Nhà thông thái sẽ trả lời ngay, không cần suy nghĩ: Hóc Bà Tó ở Hóc Bà Tó chớ ở đâu!
Tất nhiên là câu trả lời này đúng tuyệt đối. Nhưng tui nghĩ là bạn cũng như tui, vốn tính lăng xăng lộn xộn, nên ráng tìm cách trả lời dài hơn một chút cho nó có... hoa lá cành.
Hóc Bà Tó là gì?
Hầu như mọi người, mọi bộ tự điển đều thống nhất ý nghĩa của hóc bà tó là: chỗ xa xôi hẻo lánh, ít người lui tới, khó tìm. Thế nhưng tách ra từng từ, hóc là gì, Bà Tó là gì thì lại có những diễn giải khác nhau.
Hóc theo cách hiểu quen thuộc là trong kẹt, trong xó.
Một cách hiểu khác, hóc là một phương ngữ Nam bộ cổ có nghĩa là con rạch nhỏ, tương đương với xẻo.
Hóc Bà Tó ở đâu? Ở Mỹ Tho?
Sang đến Bà Tó, lại càng nhiều diễn giải khác nhau. Cách giải thích được nhiều nơi dẫn lại nhứt là giải thích của nhà địa danh học Lê Trung Hoa trong cuốn Cửa sổ tri thức (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2013): "Theo nhà văn Sơn Nam, Hóc Bà Tó là một địa danh cổ, chỉ một vùng đất thuộc tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Hóc là một từ cổ chỉ dòng nước nhỏ, đồng nghĩa với xẻo. Hóc trong Hóc Môn, Hóc Hươu (TP. HCM), Hóc Ớt (giữa TP. HCM và Tây Ninh), Hóc Bà Tó mang ý nghĩa này. Vậy ban đầu hóc Bà Tó chỉ dòng nước nhỏ mang tên Bà Tó (chưa rõ lý lịch bà này). Sau biến thành địa danh vùng Hóc Bà Tó. Vì Hóc Bà Tó ở một nơi xa cách khu dân cư nên dần dần trở thành tên gọi nơi xa xôi, vắng vẻ, ít người lui tới”.
Có lẽ diễn giải này được nhiều người tin nhứt vì nó được một cây đa cây đề trong làng địa danh học là Lê Trung Hoa dẫn ra, mà cây đa cây đề này lại dẫn lời một cây đa cây đề khác là nhà văn Sơn Nam. Thế nhưng tui đã cố tìm mà vẫn không biết cái hóc Bà Tó này ở chỗ nào tại Mỹ Tho hết. Google Maps cũng bó tay luôn!
Hóc Bà Tó ở đâu? Ở Cà Mau?
Một giải thích khác, cho rằng hóc Bà Tó ở Cà Mau, như sau:
Hóc Bà Tó là hóc (rạch nhỏ) ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Bà Tó có lẽ là một người Khmer. Vì ngày xưa hóc (= hói) ở giữa rừng vắng, xa xôi nên từ tổ hóc Bà Tó chỉ nơi xa xôi, vắng vẻ.
Lời giải thích này... cũng của Lê Trung Hoa luôn, đăng trong Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin, 2013)!
Hóc Bà Tó ở đâu? Ở Quảng Bình?
Một diễn giải khác, đưa hóc Bà Tó đi xa hơn về hướng Bắc, đến tận Quảng Bình. Lời diễn giải này của một bạn có nick yta262 trên diễn đàn quansu.net. Theo đó: Ở Đồng Hới có cái Bàu Tró rất nổi tiếng. "Tró" là từ Chăm cổ chỉ đồ gốm như chum, ché. Cái này liên quan đến việc khai quật khảo cổ học ở Bàu Tró với hàng vạn mảnh gốm cho thấy một thời kỳ thịnh vượng của kỹ nghệ đồ gốm ở đây. Hóc là tiếng Việt, giống như hang hóc, vùng sâu, vùng xa. "Hóc Bà Tó" có lẽ từ chữ Hóc Bàu Tró ("tró" gốc chữ Chăm) dịch nôm na là "vùng xa có bàu nước nơi người ta làm đồ gốm" ở Đồng Hới.
Tui ngồi sao lục và đăng lại để mọi người coi cho biết. Riêng tui, tui nghĩ rằng Bà Tó không phải là một địa danh có thiệt, mà chỉ là một từ có âm phù hợp đi theo chữ hóc cho nó... trơn miệng thôi hà!
Biên Hòa cũng có Hóc Bà...
Biên Hòa cũng có Hóc Bà..., nhưng không phải Hóc Bà Tó mà là Hóc Bà Thức.
Theo sách Địa danh Hành chính - Văn hóa - Lịch sử Đồng Nai (Trần Quang Toại chủ biên, NXB Đồng Nai, 2013) thì Hóc Bà Thức thuộc phường Tân Phong và phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa. Sáng mùng 2 Tết ngày 31/1/1968 từ Hóc Bà Thức trận địa pháo ĐKB của Sư đoàn 5 miền dồn dập nã đạn vào sân bay mở màn cho đợt tiến công và nổi dậy ở thị xã Biên Hòa Xuân Mậu Thân.
Cũng theo sách trên, Bà Thức còn là tên ấp. Ấp Bà Thức thuộc xã Tân Phong, TP. Biên Hòa, nay thuộc khu phố 9, phường Tân Phong và khu phố 4, phường Trảng Dài. Căn cứ Bà Thức là căn cứ đóng quân của Sư đoàn Anh Cả Đỏ viễn chinh Mỹ, bảo vệ sân bay Biên Hòa, nay thuộc khu phố 4, phường Trảng Dài.
Trên Google Maps hiện nay ta còn thấy Trường bắn súng Hóc Bà Thức và Chợ Bà Thức.
Địa danh Bà Thức, Hóc Bà Thức trên Google Maps
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét