17 thg 4, 2025

Cù lao Phố trong bộ tiểu thuyết võ hiệp lịch sử

Rất nhiều người biết bài hát Đắp mộ cuộc tình.

Một số ít người hơn biết tác giả bài hát này là nhạc sĩ Vũ Thanh.

Ít người hơn nữa biết rằng Vũ Thanh còn là một nhà văn với một số tác phẩm khá nổi tiếng. Một trong số đó là bộ trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt, gồm 3 phần Én liệng Truông Mây, Nhất thống sơn hà Gia Định tam hùng.

Tác giả Vũ Thanh ký tặng sách ở TPHCM. Ảnh: Vũ Thanh

Bộ 4 quyển Én liệng Truông Mây

Lại càng ít người hơn nữa đã từng đọc bộ tiểu thuyết này để biết rằng trong đó Cù lao Phố Biên Hòa được nhắc đến rất nhiều như một bối cảnh quan trọng của câu chuyện lịch sử mang đậm màu sắc võ hiệp kỳ tình.

Trước khi nói đến sự xuất hiện Cù lao Phố trong bộ tiểu thuyết võ hiệp này, xin được nói qua về Vũ Thanh và tác phẩm của ông.

Vũ Thanh tên thật là Võ Thanh Quang, sinh năm 1956 tại huyện Tuy Phước, Bình Định. Hiện ông định cư tại tiểu bang Florida - Hoa Kỳ. Bài Đắp mộ cuộc tình được ông sáng tác năm 2006, phỏng theo một đoạn thơ của chính ông trong bản trường ca Quy Nhơn Đôi mắt người xưa, tuy nhiên mãi đến năm 2017 mới nổi tiếng ở Việt Nam và được người người nhà nhà cùng hát như ta đã biết. Vũ Thanh cũng là cha của ca sĩ hải ngoại nổi tiếng Quốc Khanh.

Vũ Thanh (người mặc áo vest đen) trong lễ ra mắt trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn tam kiệt tại TPHCM. Ảnh:Vũ Thanh

Tây Sơn Tam Kiệt của Vũ Thanh là bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp lịch sử gồm ba phần: Én Liệng Truông Mây (1738 - 1770), Nhất Thống Sơn Hà (1770 - 1792), Gia Định Tam Hùng (1792 - 1802) kéo dài suốt giai đoạn lịch sử nước nhà từ năm 1738 đến 1802, tức giai đoạn cuối thời Nam – Bắc phân tranh đời Hậu Lê, với Chúa Trịnh Giang ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, rồi nhà Tây Sơn thống nhất đất nước cho đến khi Gia Long lên ngôi.

Trong Lời mở đầu của tác phẩm, tác giả tâm sự:

"Là người con của quê hương Bình Định đang lưu lạc xứ người, giở lại trang sử xưa, chúng tôi mong mỏi xới tìm những viên ngọc bỏ sót đã bị vùi lấp, đánh bóng lên, trả ánh sáng huy hoàng xưa cho họ. Việc làm này vừa như để vơi đi niềm trắc ẩn, vừa như để mua vui cho độc giả, nhất là lớp độc giả trẻ của nước nhà".

Dưới dạng tiểu thuyết võ hiệp, qua ngòi bút của Vũ Thanh chúng ta sẽ tìm thấy ở đây những tinh hoa và nét đặc thù của võ thuật Đại Việt qua những trận đấu võ kinh thiên của các hiệp sĩ Việt với các cao thủ Thiếu Lâm Trung Hoa, những võ sĩ cung đình Xiêm La, và các kiếm khách xứ Phù Tang - Nhật Bản. Tác phẩm cũng kể lại những thủ đoạn chính trị, những mưu lược quân sự của người xưa cùng những huyền thoại nước nhà được sống lại một cách hào hùng xuyên suốt tác phẩm. Và cũng không thể thiếu những mối tình lãng mạn hay ngang trái giữa thời buổi loạn ly.

Bộ 4 quyển Nhất thống sơn hà

Phần 1 của bộ trường thiên tiểu thuyết là Én liệng Truông Mây gồm 4 tập, được NXB Trẻ (TPHCM) xuất bản năm 2014. Phần 2 là Nhất thống sơn hà cũng gồm 4 tập lại được xuất bản bên Mỹ, phát hành qua Amazon năm 2016. Đến năm 2017, NXB Hội Nhà Văn (Việt Nam) tái bản tại Việt Nam cùng lúc 2 phần với 8 tập sách. Riêng phần 3, Gia Định tam hùng, cho đến nay chưa được xuất bản, có lẽ tác giả vẫn chưa viết xong. 

Điều thú vị là trong bốn tập của tiểu thuyết Én liệng Truông Mây, địa danh Cù lao Phố (còn gọi là Nông Nại Đại Phố hay Giản Phố) xuất hiện khá nhiều lần với vai trò là một trung tâm thương mại lớn, cũng như là nơi diễn ra những biến cố lịch sử quan trọng.

Nhà văn Vũ Thanh giao lưu cùng sinh viên Đại học Qui Nhơn. Ảnh: Vũ Thanh

Trọn 2 chương 10 và 11 của tập 1 Truyền quốc Ô Long đao là những diễn biến xảy ra ở Cù lao Phố. Nơi đây được mô tả là do Trần Thượng Xuyên khai phá thành trung tâm giao thương sầm uất, thu hút cả thương nhân Hoa kiều, người Việt, người Nhật... Thời điểm trong truyện khoảng 1750, Cù lao Phố bấy giờ là chốn kinh kỳ, phồn hoa đô hội, có nhiều tửu lầu, trà đình, hiệu buôn và cùng với đó là nơi tụ họp các đại gia và các cao thủ võ lâm tứ xứ.

Những buổi tìm về nguồn cội và hội ngộ cao tăng ở chùa Đại Giác, Long Thiền; những tiệc rượu ở tửu lầu bên dòng Đồng Nai; những cuộc tỉ thí kinh thiên động địa... được tác giả mô tả hết sức sinh động, hấp dẫn.

Hãy cứ tưởng tượng ta đang đọc một bộ kiếm hiệp Kim Dung nhưng ở đây không phải chùa Thiếu Lâm, sông Dương Tử hay núi Hoa Sơn mà là chùa Đại Giác, sông Đồng Nai, núi Châu Thới... Thú vị không?

Hiện giờ bộ sách Én lượn Truông Mây có sẵn trên mạng. Bạn có thể đọc online tại đây: Én liệng Truông Mây. Tập 1: Truyền quốc Ô Long đao


Hoặc nghe audio tại đây:


Ở đây chỉ xin nhá hàng một chút xíu, đoạn tả cảnh một tửu lầu ở Cù lao Phố. Giải thích một chút: Văn Hiến ở đây là Trương văn Hiến, người sau này sẽ là giáo Hiến, thầy dạy võ của 3 anh em Tây Sơn.

Hồi thứ Mười
Thuyền buôn tấp nập về Giản Phố
Trăng rằm sóng sánh rượu mỹ nhân.

(Trích)

Gần cuối đường phố Sa Hà là chiếc cầu ván bắc qua sông để thông thương với khu vực Trấn Biên. Cầu rộng chừng một trượng (4m), xây dựng chắc chắn với rất nhiều chân gỗ lớn, hai bên có thành. Miền Nam là nơi sông nước chằng chịt nên ít người sử dụng ngựa làm phương tiện đi lại như miền ngoài kia. Họ chủ yếu dùng thuyền. Tuy vậy, xe ngựa và người cưỡi ngựa qua lại trên cầu cũng khá đông.

Qua khỏi phố Sa Hà là một khoảng trống thiên nhiên có bàn tay con người chăm sóc nên phong cảnh rất trau chuốt cầu kì. Một bên là sông nước, một bên là rừng cây thiên nhiên với nhiều loại hoa đủ màu sắc. Con đường dọc bờ sông cũng lát đá trắng như trong phố chính. Người ta đặt thêm những chiếc ghế đá cách khoảng để du khách tiện ngồi nghỉ chân. Đi một đoạn nữa thì đến Vọng Nguyệt Đình. Có một ngôi nhà thủy tạ lớn với kiến trúc theo lối Trung Hoa, dạng đình bát giác, mái cong màu xanh, cột trụ màu đỏ. Lúc ấy tửu khách đã ngồi chật các bàn, tiếng nói cười vang lên tới trên bờ. Kế tiếp là một dãy dài hàng mấy chục ngôi đình nhỏ hình thức giống đình bát giác lớn, được cất trên mặt sông. Giữa đình nhỏ có đặt một bàn và bốn chiếc ghế để cho khách ngồi lúc còn nắng hay khi trời mưa. Chung quanh là một hành lang rộng có thể để được bàn và ghế ngồi. Phía ngoài có một chiếc cầu nối ra mặt nước, cuối chiếc cầu là một sàn bát giác lộ thiên, có thành vịn để khách uống rượu ngắm trăng hay hóng gió. Những đình bát giác nhỏ này dành cho những khách có tiền vì giá phục vụ ở đây cao hơn so với ở trong ngôi đình lớn ở đầu dãy. Khung cảnh ở đây sang trọng và đẹp hơn bên Thướng Nguyệt Lâu, có lẽ vì nó mới được xây dựng và chủ nhân đầu tư có tính qui mô và nghệ thuật hơn.

Bóng hoàng hôn vừa buông xuống, các ngôi đình đã có khách đến uống rượu chờ trăng lên. Khách ở đây thuộc đủ hạng người, có người ngoại quốc vừa uống rượu vừa nói cười xí xô, có người địa phương và cả khách ở xa đến. Vì nơi đây thuộc bờ tây bắc Sa Hà, trên bờ lại có rừng cây nên lúc trăng vừa nhú, khách chưa thể thấy ngay được mà phải chờ một khắc sau mới nhìn thấy mặt trăng lên. Có lẽ do sự trông ngóng chờ đợi đó mà chủ nhân đặt cho nơi đây cái tên Vọng Nguyệt. Đình lớn nhỏ không đều nhau để cho khách đi nhiều hay ít người có thể chọn. Vào giờ này chỉ còn trống hai gian ở cuối cùng, Hữu Dụng và Văn Hiến định vào gian cuối nhưng cô phục vụ mặc y phục kiểu người Hoa cúi đầu thưa:
  • Quí khách thông cảm cho, gian cuối đã có người đặt từ trước rồi ạ. Xin hai vị vào gian kế này vậy. Mong thứ lỗi.
Hữu Dụng vui vẻ nói:
  • Không sao. Chúng tôi ngồi ở đâu cũng được.
Họ vào gian đình áp cuối. Cô phục vụ lễ phép hỏi:
  • Quí khách dùng chi ạ?
Hữu Dụng hỏi Văn Hiến:
  • Công tử muốn uống rượu gì?
  • Tối qua đã uống Trạng nguyên hồng Thiệu Hưng. Đêm nay thử uống Phần tửu Sơn Tây xem sao.
Cô phục vụ nhoẻn miệng cười rất xinh:
  • Công tử thật sành rượu Trung Hoa. Chúng em ở đây có Phần tửu nguyên gốc từ Sơn Tây mang đến. Rượu đã hơn mười lăm năm rồi đấy ạ.
  • Cô có thể cho chúng tôi biết đặc điểm của loại Phần tửu này không?
  • Dạ tất nhiên là được chứ ạ. Loại Phần tửu của chúng em ở đây được sảnxuất đặc biệt bằng cao lương ở Hạnh Hoa thôn với nước suối Cam Tuyền. Chỉ có hai loại nguyên liệu này kết hợp lại mới có thể cho ra loại Phần tửu ngon nhất. Khác đi thì hương vị rượu sẽ kém rất nhiều ạ.
Tiếng nói thanh thanh, lơ lớ lai giọng Hoa của cô phục nghe ngồ ngộ. Cô lại có thói quen dùng tiếng ạ ở cuối câu thật dễ thương. Văn Hiến mỉm cười nói:
  • Cảm ơn cô. Cho chúng tôi một bình Phần tửu và hai cân thịt nai nấu kiểu Cù lao Phố.
Cô gái tròn xoe đôi mắt ngạc nhiên hỏi:
  • Nai nấu kiểu Cù lao Phố là sao ạ?
  • Là nấu kiểu nhà hàng ở Cù lao Phố. Kiểu Vọng Nguyệt Đình đó ạ.
Cô gái vỡ lẽ, che miệng cười, tiếng cười trong trẻo vui tai:
  • Công tử khéo đùa thật. Vậy là công tử cho phép nhà bếp Vọng Nguyệt Đình muốn nấu sao tùy ý phải không ạ?
  • Đúng rồi đó ạ.
  • Công tử đừng có nhại em nữa được không ạ?
Nói xong cô e thẹn cúi đầu chào rồi thoăn thoắt đi về phía nhà hàng chính. Màn đêm buông xuống, mặt trăng đã lên phía bên kia ngọn cây, bầu trời có một màu đen nhạt vì hơi nước trên sông bốc lên. Chiếc đèn lồng treo trong gian đình đung đưa theo gió sông nhè nhẹ, phát ra những vùng sáng chập chờn. Lúc cô phục vụ mang rượu và thức ăn đến bày ra bàn xong thì trên bờ có một đoàn người cũng vừa đến, họ vào gian đình cuối cùng. Cô phục vụ nói:
  • Quí khách thấy đó, họ là những người đã đặt chỗ từ trước. Giờ thì em an tâm là công tử không nghĩ em đã nói xạo rồi ạ.
Văn Hiến mỉm cười:
  • Tôi nào dám nghĩ cô nói xạo. Họ có vẻ là những người quyền thế ở đây cô nhỉ? Coi cách tiền hô hậu ủng của họ thì đủ biết.
  • Dạ. Có lẽ thế ạ. Em nghe họ có nhắc tới cô công chúa nào đó.
Văn Hiến và Hữu Dụng nhìn nhau. Chàng hỏi:
  • Công chúa à? Của nước nào vậy?
  • Dạ em không biết ạ. Mời quí khách thưởng thức rượu ngon và món nainấu kiểu Vọng Nguyệt Đình ạ.
Cô nói xong nhoẻn miệng cười và cúi đầu chào rồi trở vô. Văn Hiến rót rượu ra chung:
  • Mời chú! Uống mừng sức khỏe của chú và lần đến Cù lao Phố đầu tiêncủa cháu.
Hữu Dụng nâng chung uống cạn. Văn Hiến cũng uống cạn rồi rót tiếp chung thứ hai. Hữu Dụng đưa mắt nhìn sang gian đình kế bên, khoảng cách giữa hai gian đình chừng ba trượng, trăng còn chưa lên cao nên không thấy rõ lắm. Chỉ thấp thoáng bóng một người phụ nữ ngồi ngoài sàn lộ thiên, phía sau là hai người phụ nữ đứng hầu cận. Trên bờ có mấy người đàn ông đứng nghiêm và im lặng trong bóng tối. Hữu Dụng nói:
  • Đoán chừng là nàng bạch y công chúa hôm nọ. Nếu đúng thì quả là thiên hạ nhỏ và hẹp vô cùng.
  • Thật vậy!
  • Hình như công tử đã gặp nàng ta ngoài Hội An rồi phải không?
  • Vâng. Còn giao đấu chí chết với nhau nữa đấy.
  • Vậy à? Vì sao?
Chàng bèn kể sơ qua chuyện ở quán Cao Lầu. Hữu Dụng nghe xong nói:
  • Thảo nào nàng chẳng giận công tử và ra tay đánh không thương tiếc lúc công tử chữa thương trong động đá.
Trăng đã lên cao khỏi những đọt cây, chiếu ánh sáng bàng bạc khắp nơi. Nhìn xa xa, bóng người lố nhố trên chiếc cầu ván bắt qua Sa Hà. Hữu Dụng chỉ tay về phía cầu nói:
  • Đặc biệt ở đây, mỗi khi đến rằm tháng tám mọi người đổ ra các bờ sông để ngắm trăng, uống rượu. Họ muốn nhìn mặt trăng lớn nhất trong năm. Cậu thấy không, đó là những người lao động nghèo. Họ không có tiền vào quán nên cùng nhau uống rượu ngắm trăng trên cầu và nơi những chiếc ghế đá.
(Hết trích)

Phạm Hoài Nhân

16 thg 4, 2025

Lò Lu ở Tương Bình Hiệp

Lò lu Đại Hưng ở Tương Bình Hiệp

Hình trên là tui, chụp tại lò lu Đại Hưng, trên đường Lò Lu ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một - tức là có một làng nghề làm lu ở đây. Vậy mà tìm trên Google hoặc hỏi các AI như ChatGPT, Gemini về các làng nghề ở Tương Bình Hiệp, Thủ Dầu Một, Bình Dương, tụi nó lại giới thiệu ngay đến làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Thậm chí, khi được hỏi rằng có làng nghề gốm ở Tương Bình Hiệp hay không, Gemini đã trả lời như sau:

Không, Tương Bình Hiệp không nổi tiếng với làng nghề gốm theo nghĩa là một làng nghề quy mô lớn và đặc trưng như sơn mài. Làng nghề truyền thống chủ đạo, nổi tiếng và được biết đến rộng rãi nhất của phường Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một) là làng nghề sơn mài.

14 thg 4, 2025

Một Buổi Sáng Trên Núi Bình Điện

Sáng sớm chủ nhật, lòng tôi nặng trĩu những nỗi buồn không tên. Cuộc sống dạo này cứ trôi đều đều như một đoạn nhạc không lời – yên ắng, lặng thinh và... thiếu một điểm nhấn. Tôi quyết định lên núi Bình Điện ở Bửu Long cho khuây khỏa. Không khí ở đó luôn trong lành, mùi cây cỏ ngai ngái trộn lẫn tiếng gió vi vu qua từng tán lá cổ thụ khiến lòng người dịu lại.


13 thg 4, 2025

Tĩnh mịch đình thần Tương Bình Hiệp

Đình thần Tương Bình Hiệp, tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh do UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định công nhận số 2068/QĐ-UBND, ngày 15/8/2023. Đây là một công trình kiến trúc cổ kính, mang đậm nét văn hóa truyền thống Nam Bộ.

9 thg 4, 2025

Chuyện về đình Bến Thế

Đình Tân An - người dân thường gọi là đình Bến Thế - là một ngôi đình nổi tiếng ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Có rất nhiều bài viết về ngôi đình này (tui cũng có viết), bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Xin được nhắc sơ qua chút xíu trước khi nói qua câu chuyện tui muốn kể bữa nay.

Đình Tân An tọa lạc tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một được xây dựng từ năm 1820. Người dân gọi là đình Bến Thế vì gần sông, chợ Bến Thế. Qua hơn hai thế kỷ, đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền Nam bộ và được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2014.

Khuôn viên đình thoáng mát với nhiều cây cổ thụ. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

7 thg 4, 2025

Tự nhận mình ngu có khi là cách làm thông minh khi trò chuyện với AI

Ở nước ngoài có series sách tựa là ... for Dummies, như English Grammar For Dummies, Google for Dummies... Nôm na là Sách cho mấy đứa ngu đần. Đặt tựa kiểu này mà bán ở Việt Nam thì ế là cái chắc, vì ở Việt Nam đâu có ai nhận là mình ngu mà mua mấy cuốn đó?


Thật ra ở nước ngoài đây là series sách bán rất chạy, vì nó... dễ hiểu. Ngu cũng hiểu được mà! Nếu cứ tự cho là mình thông minh, đọc những sách viết theo phong cách cao siêu thì có khi đọc xong chẳng hiểu gì hết trơn, cho bỏ cái tật ngạo nghễ!

6 thg 4, 2025

Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp ở Long Hồ dinh

Lâu nay tui không biết gì nhiều về Quốc công Tống Phước Hiệp, ngoại trừ việc đọc các tài liệu lịch sử có khi thấy nhắc tới ông là một vị tướng thời chúa Nguyễn. Đọc qua rồi quên luôn cùng với nhiều nhân vật lịch sử thời kỳ ấy. Có khi lang thang trên mạng, đôi ba lần vô website mang tên Tống Phước Hiệp và biết đó là trang (không chỉ một trang) của cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long. Rồi cũng lướt qua, không biết rõ tiểu sử, công trạng của người mang tên Tống Phước Hiệp.

Mới đây, tui lại gặp ngài Tống Phước Hiệp. Lần này không phải trên website hay tài liệu lịch sử, mà ở... trong chùa. Ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi uy nghi nhất Vĩnh Long có phối thờ ngài Tống Phước hiệp trong chùa, có cả bệ thờ trang trọng.

Quốc công Tống Phước Hiệp được phối thờ trong chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

4 thg 4, 2025

Những ấn tượng ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long

Vừa qua khỏi cầu Mỹ Thuận bạn đã thấy thấp thoáng từ xa bên trái là ngôi tháp cao của chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Diện tích khuôn viên chùa đến hơn 17.000 m² cùng với kiến trúc bề thế khiến cho một số website du lịch gọi đây giống như một cổ trấn.

Cổng tam quan chùa rất uy nghiêm, bề thế. Hai cột đá rồng lớn ở Cổng Tam Quan được đúc bằng đá granite nguyên khối, cao 9 mét, chiều ngang 1,5 mét, dày 7 tấc. Ảnh: Vĩnh Long Tourist

1 thg 4, 2025

Phật Ngọc Xá Lợi - ngôi chùa ở Vĩnh Long xây dựng suốt nửa thế kỷ

Cũng đã khá lâu tui mới có dịp ghé vô Vĩnh Long, gần 10 năm. Là ghé vô, chớ còn đi ngang qua thì đi hoài. Lần này đi Vĩnh Long, tui ngạc nhiên thấy nơi đây có một ngôi chùa thật lớn mà trước nay mình chưa hề biết.

Từ Sài Gòn đi Cần Thơ theo cao tốc, qua cầu Mỹ Thuận đi thẳng ta sẽ thẳng tiến Cần Thơ, nhưng nếu quẹo trái (quốc lộ 1) thì vừa quẹo ta sẽ thấy ngay bên tay phải là ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi với tháp Xá Lơi cao vút.