Văn phòng làm việc mới của Microsoft Việt Nam tại Hà Nội, thiết kế theo mô hình hybrid work. Nguồn: Microsoft Việt Nam.
Hybrid work là gì và hybrid work tại Việt Nam
Hybrid work là mô hình làm việc lai (hybrid) hay mô hình làm việc kết hợp, trong đó người nhân viên có một số thời gian làm việc ở văn phòng và một số thời gian làm việc tại nhà (WFH: work from home) qua hình thức online. Tổng số thời gian của người lao động không thay đổi, chỉ khác là một số thời gian làm việc họ không cần đến cơ quan.
Ngay trước khi đại dịch xảy ra, một cuộc khảo sát của Global Workplace Analytics vào năm 2019 cho thấy môi trường làm việc kết hợp sẽ khiến nhân viên hạnh phúc hơn (83%), cảm thấy được tin tưởng hơn (82%), cải thiện sự cân bằng trong công việc và cuộc sống (81%). Kết quả là, khả năng giới thiệu công ty của họ cho một người bạn khác đến (81%).
Ở Việt Nam, từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, FPT áp dụng chế độ làm việc từ xa 100% đối với 6 tỉnh, thành phố có dịch; những nơi còn lại áp dụng hybrid working. Trước đó, nhiều công ty con của FPT áp dụng hybrid working như FPT Education (67%) FPT Telecom (64%), FPT Software (62%)…
Nhiều ngân hàng, công ty bất động sản, start-up đã bắt đầu áp dụng chế độ làm việc hybrid working.
Theo số liệu từ ASUS Việt Nam, 75% doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19; khoảng 82% doanh nghiệp đã ban hành chính sách làm việc linh động cho nhân viên và 66% nhân viên cho biết, chính sách làm việc linh hoạt đã được áp dụng tại nơi làm việc của họ.
Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc năm 2021 của Microsoft nhấn mạnh hybrid work
Cuối tháng 3-2021, Microsoft lần đầu tiên công bố Báo cáo thường niên về Chỉ số Xu hướng Công việc (The Work Trend Index) với tiêu đề “Bước đột phá mới là Hybrid work - Chúng ta đã sẵn sàng chưa?” (The Next Great Disruption Is Hybrid Work - Are We Ready?).
The Work Trend Index cho thấy 81% lực lượng lao động tại Việt Nam mong muốn được làm việc linh hoạt từ xa, đồng thời cũng có đến 77% lực lượng lao động muốn có thời gian gặp mặt trực tiếp các đồng nghiệp của mình. Sự phức tạp này được Microsoft gọi là “nghịch lý của mô hình làm việc kết hợp” và nó phản ánh thực tế rằng người lao động muốn kết hợp những gì tốt nhất của cả hai cách làm việc. Vì vậy, tiếp cận mô hình làm việc kết hợp sẽ tạo ra sự linh hoạt và trở thành một lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cũng theo báo cáo này, 71% các lãnh đạo doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi đang nhận ra sự thay đổi của nơi làm việc và cho biết nhiều khả năng sẽ lập kế hoạch thiết kế lại môi trường làm việc để thích ứng hơn với mô hình làm việc tương lai.
Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam, cho biết: “Một lần nữa chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi rất lớn, giống như năm ngoái khi cả thế giới phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, thì bây giờ là việc chuyển sang mô hình làm việc kết hợp (hybrid work): mô hình làm việc cho phép một số nhân viên trở lại nơi làm việc như trước kia trong khi một số khác sẽ tiếp tục làm việc tại nhà. Những gì chúng ta lựa chọn ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tổ chức trong nhiều năm tới. Đây là thời điểm đòi hỏi phải có một tầm nhìn rõ ràng và tư duy cầu tiến. Những quyết định hôm nay sẽ tác động đến mọi thứ, từ cách chúng ta định hình văn hóa doanh nghiệp, thu hút và giữ chân nhân tài, đến cách thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới.”
Work Trend Index 2021 đưa ra những phát hiện từ một nghiên cứu với hơn 30.000 người ở 31 quốc gia và phân tích hàng nghìn tỷ tín hiệu năng suất và lao động từ Microsoft 365 và LinkedIn. Theo đó, 7 xu hướng hybrid work toàn cầu là:
- Phương thức linh hoạt sẽ trở nên phổ biến: 73% người lao động được khảo sát muốn các tùy chọn làm việc từ xa linh hoạt tiếp tục, trong khi đồng thời 67% muốn có nhiều thời gian trực tiếp hơn với nhóm của họ.
- Lãnh đạo thiếu sự liên lạc với nhân viên và họ cần nhận ra điều đó: Nghiên cứu cho thấy 61% lãnh đạo nói rằng họ đang rất phát triển rất mạnh – cao hơn 23 điểm phần trăm so với những người không có quyền ra quyết định.
- Năng suất cao đang ẩn giấu một lực lượng lao động kiệt sức: 54% cảm thấy làm việc quá sức và 39% cảm thấy kiệt sức. Úc và Trung Quốc là hai quốc gia duy nhất có thời gian họp hàng tuần không tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.
- Thế hệ Z đang gặp rủi ro và sẽ cần được tái tạo năng lượng: 60% thế hệ này nói rằng họ chỉ đơn thuần là sống sót hoặc đang gặp khó khăn. (Thế hệ Z gồm những người sinh từ 1997 đến 2012)
- Mạng lưới tương tác thu hẹp đang cản trở sự đổi mới: Các xu hướng tổng hợp trên hàng tỷ cuộc họp Microsoft Teams và email Outlook cho thấy các tương tác với các mạng rộng lớn hơn giảm dần khi chuyển sang làm việc từ xa.
- Tính xác thực sẽ thúc đẩy năng suất và hạnh phúc: Đồng nghiệp dựa vào nhau theo những cách mới để vượt qua năm vừa qua. 1/6 (17%) đã khóc với một đồng nghiệp, đặc biệt là những người trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (23%), du lịch và lữ hành (21%) và giáo dục (20%).
- Nhân tài ở khắp mọi nơi trong thế giới làm việc kết hợp: Gần một nửa (46%) trong số những người được khảo sát đang có kế hoạch chuyển đến một vị trí mới trong năm nay. Điều đó cho thấy: mọi người không còn phải rời bàn làm việc, nhà cửa hoặc cộng đồng để mở rộng cơ hội nghề nghiệp của họ.
Văn phòng làm việc mới của Microsoft Việt Nam tại Hà Nội, thiết kế theo mô hình hybrid work. Nguồn: Microsoft Việt Nam.
Ngày 22-2-2022, Microsoft Việt Nam đã chính thức khai trương văn phòng làm việc mới tại tòa nhà Capital Place, 29 Liễu Giai, Hà Nội. Với quy mô hơn 700 mét vuông cùng cơ sở vật chất hiện đại và tiện nghi, văn phòng được đánh giá là một trong những văn phòng thông minh nhất của Microsoft trên toàn cầu, áp dụng mô hình làm việc kết hợp (hybrid) linh hoạt.
Được đánh giá là một trong những văn phòng làm việc hiện đại và thông minh nhất của Microsoft trên toàn cầu, văn phòng mới của Microsoft tại Hà Nội được kế theo mô hình hybrid work với phong cách mở và linh hoạt, tạo điều kiện cho nhân viên kết nối và cộng tác tối đa mọi lúc mọi nơi. Các phòng họp được trang bị đầy đủ các thiết bị tích hợp sẵn Microsoft Teams để hỗ trợ các cuộc họp kết hợp trực tiếp và trực tuyến, từ màn hình LCD, bảng trắng điện tử, bảng trắng thường, camera, hệ thống âm thanh chất lượng cao, để mang lại những trải nghiệm chân thực nhất cho người họp. Đặc biệt, camera có khả năng tự động nhận diện người nói để điều hướng góc quay, phóng to hình ảnh người nói lên màn hình hội họp cũng như nhận diện chữ viết trên bảng trắng để chuyển thành bảng ghi chú trực tuyến trong Teams, ngay cả khi người thuyết trình đứng che khuất phần chữ viết.
Ngoài ra, văn phòng mới của Microsoft tại Hà Nội còn được trang bị các cảm biến nhận diện để thu thập dữ liệu, ví dụ như tần suất người ra vào, số lượng người họp trong một phòng, để từ đó tự động kích hoạt các tính năng hội họp, phân tích và điều chỉnh cường độ ánh sáng, nhiệt độ phòng cho phù hợp.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét