6 thg 4, 2025

Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp ở Long Hồ dinh

Lâu nay tui không biết gì nhiều về Quốc công Tống Phước Hiệp, ngoại trừ việc đọc các tài liệu lịch sử có khi thấy nhắc tới ông là một vị tướng thời chúa Nguyễn. Đọc qua rồi quên luôn cùng với nhiều nhân vật lịch sử thời kỳ ấy. Có khi lang thang trên mạng, đôi ba lần vô website mang tên Tống Phước Hiệp và biết đó là trang (không chỉ một trang) của cựu học sinh trường Tống Phước Hiệp ở Vĩnh Long. Rồi cũng lướt qua, không biết rõ tiểu sử, công trạng của người mang tên Tống Phước Hiệp.

Mới đây, tui lại gặp ngài Tống Phước Hiệp. Lần này không phải trên website hay tài liệu lịch sử, mà ở... trong chùa. Ngôi chùa Phật Ngọc Xá Lợi uy nghi nhất Vĩnh Long có phối thờ ngài Tống Phước hiệp trong chùa, có cả bệ thờ trang trọng.

Quốc công Tống Phước Hiệp được phối thờ trong chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Tượng thờ Quốc công Tống Phước Hiệp ở chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Những người được thờ trong chùa phải là người được dân yêu kính. Vậy Tống Phước Hiệp là người thế nào?

Văn bia ở bệ thờ ghi sơ lược tiểu sử của ông như sau:

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

LƯU THỦ LONG HỒ DINH
HỮU PHỦ QUỐC CÔNG TỐNG PHƯỚC HIỆP

Tư liệu: ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN TIỀN BIÊN - NXB Khoa Học Xã Hội 1995, ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ - NXB Thuận Hóa 2006, GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ của Trịnh Hoài Đức - NXB Giáo dục 1999, VĨNH LONG XƯA VÀ NAY của Huỳnh Minh - NXB Cánh Bằng 1967.

Tống Quốc Công Tống Phước Hiệp, quê quán huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thuộc dòng dõi Luân Quận Công Tống Phước Trị, trấn thủ Thuận Hóa thời Lê, sau phò tá chúa Nguyễn Hoàng.

Tống Quốc Công không rõ sinh năm nào, sách sử chép ngài làm quan Lưu Thủ Long Hồ dinh (tương đương địa phận Bến Tre, Cái Bè, Cai Lậy, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đéc, An Giang,... ngày nay) với khoảng thời gian ước chừng từ 1738 đến 1774, dưới chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765).

Năm 1771 - đời chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần - có giặc Xiêm cướp đất Hà Tiên. Đô Đốc Mạc Thiên Tứ thất cơ, bỏ chạy sang Trấn Giang (địa phận Cần Thơ), cấp báo với Long Hồ dinh. Tống Quốc Công đem binh thuyền cứu viện tiến tới Châu Đốc, đại thắng, quân Xiêm tan rã phải bỏ thuyền chạy.

Tháng 6, mùa hạ năm Bính Thân (1776) Tống Quốc Công đã suy yếu nhiều vì quá gian lao trong những năm chinh chiến, nên bệnh mất tại Gia Định. Thời gian ngài trấn thủ Long Hồ, chính sự khoan dung, dân yêu mến như cha mẹ. Tính người khẳng khái, có tài lược. Dân chúng nghe tin ngài mất, thương khóc, đồng chịu tang, 3 ngày liền ngoài ruộng bỏ cày bừa, chợ không mua bán, dân chài lưới đem ghe về bến. Mọi người ai bi kinh nhớ đấng Tiền Hiền từng vào sanh ra tử bồi thành đắp lũy bảo vệ giang sơn, đem lại ấm no cho dân chúng. Chúa Định Vương thương tiếc, tặng là HỮU PHỦ QUỐC CÔNG, dân tưởng nhớ công đức, lập Miếu Thờ tại thôn Trường Xuân, huyện Vĩnh Bình, Long Hồ dinh, (gần Cầu Lầu, nay là đường 30/4, P.1, TP. Vĩnh Long).

Năm Gia Long thứ 9 (Canh Ngọ 1810) đưa vào thờ nơi Miếu Trung Tiết công thần (Huế).
Năm Minh Mạng thứ 3 (Nhâm Ngọ 1822) ngày 24 tháng 9, tặng Phù Chính Trung Đẳng Thần. Sắc văn thờ tại Miếu Hội đồng Gia Định:

"Huân liệt công thần, Đặc tiến Phụ quốc công Thượng tướng quân, Chưởng Hiền phủ, tặng Tống Quốc Công. Kính sự gia phong Phù Chính Diên trạch Trung Đẳng Thần"

Đời vua Thiệu Trị ban 4 đạo sắc, đời Tự Đức ban 3 đạo sắc, gia tặng các mỹ tự: Phù chánh Diên trạch Địch nghị Chiêu tích Quang ý Trung đẳng thần - 5 đạo sắc hiện bảo tồn tại tỉnh Vĩnh Long.

Lễ Vía Tổng Quốc Công tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 6 âm lịch hàng năm.

Kính Đề


Những nội dung trên cho thấy Tống Phước Hiệp là người có công lao to lớn: đánh dẹp giặc ngoại xâm, làm quan cai trị thao lược, được dân yêu kính. Những công lao ấy được triều đình ghi nhận, ban tước và được dân tưởng nhớ, lập miếu thờ.

Đời sau cũng ghi nhớ công ơn ấy. Bên cạnh việc thường xuyên kính viếng, chăm sóc miếu thờ, chính quyền còn lấy tên ông đặt cho ngôi trường phổ thông lớn nhất tỉnh và đặt tên đường Tống Phước Hiệp.

Trường trung học Tống Phước Hiệp, Vĩnh Long trước 1975. Ảnh tư liệu của Hội Ái Hữu Cựu học sinh Tống Phước Hiệp Nam California.

Thế nhưng sau 1975, với suy nghĩ thiển cận, những nhà quản lý cho rằng hể ai phục vụ cho nhà Nguyễn chống lại nhà Tây Sơn đều là kẻ có tội với nhân dân, không thể tôn vinh. Tống Phước Hiệp là một người như thế,

Do đó ngôi trường mang tên ông bị đổi tên thành trường Lưu văn Liệt, con đường mang tên ông cũng bị mất tên. Tệ hại hơn nữa, tháng 10/1982, ngôi miếu Quốc công đã bị một số cán bộ văn hóa ở địa phương cho đập phá tan tành và biến thành trụ sở làm việc của nhà nước. 

Trước tình cảnh ấy, một số người dân ở trong vùng đã giấu được bức sắc phong, thanh kiếm báu và linh vị của ông đem về lén phối thờ ở đình Tân Giai. Theo lời một nhân chứng kể lại rằng họ đem linh vị về thờ nhưng rất sợ chính quyền lúc đó làm khó dễ.

Riêng câu chuyện về thanh gươm của Quốc công Tống Phước Hiệp cũng có nhiều tình tiết ly kỳ. Sau khi ngôi đình bị đập phá, nhiều di vật ở đó bị tứ tán khắp nơi, trong đó có thanh kiếm lệnh rất quý giá của Tống Phước Hiệp. Hiểu được giá trị của báu vật, một người dân đã nhanh trí cất giấu thanh kiếm này. Sau đó thì thanh kiếm được chuyển cho ông Nguyễn Hồng Tâm, là một cán bộ văn hóa của địa phương hồi đó, người kịch liệt phản đối việc đập phá ngôi miếu. Ban đầu ông Tâm cất giấu thanh kiếm này, nhưng do điều kiện chỗ ở quá chật hẹp dễ bị lộ và sợ bị chính quyền tịch thu, ông phải chuyển thanh kiếm cho người khác, nhưng do thiếu hiểu biết người ta đã bán cho cửa hàng ve chai đồng nát. Thế là ông Tâm phải lặn lội tìm lại. Sau gần 10 năm trôi nổi trong dân gian, đến năm 1992 thanh kiếm mới được đem về thờ ở đình Tân Giai bên cạnh tượng Quốc công Tống Phước Hiệp.


Thanh gươm lệnh được đem về thờ cùng với Quốc công Tống Phước Hiệp tại đình Tân Giai

Mãi đến năm 2009, chính quyền địa phương mới phục hồi tên tuổi của ông và cho tổ chức lễ vía Quốc công Tống Phước Hiệp, và cũng thống nhất cho phép được tổ chức lễ vía hằng năm. Hiện nay, Hữu phủ Quốc công Tống Phước Hiệp được phối thờ trong đình Tân Giai (Vĩnh Long) và lễ vía của ông được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 6 (âm lịch) hằng năm. Riêng sắc phong thần của ông thì được cất giữ trong đền Hùng Vương trong khuôn viên Bảo tàng Vĩnh Long.

(toàn bộ đoạn in nghiêng này trích từ bài viết của Tiểu Vũ trên trang web Một Thế Giới ngày 24/4/2016).

Đình Tân Giai ở Vĩnh Long, nơi phối thờ Quốc công Tống Phước Hiệp. Ảnh: Facebook Đình làng Nam bộ.

Gian thờ Quốc công Tống Phước Hiệp trong đình Tân Giai. Ảnh: Facebook Đình làng Nam bộ.

Tượng Hữu phủ Quốc Công Tống Phước Hiệp được thờ ở gian giữa của đình Tân Giai. Được biết tượng này là do một doanh nhân ở TP. HCM công đức hiến tặng. Ảnh: Tiểu Vũ trên tạp chí Một Thế Giới.

Vậy là lâu nay Quốc công Tống Phước Hiệp vẫn ở nhờ trong đình Tân Giai. Tui có đọc đâu đó những kiến nghị về việc đặt lại tên đường, tên trường Tống Phước Hiệp đã lâu rồi, nhưng hình như đến nay chưa việc nào được thực hiện.

Dù sao, so với thời kỳ sau 1975 công lao của quốc công Tống Phước Hiệp đã được ghi nhận trở lại, hợp với lòng dân. Nay thêm việc ngôi chùa lớn nhất Vĩnh Long thờ Ngài, giúp cho những kẻ hậu sinh như tui biết thêm và ghi nhớ công ơn của bậc tiền nhân.

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét