Từ Sài Gòn đi Cần Thơ theo cao tốc, qua cầu Mỹ Thuận đi thẳng ta sẽ thẳng tiến Cần Thơ, nhưng nếu quẹo trái (quốc lộ 1) thì vừa quẹo ta sẽ thấy ngay bên tay phải là ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi với tháp Xá Lơi cao vút.
Kỳ thiệt, ngôi chùa này được khởi công xây dựng từ năm... 1972, nhưng lâu nay người dân và du khách không biết tới mãi cho đến khi ngôi chánh điện và ngôi Bảo tháp Xá lợi Phật hoàn thành thì nhiều người mới biết đến ngôi chùa này. Vị chi gần nửa thế kỷ!
Chúng ta hãy cùng đọc Văn bia lược sử chùa Phật Ngọc Xá Lợi (được đặt trong chùa) để biết quá trình hình thành chùa nhé.
Văn bia Lược sử chùa Phật Ngọc Xá Lợi trong khuôn viên chùa. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
VĂN BIA LƯỢC SỬ
CHÙA PHẬT NGỌC XÁ LỢI VĨNH LONG
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
- Vĩnh Long, một vùng đất địa linh nhân kiệt, sản sinh ra rất nhiều những vị anh hùng của dân tộc, những nhà lãnh đạo tài ba của đất nước, những bậc cao Tăng thạc đức duy trì mạng mạch Phật Pháp, đã trải qua biết bao thăng trầm và gắn liền với thế cuộc thịnh suy của dân tộc. Những công trình mang tầm vóc lịch sử của vùng, miền, trong đó, cần phải nhắc đến Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây hiện tọa lạc ngay vị trí chân cầu Mỹ Thuận, cửa ngõ vào các tỉnh miền Tây.
- Vào năm 1963, một phái đoàn Phật giáo Nguyên Thủy do Đại đức Narada người Tích Lan làm trưởng đoàn đến Vĩnh Long trao 3 viên XÁ LỢI PHẬT thỉnh từ Nepal Ấn Độ tặng cho Hội Phật Học Nam Việt Vĩnh Long. Và từ đó cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa - Viện Trưởng Viện Hóa Đạo lúc bấy giờ khởi xướng cho Hội mua 3 héc ta đất để xây cất Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây tôn trí và phụng thờ Xá Lợi Phật nhằm tạo dựng một thánh địa linh thiêng tại vùng đất này và cũng để Tăng, Ni, tín đồ Phật tử trở về đảnh lễ, chiêm bái, thể hiện lòng tôn kính đến bậc Đạo sư của ba cõi.
- Qua 7 năm sau, vào năm 1970 Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây được tiến hành khởi công xây dựng với tất cả lòng hoan hỷ của Chư Tông Ni, lãnh đạo chính quyền cùng thiện tín gần xa. Nhằm ổn định và phân công nhân sự chịu trách nhiệm xây dựng Ngôi Bảo Tháp nên vào ngày 20/03/1971, Ủy ban Xây cất Bảo tháp được thành lập.
- Ngày Rằm tháng Tư năm Tân Hợi, PL.2515 buổi lễ khởi công đóng cây cừ bê tông cốt thép đầu tiên đặt nền móng cho Ngôi Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây.
- Đến năm 2008, được quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Long giao cấp lại cho Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long 17.322,6 m² đất tại khu bảo tháp Xá Lợi Miền Tây cũ, lúc đó do Cố Hòa thượng Thích Đắc Pháp, Nguyên Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đảm nhận và Hòa Thượng đã sáng lập đặt tên hiệu CHÙA PHẬT NGỌC XÁ LỢI VĨNH LONG.
- Đến năm 2010 Đại Lễ Đặt đá xây dựng chùa được tiến hành với sự chứng minh và tham dự của Chư Tôn Giáo phẩm lãnh đạo TW GHPGVN, Chư Tôn Đức Ban Trị sự Phật Giáo các tỉnh, thành, quý lãnh đạo chính quyền các cấp và đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử cả nước. Với lòng thành kính nguyện cầu cho công trình sớm được thành tựu như ý nguyện và nơi đây sẽ là hải đảo tâm linh để biết bao người con Phật hướng về đảnh lễ, tu tập...
- Vào năm 2012, nguyện cầu mọi Phật sự sớm được thành tựu cũng như làm điểm tựa tâm linh cho thập phương bá tánh, Thượng tọa Thích Phước Hạnh khởi công xây dựng, tôn tạo kim thân Thánh Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm lộ thiên cao 26 mét được tôn trí và phụng thờ trong khuôn viên CHÙA như hiện nay.
- Đầu năm 2015, Thường Trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long đã ấn ký văn bản quyết định phó thác cho Thượng Tọa Thích Phước Hạnh - Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long làm Trưởng ban xây dựng. Chịu trách nhiệm vận động tài chính từ Tăng, Ni, Phật tử, doanh nghiệp khắp nơi cúng dường để xây dựng ngôi chánh điện và Bảo Tháp Xá Lợi Phật.
- Đến cuối năm 2018, ngôi chánh điện 1.813 m² và ngôi Bảo tháp Xá lợi Phật 9 tầng, cao 36 mét được hoàn thành và cũng từ đó được UBND tỉnh Vĩnh Long giao trên 2 héc ta đất từ quốc lộ 1A vào khu bảo tháp để xây dựng con đường dân sinh liên xã Tân Hòa và Tân Ngãi. Thượng tọa Thích Phước Hạnh tiếp tục tiến hành xây dựng con đường tráng nhựa, hầu làm phương tiện thông thương cho đồng bào Phật tử tới lui chiêm bái. Cổng Tam quan quy mô hoành tráng cũng được xây cất cặp quốc lộ 1A, hướng nhìn về cầu Mỹ Thuận, cây cầu lịch sử đầu tiên của nước Việt Nam.
- Đến cuối năm 2019, công trình cổng Tam quan & con đường dân sinh liên xã được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng.
- Qua năm 2019, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long chính thức bổ nhiệm trụ trì lần thứ 1, nhiệm kỳ (2017-2022) TT Thích Phước Hạnh đương kim trụ trì và Ban Trụ trì Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long được thành lập gồm TT Thích Phước Hùng - Đại Đức Thích Thiện Tâm làm Phó Trụ trì.
- Năm 2020, tiến hành xây dựng Giảng pháp đường Thiện Hoa với sức chứa 500 ghế ngồi nghe pháp.
- Đến Nhiệm kỳ II (2022 - 2027), Thượng Tọa Thích Phước Hạnh tiếp tục tái nhiệm Trụ trì và Ban Trụ trì gồm TT Thích Thiện Tâm - Đại Đức Thích Tánh Bình làm Phó Trụ trì và một số Ủy viên.
- Năm 2023, chư Tăng Ni trong toàn tỉnh tiến hành xây dựng Văn phòng Ban trị sự.
- Chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long - Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây sẽ là Trung Tâm Văn hóa Phật Giáo tỉnh Vĩnh Long, một công trình mang đậm nét kiến trúc Việt Nam, một suối nguồn tâm linh cho hàng vạn tín đồ Phật tử trở về tu tập, đảnh lễ và chiêm bái.
- Kể từ khi tổng thể công trình CHÙA được hoàn thiện 70% thì nơi đây đã trở thành một địa danh văn hóa tâm linh nổi tiếng nơi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng. Song song đó, tất cả mọi công tác Phật sự của Giáo Hội tỉnh nhà cũng được tổ chức tại đây như Đại Hội Phật Giáo cấp tỉnh, Đại Giới Đàn, An Cư Kiết Hạ, Bồi dưỡng Trụ trì, Đại Lễ Phật Đản, Đại Lễ Vu Lan, Khóa Tu Thiền mỗi tháng... đều được diễn ra một cách trang nghiêm và trọng thể.
- Với biết bao lòng tín ngưỡng của quý Phật tử gần xa, vào những ngày Lễ Vía, hàng vạn người con Phật từ khắp mọi miền đất nước đều trở về dâng hương, lễ Phật với ước nguyện đất nước thái bình, nhân dân an lạc. Ngôi Chùa và Tháp kể từ đây sẽ là một dấu ấn đặc biệt của Vùng đất Vĩnh Long địa linh nhân kiệt, một di tích lịch sử Văn Hóa Phật Giáo gắn liền cùng với sự thịnh suy của dân tộc Việt Nam.
"PHẬT PHÁP HUY HOÀNG CHIẾU THÔNG BA CÕI
NGỌC ÁNH HÀO QUANG TỎA SÁNG MƯỜI PHƯƠNG
XÁ TỘI TIÊU KHIÊN CHÚNG SINH QUY NGƯỠNG
LỢI DÂN ÍCH QUỐC TAM GIỚI HÒA MINH
ĨNH THẾ LƯU TRUYỀN NHƯ LAI ĐẠI ĐẠO
LONG HƯNG VẠN KIẾP TỪ PHỤ CAO ÂM"
(Nhằm mùng tám tháng Chạp năm Quý Mão)
Sa Môn: Thích Phước Hạnh hiệu Vạn Thành
Cẩn bút.
Ta thấy văn bia được phụng lập ngày 18/1/2024, tức là cập nhật rất sát ngày tháng hiện tại và người viết là Thượng tọa trụ trì Thích Phước Hạnh, bảo đảm nội dung văn bia là chính thống.
Chánh diện chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Thế nhưng tới ngay sau thời điểm này (tháng Tư Âm lịch năm Tân Hợi 1971) thì nội dung văn bia nhảy vèo một cái tới tận... năm 2008, năm mà UBND tỉnh Vĩnh Long giao cấp lại cho Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long 17.322,6 m² đất tại khu bảo tháp Xá Lợi Miền Tây cũ.
Điều gì đã xảy ra từ năm 1971 đến 2008 (37 năm) với ngôi bảo tháp này mà có lẽ vì lý do gì đó mà văn bia không kể lại?
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát lộ Thiên cao 32 mét. Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Tui không phải dân Vĩnh Long cố cựu, cũng không quen biết chức sắc Phật giáo nào để biết tường tận sự việc, nhưng vì thắc mắc nên tìm hiểu và hỏi han nơi bạn tui là người sống nơi đây hơn 60 năm qua và ghi nhận lại vài thông tin như sau:
Sau lễ khởi công năm 1971, đến năm 1972 công trình xây dựng được một trệt hai lầu thì tạm dừng, phần vì hết kinh phí, phần do ảnh hưởng của chiến tranh. Tới 30/4/1975, coi như công việc xây dựng chấm dứt hoàn toàn.
Từ năm 1975 đến năm 2008, ngôi bảo tháp bị bỏ phế, chịu cảnh hoang tàn. Theo lời kể của bạn tui, không chỉ bị bỏ phế,công trình đang xây dang dở này còn bị đập phá vì là... công trình mê tín dị đoan,tàn dư của chế độ cũ (ai đập thì... tui không biết!). Không có gì chứng minh cho lời kể của bạn tui, nhưng chắc là... đúng!
Đến 2008, khi Phật giáo ở Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ với rất nhiều ngôi chùa to lớn được xây dựng khắp cả nước, UBND tỉnh Vĩnh Long mới cấp lại cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long 1,7 ha đất (mà trước đây là sở hữu của GHPG Vĩnh Long).
Đến năm 2010, lễ khởi công xây dựng chùa Phật Ngọc Xá Lợi tỉnh Vĩnh Long và Bảo Tháp Xá Lợi Phật được tiến hành, nhưng sau đó do ảnh hưởng sự suy thoái kinh tế chung nên hai nhà tài trợ chính không thực hiện được như tâm nguyện lúc ban đầu, công trình xây dựng lại tạm dừng. Thêm 05 năm nữa, công trình phải dang dở lần hai.
Đến đầu năm 2015, nối tiếp tâm huyết của thế hệ đi trước, cố Hòa Thượng Thích Đắc Pháp và giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long cùng với tăng ni và tín đồ phật tử đã tiến hành vận động để xây dựng tiếp tục công trình đến hiện nay.
Đoạn sau, từ 2015 đến nay văn bia kể rất chi tiết, xin không lặp lại ở đây.
Sau nửa thế kỷ, kết thúc có hậu là ngày nay Vĩnh Long có một ngôi chùa rất uy nghiêm, bề thế, vừa là chốn thanh tịnh đáp ứng nhu cầu tâm linh của Phật tử, vừa là điểm tham quan du lịch hấp dẫn cho mọi người.
Tui để dành những lời diễn tả về ngôi chùa này trong bài viết khác, nghen.
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét