17 thg 6, 2022

Tờ giấy chặm

Các bạn có nhận ra cái tờ màu hồng đặt trên và kế bên cuốn tập là gì hông?


Nó là tờ giấy chặm, vật luôn có trong cặp của mỗi đứa học trò thuở xưa ở miền  Nam (tui nói ở miền Nam vì tui sống tại đây nên chỉ biết ở đây, ngoài Bắc chẳng biết thế nào nhưng nếu có thì nó phải được gọi là "giấy thấm" chớ không phải "giấy chặm").


Tờ giấy chặm thường màu hồng như trong hình hoặc màu xanh lợt, nhỏ hơn trang tập. Hồi đó đi học xài viết mực, viết xong thì lấy giấy chặm ịn lên cho khô trước khi xếp tập lại để khỏi lem. Ịn riết tới chừng nào tờ giấy chậm dính đầy mực thì thay tờ mới.

Tui rất ngạc nhiên rằng tờ giấy chặm rất quen thuộc là vậy mà search trên Google tìm hình lại không thấy. 2 hình dưới đây là hình ở... bên Pháp, do tui search chữ "papier buvard encre" (giấy chặm mực, tiếng Pháp).

Ai có hình tờ giấy chặm ở miền Nam Việt Nam thuở xưa cho tui xin, cảm ơn nhiều. Ai còn nhớ những kỷ niệm ngày xưa với tờ giấy chặm xin kể lại, cảm ơn nhiều.

Phạm Hoài Nhân

Đây là một status tui đăng trên Facebook và nhận được khá nhiều phản hồi thú vị từ bè bạn. Tui xin lược đăng lại một số ý tại đây để lưu giữ. Thân quý các bạn.

Thuần Nguyễn

Giấy chặm, mãi mãi là giấy chặm. Con cháu tui sinh ra sau đời 1975, F đầu hay F nào, tui cũng dạy tụi nó phương ngữ miền Nam, giấy chặm. Tui nhớ tui xài hao giấy chặm lắm , chừng hết một mặt là bỏ. Bạn tui thì xài cả hai mặt, xài cho đến khi nào tờ giấy chặm mềm èo rã rời vì đốm mực chằng chịt thì mới chịu bỏ.

Phuong Kim Ngoc Huynh

Giấy chặm này tui từng xài nè. Có khi xếp đôi lại vì mới vô xài góc xéo bìa thôi. Từ từ nó lem cái xếp đôi. Ừa mà nhớ lúc nhỏ bạn hỏi mượn, xé ra làm hai cho phân nửa miếng chặm. Hồi mới bắt đầu biết xài, nhớ mắc cười là cứ hễ viết một chữ chặm liền một cái, được cô giáo dạy lại chặm cho đúng. Trời ơi, tay mực lem quằn quện thấy ghê! Tại người ta thảo và thương bạn mờ. Hồi nhỏ vậy á.

Qui Nguyen

Tờ giấy này xài hồi học tiểu học. Nghèo thì lấy cục phấn viết bảng mà chậm. Lên đệ thất, ít hs dùng hơn vì không xài bút lá tre chấm mực nữa, mà xài bút máy Pilot, Paker...

Lý Nguyệt Liêm

Hồi còn cấp 1 năm nào mình cũng xài; nhưng khi in đầy màu mực xanh khắp trang màu hồng thì bỏ; không giữ lại; bây giờ Nhân nhắc lại cảm thấy tuổi thơ quay về nhớ nhớ nhớ …

Trang Luong

Tờ này lúc mua nó cũng lớn cỡ cuốn vở, xong tui cắt ra một nửa để dành. Nhìn cái bàn học của Pháp y chang thời tui đi học, thương ghê!

Phạm Hoài Nhân

Có khi hết hay quên đem theo giấy chậm phải xin bạn, nó xé cho miếng lớn hay nhỏ (hay không cho) là tùy lòng hảo tâm.

Trang Luong

Đúng rồi, có khi tui xin, nó cho tui miếng cỡ con tem

ViLy Tran

Hồi học lớp 11C mình có 1 bạn ngồi cạnh đồng thời bạn này cũng ở nhờ nhà mình để đi học (nhà bạn ở xã). Hôm lớp có giờ kiểm tra Sử 1 tiết, trước ngày bạn ấy cứ hối mình ôn bài để làm KT, chiều hẹn tối, tối hẹn sáng sớm mà bạn ấy không thấy mình ôn 1 chữ nào. Đến tiết thứ 3 là giờ KT bạn ấy làm bài và dùng giấy chặm giả bộ chặm mực không cho mình copy 1 chữ nào (cho bỏ tức vì khi bạn học thấy mồ còn mình bên cạnh ngáy ò ó o o). Nhưng khi phát bài mình được 9 đ còn bạn ấy chỉ được 7 đ, bạn ấy ngạc nhiên ( không thấy mình quay tài liệu) và mượn bài mình đọc và biết cô không chấm nhầm. Mình lòe "giờ chơi tao đọc qua là thuộc luôn 3 bài". Nó không ngờ mình qua lớp A hỏi cô Sử cho câu gì? (lớp A KT tiết 1, tiết 2 giờ chính trị 3 lớp ACD học chung, mình ngồi cuối hội trường học đúng 1 câu liên quan đến 3 bài và trúng tủ )

...hehe... và mãi nhớ tờ giấy chậm của nó.

Viet Hung Mai

Hồi "trào" nước ngọt "Xá Xị Con Cọp" ... (loại chai hỏa tiễn) ... của hãng BGI ... (hồi 1959-60) .... Hãng đã có "chiêu quảng cáo" mà hồi đó học trò đứa nào cũng ... ham ... Họ phát tặng phẩm trong ngày bãi trường cho học sinh ... mỗi phần là 5 cuốn tập có logo các loại sản phẩm của BGI ... (trừ ... bia) ... kèm theo 5 tờ giấy chậm màu .. hường ... có in hình một cô gái chỉ ngón tay về phía chai nước ngọt Xá Xị ... ở mặt trước ... cùng với nhãn hiệu con Cọp ... ngủ trong khung ... Cái đáng nói là phía sau của tờ giấy chậm đó có bài ... thi ... như vầy ...

"Các cô cậu học sinh ...
Muốn khỏe mạnh thông minh ...
Uống Xá Xị con Cọp ...
Tinh khiết và vệ sinh .....
Uống Xá Xị con Cọp ...
Sáng trí và mạnh .. gân ...
Uống Xá Xị con Cọp ...
Sáng suốt và tươi xinh ..."

Loại giấy chậm nói trên in rất đẹp ... (theo thời đó) .... thành ra khi được cho ... ít ai dám xài ....

Ngoài ra ... giấy chậm bán trên thị trường hồi thập niên 1960s còn in những chuyện như Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn ... Đôi Hia Bảy Dặm ...v..v... Chuyện Bạch Tuyết thì có câu đố như vầy ....

"Rừng xanh ... cảnh vật rất bao la ...
Làm cho Bạch Tuyết lạc lối ra ...
Gặp bảy thằng lùn đang múa hát ...
Trong đi ... ngóng lại ... chỉ còn năm ...

Đố bạn kiếm được hai thằng lùn còn lại .... v..v....

Nói tóm lại là hồi xưa đi học có nhiều cái để nhớ hơn bây giờ ....

Viet Hung Mai

Thêm một điều nữa ...

Hồi đó cũng có tiếng "giấy thấm" rồi ... do các thầy / cô giáo di cư mang vào ... Họ gọi theo một dụng cụ văn phòng mà tuổi học sinh không xài ... Miền Nam kêu là "cái bàn lăn mực" ... còn họ kêu là "bàn thấm" ...

Đó là một vật làm theo kiểu "lật đật có gù" ... bình thường thì cũng nằm thăng bằng ... nhưng khi dùng thì cầm cục "gù" .... đặt lên chỗ chữ viết ... nghiêng trái nghiêng phải cho thấm mực ...

Hồi đó thấy ông Hiệu trưởng hay xài vật này ... nhứt là những khi ký Bảng Danh Dự hàng tháng hoặc Học Bạ ... (Thành Tích Biểu) ... cuối niên khóa .... Vì khi đó ông xài viết chuyên dùng để ký tên .... thấm nhiều mực nên sợ ... lem ....

Quan Tang

Tui có thấy tờ giấy nầy của ông anh học trường Việt, nhưng chưa từng xài.

Tui học trường tàu từ lớp mẫu giáo. Cấp tiểu học thì chỉ xài viết chì.

Lên sơ trung thì xài viết bơm.

Từ lớp 1, mỗi tối phải luyện THƯ PHÁP, xài viết lông lớn và nhỏ, để luyện 2 loại thư pháp. Mực thì phải mài mỗi đêm từ thỏi mực và cái chén đá hiệu con gà. Viết xong thì cườm tay dính đầy mực.

Lên đệ Tam 1974-75 thì chuyển sang trường việt, xài viết Bic.

Rồi 75-76 được … phân phối vô trường NỮ trung học, để cho có nam sinh.

Tại đây tui có thấy cái … bình mực, cây viết và thỏi phấn dùng để lăn mực có lẽ là duy nhất còn có người xài, của cô nàng lớp trưởng.

Đồng thời tui còn thấy có một cô trong lớp, cũng xài nó, nhưng viết có ngòi bằng, không phải nhọn, dùng để viết chữ kiểu GÔ TÍC trên mấy tờ giấy khen, cũng xài phấn lăn mà thôi.

Minh Nguyen

Tờ giấy chậm mực, đối với mình còn là giấy … chặn.

Hồi trước mình rộng rãi lắm, làm bài cho bạn cọp búa lua xua.

Tới chừng phát bài bạn nhiều điểm hơn mình, vì mình làm bôi xoả lung tung, bài bạn chép lại sạch trơn.

Khi 2 bài cùng sai một chỗ thì 2 đứa cùng bị phạt ăn trứng vịt - vậy có đáng buồn hông?
Vì vậy mình rút ra bài học viết tới đâu dùng giấy chậm ‘ chặn lại!

Mặc cho bạn đá giò mình dưới bàn cũng dứt khoát không cho!

Nguyễn Hương

Hihi giấy chặm ngoài dùng chặm mực khi viết em còn dùng nó đề lau ngòi viết nữa mà ....hì,hì khi tờ giấy bị xài quá nhiều lắm nhiều mực thì em dùng nó để lau bình mực , lau vét miệng bình cho khô sạch....và thích thú khi thấy tờ giấy mới , em viết một hàng chữ dài khi thì chữ thường khi thì chữ hoa đủ kiểu rồi chặm giấy lên , thích thú nhìn những dòng ( nét ) chữ in ngược..rồi nhìn theo đó em tập viết chữ ngược ( nắn nót cho đẹp )

Cám ơn anh đã nhắc về ấu thơ

Thien Cac NT

Con cũng gọi là giấy chậm, nhưng thực ra nó chỉ đúng về mặt bản chất, còn về hình thức thì khác.

Lớp tụi con may mắn có đứa bạn cha mẹ làm dược sĩ (tiếp xúc với đồ thí nghiệm), thế là tụi con mấy đứa thân thân với nhỏ đó được tặng 1 miếng "giấy lọc" dùng để lọc hóa chất trong PTN, đẹp lắm, nó màu trắng tinh, hình tròn, đường kính cỡ 10cm. Giấy này dùng để chậm mực rất tốt và rất xinh xắn . Khi nào bị mất hoặc hết thấm nữa thì lại xin nó tờ khác.

Thien Cac NT

Bổ sung: trước khi được xài giấy lọc thì đa số dùng cục phấn trắng để lăn thấm mực. Không có giấy chậm của Tây, ai có là chắc của hồi môn thời tây để lại ha chú?

Phạm Hoài Nhân

Không, giấy đó là hàng Việt Nam, rẻ tiền mà. Hồi xưa thiếu gì! Chỉ có điều tờ giấy chặm đó nó thường quá nên chẳng ai chụp hình lưu lại, bây giờ tìm không thấy hình. Chú bèn tìm thử trên website của Pháp... thì thấy, nên lấy ra để minh họa thôi.

Ng Hoang

Tay tui hay ra mồ hôi ướt nhẹp hà, nên trong cặp tui lúc nào cũng nhiều thứ này hơn các bạn khác. Huhuhu.

Phạm Hoài Nhân

Vậy ra nó còn có công dụng này nữa!

Ng Hoang

Tui thường xài hai tờ, một tờ thấm mực, tờ lót tay!!!

Le Van Quy

Tờ giấy chặm, ngày xưa có hai cách để thấm mực khi viết đó là dùng giấy chặm hay cục phấn.


PHN tổng hợp

2 nhận xét:

  1. "tờ giấy chặm còn in rành rành những dòng chữ, kính gửi ông Bằng thanh tra mật thám ..." hồi còn nhỏ nghe tuồng Bạch Hải Đường cứ thắc mắc

    Trả lờiXóa
  2. "Tờ giấy chậm còn in rành rành những dòng chữ ..." hồi nhỏ nghe tuồng Bạch Hải Đường không biết giấy chặm, cảm ơn tác giả bài viết.

    Trả lờiXóa