Đình Tân An tọa lạc tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một được xây dựng từ năm 1820. Người dân gọi là đình Bến Thế vì gần sông, chợ Bến Thế. Qua hơn hai thế kỷ, đình vẫn giữ được nét kiến trúc cổ truyền Nam bộ và được công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2014.
Khuôn viên đình rộng rãi, thoáng mát với những cây cổ thụ tạo cảnh quan thanh tịnh, yên bình. Đặc biệt, cổng phụ của đình được bao phủ bởi cây đa cổ thụ trăm năm tuổi, rễ đâm xuyên qua vòm cổng tạo nên khung cảnh kỳ thú, độc đáo. Khung cảnh độc đáo này đã thu hút nhiều đoàn làm phim tới thực hiện những bộ phim cổ trang, cổ tích.
Cây đa bao phủ cổng đình
Hình như đây là một đoàn làm phim. 😃😃😃Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Giờ xin đi vô phần tui lăn tăn về đình Bến Thế.
Sao gọi là Bến Thế?
Bài viết của tác giả Đậu Ngọc Hải trên báo Bình Dương ngày 5/3/2016 viết: Đình Tân An còn có tên gọi dân gian là đình Bến Thế bởi nằm gần bến sông Bến Thế, bên cạnh đình còn có chợ Bến Thế nên người dân ở đây còn gọi là đình Bến Thế.
Chữ bến là bến sông thì nhất trí rồi, nhưng còn thế là gì?
Nhiều người cho rằng đúng ra là Bến Thuế, tức là bến sông nơi thu thuế. Do dân địa phương phát âm thuế thành thế mà ra Bến Thế.
Bài viết Tìm hiểu một vài địa danh ở Thủ Dầu Một và Bến Cát của thạc sĩ Nguyễn thị Kim Ánh trên tạp chí Khoa học Lịch sử Bình Dương tháng 4/2024 ghi nhận: Bến Thuế (Bến Thế) là bến ghe thuyền đậu trên sông Sài Gòn đoạn chảy qua phường Tân An (Tp.Thủ Dầu Một). Địa chí Sông Bé viết: “Từ thời Gia Long thấy ghi tuần An Lợi phía Bắc chợ Thủ Dầu Một nhằm thu thuế thuyền bè qua lại” nên có địa danh Bến Thuế nhưng dân địa phương đọc trại thành Bến Thế. Địa danh này còn là tên của đình Tân An (đình Bến Thế) thuộc phường Tân An (Tp.Thủ Dầu Một) ngày nay.
Tại sao đình Bến Thế thờ Quận công Nguyễn văn Thành?
Bước vào đình Bến Thế ta sẽ thấy ngay ở gian giữa trang trọng đặt tượng thờ Quận công Nguyễn văn Thành như hình sau.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
- Đình xây năm 1820, thời điểm ấy Nguyễn văn Thành vướng vào một vụ án lớn. Theo đó con ông là Nguyễn văn Thuyên bị kết tội phản nghịch phải xử chém, còn ông bị giam vào ngục và bị bức tử uống thuốc độc chết năm 1817, hưởng thọ 60 tuổi. Không thể nào ngôi đình được phép tôn thành thần một tội phạm của triều đình được.
- Thông thường, vị thần được thờ ở ngôi đình làng là thành hoàng làng, là người có công lớn với làng hoặc có gắn bó mật thiết với làng (qua nguồn gốc hay qua một sự kiện nào đó). Vậy do đâu đình Bến Thế thờ Nguyễn văn Thành? Ông có công lớn hay sự gắn bó đặc biệt gì với Tân An, Bến Thế? Tui có đọc một số sử liệu về ông, nhưng không biết nguyên do là gì.
Rồi tui đọc thấy thông tin sau đây của tác giả Đậu Ngọc Hải trên báo Bình Dương ngày 5/3/2016:
Vào ngày 19-11 năm Tự Đức thứ 21 (1869), vua Tự Đức ban sắc phong cho đình Tân An nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại Nhà thờ dòng họ Nguyễn (hiện là nhà ông Nguyễn Tri Quan). Theo sắc phong vua Tự Đức ban thì vị thần được thờ chính trong đình là Tiền quân cơ Nguyễn Văn Thành, một vị quan triều đình nhà Nguyễn, đại thần của vua Gia Long.
Cũng theo bài viết này, thuở mới lập đình ngôi đình này thờ Thành hoàng bổn cảnh, tức không có thờ nhân vật lịch sử nào.
Lần theo dòng lịch sử, án oan của Nguyễn văn Thành kéo dài đến nửa thế kỷ. Đến năm Mậu Thìn 1868, vua Tự Đức đã truy xét công trạng, hạ chiếu giải oan cho ông: được phục chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công, được thờ vào miếu Trung Hưng Công Thần và cho cáo mạng để an ủi linh hồn (Sắc gia ân của vua Tự Đức, do Lê Xuân Hoàng dịch).
Như vậy, vua Tự Đức đã ban sắc phong cho đình Tân An một năm sau khi giải oan cho Nguyễn văn Thành, và cũng trong sắc phong này vua đã chỉ định vị thần được thờ chính trong đình là quận công Nguyễn Văn Thành.
Thắc mắc thứ nhất đã được giải đáp, còn thắc mắc thứ hai thì... chưa biết. Tui đoán đại là khi ban sắc cho đình, nếu chưa có vị thần được thờ chính thì chọn ngẫu nhiên một ông để thờ. Nguyễn văn Thành vốn là một vị công thần của triều Nguyễn nhưng suốt nửa thế kỷ qua không được thờ ở đâu vì bị coi là tội nhân, nay vừa được giải oan nên... xếp đầu trong danh sách chờ được phong thần. Cho ông làm thần ở đình Bến Thế là... vừa y!
Nghĩ vậy chắc đúng (mà không đúng thì... thôi)!
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét