3 thg 6, 2014

Bi kịch mặt trời

Đại bàng rũ cánh


Tuổi 18, người ta có nhiều ước mơ, vẫy vùng và cháy bỏng.

Tôi may mắn vào đại học để theo đuổi những ước mơ của mình.

Bạn tôi, tốt nghiệp phổ thông xong là lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Những ước mơ cháy bỏng vẫy vùng tạm gác lại để đến những cánh rừng biên giới. Mỗi lần về phép, anh kể cho tôi nghe nỗi cô đơn của kiếp sống bộ đội, và một khái niệm mà anh gọi là “Đại bàng rũ cánh”. Rũ cánh là không bay được nữa, là đứng bơ vơ trên mỏm đá, là nhìn thấy bầu trời xanh bao la lồng lộng, nhưng không thể nào sãi cánh lao vào không trung được nữa... Cô độc và tiếc nuối.

Chim trời rũ cánh cũng cô độc và tiếc nuối, nhưng không da diết bi thương như cánh đại bàng. Càng tung cánh mù khơi càng tiếc nhớ thật nhiều khung trời lộng gió khi mình đã rũ cánh.

Kể từ đó, trong tôi luôn ám ảnh hai hình ảnh: vẫy vùng và cô độc.


Hơn mười năm sau, tôi chợt tìm thấy hai hình ảnh ấy qua một quyển tiểu thuyết: Đèn không hắt bóng.

Có những ngọn đèn sáng rực rỡ - những ngọn đèn trong phòng phẫu thuật – nó sáng đến nỗi không hắt bóng. Có những con người giống như thế. Bác sĩ Naôê là một chuyên gia tài giỏi, nhưng không ai hiểu được ông. Ông sống trong ánh hào quang và sự cô độc. Sống trong sự rạng rỡ của ánh hào quang và nỗi đau vô cùng tận của kiếp người.



Hơn mười năm sau nữa, lại một lần tôi tìm thấy hình ảnh đã ám ảnh mình bao nhiêu năm qua. Một buổi chiều tà, tôi ngồi bên cô em gái nhỏ, ngắm hoàng hôn trên sông. Cô ấy hỏi tôi: Anh thấy mặt trời lặn có đẹp không? Tôi thảng thốt nhận ra: Mặt trời đẹp lắm. Hàng ngày mặt trời rạng rỡ chiếu rọi ánh sáng cho chúng ta, đem đến cho chúng ta nguồn sống. Ta biết ta cần ánh sáng mặt trời, nhưng ta không dám – và không muốn – nhìn mặt trời vì nó chói chang quá. Mặt trời cũng biết rằng nó cần phải chói chang để đem ánh sáng đến cho cõi đời, biết rằng như thế nó sẽ cô đơn vì không ai nhìn đến, nhưng đó là trách nhiệm. Rạng rỡ trong nỗi cô đơn. Rồi đến lúc chúng ta nhìn đến mặt trời, thấy mặt trời đáng yêu và nên thơ quá, đó cũng là lúc chiều tà, là những giây phút cuối cùng của vầng thái dương trước khi giã biệt...

Tôi gọi đó là bi kịch mặt trời.


Đâu đó trên mạng internet, một người bạn có nhắc đến suy nghĩ của tôi về bi kịch mặt trời. Cảm ơn anh, nhưng chắc anh cũng chưa viết đủ những điều tôi đã nghĩ.

Tôi không biết đó có phải là bi kịch của chính mình hay không. Mong rằng không phải. Cũng mong rằng những hình ảnh này không tiếp tục ám ảnh tôi nữa.

Nhưng ô hay, lại thoang thoảng bên tai lời thầm thì xa vắng hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: 

Xuân đời chưa hưởng kịp
Mây mùa thu đã sang...

Phạm Hoài Nhân
2009

Khoảng năm 1981, những ngày tháng cuối đời sinh viên, tôi viết một bài thơ nhỏ bỏ trên đầu nằm ở ký túc xá, tựa là Đại bàng rũ cánh. Vài người bạn đọc được và tự tay sửa lại chữ đại bàng thành chim trời vì họ nghĩ rằng chim trời thì nghe êm ái hơn. Bạn tôi đâu biết rằng trong suy nghĩ của tôi đại bàng rũ cánh bi tráng hơn chim trời rũ cánh nhiều lắm.

Đại bàng rũ cánh

Cho ta xin làm con nai vàng ngơ ngác
Một chiều nao đi lạc, một chiều thôi
Để bâng khuâng ngắm lá vàng rơi
Và giương mắt nhìn mây trời phiêu lãng

Cho ta xin một chiều thu nắng tắt
Một hoàng hôn hiu hắt, một hoàng hôn
Để ta nghe ray rứt cả hồn
Và da diết nhớ thương ngày tháng cũ

Cho ta xin mênh mông như ngày tháng
Lững lờ trôi như dòng nước miên man
Cho ta xin một giọt nắng vàng
Để ta ngắm giọt nắng tan nhòa nhạt

Cho ta xin làm đại bàng rũ cánh
Để giữa mùa xuân biết nhớ, biết buồn
Để tiếc nhớ mãi khung trời lồng lộng
và nghe lòng đầy ắp nhớ thương

PHN - 1981

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét