10 thg 6, 2022

Cây điệp phèo heo

Điệp - nghe cái tên là đã thấy nên thơ rồi. Điệp, cũng như phượng, là những cây trong sân trường gắn với mùa hè buồn man mác. Điệp, là cánh bướm trong chuyện tình Lan và Điệp, hay trong khúc ca Uyên ương hồ điệp mộng.

Thế nhưng dân gian vốn thiệt thà, nghĩ sao nói vậy. Tỷ như cây lá mơ lá có mùi thúi hoắc thì kêu là cây thúi địt, cây diệp hạ châu chó mẹ thường tìm ăn sau khi sanh nên kêu là cây chó đẻ, cây lan hoàng hậu có lá hình móng bò nên kêu là cây móng bò...

Tương tự như vậy, có một giống cây điệp thường được trồng làm cảnh trên đường phố, thay vì đặt tên đẹp đẹp nên thơ thì tỉnh bơ kêu bằng tên điệp phèo heo.

Một cây điệp phèo heo khoảng 3 năm tuổi. Ảnh: Wikipedia

Có người nói sở dĩ kêu tên nó là điệp phèo heo vì trái cây điệp này cong cong như cái phèo heo, lại có người cho rằng vì rể của nó loằng ngoằng như phèo heo.

Trái điệp phèo heo có trái cuộn vòng như ruột heo. Ảnh: HaiHLe trên VnPhoto.net

Cá nhân tui thì ấn tượng mạnh với bộ rể của cây điệp phèo heo.

Điệp phèo heo có tên khoa học Enterolobium cyclocarpum, là một loài thực vật thuộc họ Đậu, có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Nó được chọn làm cây  biểu tượng của Costa Rica.


Điệp phèo heo được trồng khá nhiều ở Sài Gòn. Có lẽ nhiều nhứt là dọc đại lộ Nguyễn văn Linh, ngoài ra còn có ở đường Võ văn Tần (quận 3), CLB Phan Đình Phùng, Công viên Tao đàn... Tuy nhiên bộ rể "ngầu" nhứt là cây này.







Nhìn hình tui nằm trên nhánh rể như con nhái, bạn có thể hình dung rể cây này dài và to đến cỡ nào. Cái cây độc chiêu này ở đâu? Ở nơi thâm sơn cùng cốc nào? 

Xin thưa: Nó ở ngay trung tâm Sài Gòn. Ở một chỗ mà mọi người đều biết. Đó là... khuôn viên Dinh Độc lập! Bạn có thể vào đây tham quan, chụp hình mà không cần mua vé vào cổng dinh Độc lập. Chỉ cần bạn vô... quán cà phê 30 tháng Tư ở đường Huyền Trân Công chúa, bên hông dinh Độc Lập.

Hiện nay điệp phèo heo thuộc vào loài cây hạn chế trồng vì có rễ ăn ngang, lồi lên mặt đất gây hư hại các công trình xây dựng xung quanh. Riêng ở Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4627/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt danh mục các loại cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng và cây hạn chế trồng trong đô thị trên địa bàn tỉnh, trong đó điệp phèo heo nằm trong danh mục 23 loại cây cấm trồng tại các khu vực công cộng, đường phố.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét