giờ ở đâu? Bí mật của cái chết
hốt nhiên bao trùm cả nhận thức của người vợ, nên động tác đưa tay vuốt mắt chồng
chứa đầy “lạ lùng”, vừa ngơ ngác, vừa sợ hãi, vừa thắc mắc. Đó là thái độ muôn
thuở của con người khi đột ngột cảm nhận sự đứt đoạn do cái chết gây nên.
Bài hát Một Bàn Tay đã dựa vào vai trò của bàn tay con người
để miêu tả tổng quát đời người. Mục đích tác giả là nói về bàn tay hay về đời
người? Có lẽ cả hai, dùng cái này để nói về cái kia Từ khi giống người biết đứng
thẳng, bàn tay đã tạo ra kỳ tích đưa đời sống loài người đi dẫn tới văn minh Dĩ
nhiên là bàn tay luôn luôn đi với khối óc, nhưng vì bàn tay là phần thể hiện cụ
thể nên người ta vẫn ca ngợi sự kỳ diệu trong hành động tạo tác của đôi tay. Phạm
Duy giới hạn công dụng của bàn tay trong những động tác gần gũi nhất, nhân bản
nhất đối với đời sống một con người: đưa hài nhi vào cuộc sống, nuôi nấng dạy dỗ
nó, bàn tay xây dựng cuộc sống lứa đôi, bàn tay vuốt mắt... Những nét quan trọng
nhất của cuộc nhân sinh được gói trọn trong một ca khúc; chỉ với một hai câu,
có khi cô đọng trong một hai từ, tác giả nói đầy đủ tính chất cốt lõi của mỗi
giai đoạn của đời người. Chỉ “hát” về đời người chứ không triết lý về nó, nhưng
tiếng hát ở đây đôi khi chạm tới chỗ sâu thẳm biến bài hát mang nhiều ý nghĩa
triết lý. Như chữ “bàn tay khoan khoái” nói đầy đủ trạng thái con người của sản
phụ vừa sinh con. Như chữ “lạ lùng” vừa đề cập tới ở trên, đã mở ra thế giới
mênh mông đầy bí ẩn của cái chết mà không cần luận giải, hoặc sáng tạo nên những
cái trừu tượng buộc con người phải tin theo Chỉ dùng lời ca, tác giả làm cho
người thưởng thức “cảm” trực tiếp những gì mà thần học, triết học phải dài dòng
lắm mới tạm miêu tả được. Vì thế, “Một Bàn Tay” cũng là “Một Đời Người”. Mà
cũng là cái chu kỳ không chấm dứt của con người “đi trong không gian thở hơi
gió từ ngàn năm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét