22 thg 3, 2022

Ngày trở về, anh bước lê...

Chắc ai cũng biết bài Ngày trở về của nhạc sĩ Phạm Duy, kể chuyện người thương binh trở về làng quê cũ

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè cười đón người về


Theo lời kể của Phạm Duy thì ông sáng tác bài này vào năm 1954, khi mới ký hiệp định Genève và ông nghĩ đến cảnh hòa bình người lính trở về quê cũ. Từ ấy đến nay gần 7 thập niên đã trôi qua, bài hát vẫn đọng lại trong lòng bao thế hệ.
Hay và truyền cảm như thế nào thì mọi người đã nói nhiều, tui không biết nói gì thêm nữa. Chỉ biết rằng bài hát hay, được nhiều người yêu thích, nhiều người thuộc thì... thế nào cũng được chế lới mới. Ngày trở về cũng vậy. Và tui xin kể lại những lời mới mà tui đã được nghe.

Đoạn đầu của bài hát đã được chuyển đổi (hông phải chuyển đổi số đâu nghen)

Ngày trở về, anh ra sông
Bắt cá lòng tong nấu canh bí đao
Có dè đâu, lòng tong chết chìm thành cá lìm kìm...

Ngày trở về, anh ra sông
Bắt cá lòng tong nấu canh bí đao

Còn đoạn kế tiếp:

Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ

thì được hiện đại hóa như sau:

Mẹ lần mò, móc túi cha,
Trong túi được ba bốn năm bức thư.
Cái thằng cha nhà ngươi đã già mà còn khoái đàn bà..

Lời 2 của bài hát diễn tả cảm xúc của người thương binh lúc trở về vườn quê:

Ngày trở về, những đóa hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi đời hoa chóng già vì thiếu mặn mà

đã được nâng tầm triết lý lên thành:

Ngày trở về, những đóa hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi đàn ông chóng già vì thiếu đàn bà

Thiệt là sâu sắc và giàu ý nghĩa!

Ngày trở về, những đóa hoa
Thấm thoát mười năm nhớ anh vắng xa
Có nhiều khi... tằng tăng tắng tằng tằng tắng tằng tằng

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét