27 thg 6, 2014

Trên ngọn Núi Già (Tà Kóu)

Núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận có tên gốc là Tà Kóu, theo tiếng Chăm cổ nghĩa là núi già ( nghĩa là núi, Kóu nghĩa là cũ, già).

Nói đến du lịch Tà Cú, người ta thường nghĩ đến dạng du lịch tâm linh. Điều đó đúng, vì trên núi Tà Cú có ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ nổi tiếng linh thiêng với nhiều huyền tích, có Tượng Phật nằm dài nhất châu Á, có bộ tượng Di đà Tam tôn đã được công nhận di tích văn hóa cấp quốc gia... (Thông tin thêm về chùa núi Tà Cú xin xem tại đây)


Chùa Tà Cú ẩn hiện giữa núi rừng. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Vào những dịp lễ, nơi đây có rất đông khách hành hương đến lễ Phật. Đặc biệt là mặc dù có cáp treo, nhưng nhiều tín đồ vẫn đi theo đường bộ leo núi, kể cả những cụ già 60, 70 tuổi. Họ cho rằng lên chùa lễ Phật thì phải như thế mới tỏ tấm lòng thành.

Không chỉ như thế, du lịch núi Tà Cú còn là du lịch sinh thái, bởi Tà Cú là khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia.


Dưới chân núi Tà Cú

Không chỉ là vùng kỳ sơn thủy tú với nhiều dòng suối róc rách tuôn nước chảy trong ngần và cứ mỗi độ xuân về lại nở đầy hoa mai vàng, hoa vông đỏ làm thơm nức cả cánh rừng, Tà Cú còn là khu rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia với thảm thực vật phong phú đã ghi nhận khoảng 1.200 loài thực vật bậc cao. Trong đó, ít nhất là 36 loài thực vật nguy cấp được đề cập trong sách đỏ Việt Nam (2007) hay Danh lục đỏ thế giới (IUCN 2009) các loại cây qúy như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana…Động vật 454 loài, côn trùng chiếm 160 loài; Đặc biệt mới phát hiện loài qúy hiếm Thằn lằn đá Gekko takouensis sp. Nov. Ngô & Gamble, Thằn lằn chân ngón Cyrtodactylus takouensis Ngô & Bauer. Có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu như gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, trĩ sao Gà gô, Diều núi... Ngoài ra có 2 quần thể Vọoc Bạc Trường Sơn và Chà Vá Chân Đen sinh sống trong khu vực.

Núi Tà cú từ lâu đã nổi tiếng khắp Nam Việt Nam về cây và số lượng cây thuốc quý. Hiện tại đã thống kê 350 loài cây dược liệu từ núi Tà Cú.

Hiện tại các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu của các viện, trường đại học trong và ngoài nước đều cho rằng khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nằm trong hệ thống vùng 3 phan (Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết) được xem như một phòng thí nghiệm khổng lồ để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.

(Tư liệu trích từ Website chính thức của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Cú)

Bạn có thể chọn một trong 2 cách lên núi. Nếu có thời gian và sức khỏe hãy chọn leo núi theo đường bộ. Bạn sẽ đi một quãng đường dốc dài gần 2,5 km để lên núi (chùa ở độ cao khoảng 420 met). Đường đi khá vất vả vì là đường mòn tự nhiên gập ghềnh khúc khuỷu, chứ không có bậc thang xây sẵn. Bù lại, bạn sẽ có được cảm giác thú vị đi giữa rừng già, giữa lá rừng xào xạc và tiếng chim rúc rích trên cao.

Leo núi bằng đường bộ nhớ đem theo cây gậy nhé bạn!

Bằng không, bạn hãy mua vé đi cáp treo để lên núi. Chú ý rằng nếu đã đi cáp treo thì nên mua vé 2 chiều (lên xuống). Đừng nghĩ rằng xuống núi bằng đường bộ là không mệt nhé, dốc đứng sẽ khiến bạn luôn có cảm giác chúi nhủi khi xuống núi và việc kìm giữ để khỏi bị té sẽ khiến bạn mệt không kém gì khi lên. Ngắm cảnh núi rừng trùng điệp từ trên cao khi đi cáp treo rất lý thú, đừng bỏ qua nhé!

Rừng Tà Cú nhìn từ trên cao

Nhà ga cáp treo ở lưng chừng núi, cách cổng chùa chừng trăm mét, nằm giữa rừng. Từ cổng tam quan bạn sẽ phải leo trăm bậc thang để đến chùa, rồi từ đó tiếp tục leo núi để đến tượng Di Đà Tam tôn và tượng Phật nằm. Ở đây chính là giữa rừng già, nên nếu không có thời gian đi thêm nữa thì bạn có thể len lách qua rừng cây, khe đá để thưởng thức cảm giác sống ở rừng.




Và cũng đừng quên từ trên cao ngắm nhìn về phía xa kia là vùng đất Hàm Thuận Nam, xa hơn nữa là biển Kê Gà với ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam.



Nếu có máu phiêu lưu, bạn có thể vào hang Tổ, cách tượng Phật nằm không xa.Hang này tương truyền là nơi tu tập đầu tiên của tổ sư Hữu Đức, người khai sáng chùa. Hang tối và sâu, những tảng đá trơn trợt... là những thách thức cho bạn, không dành cho những người yếu tim.

Còn một điều nữa cần nhớ: Khi lên núi đã mệt, bạn hãy rửa mặt bằng dòng nước suối ở sau chùa. Nước mát lạnh chảy từ những khe suối trên núi cao sẽ khiến bạn thấy lâng lâng bay bổng.



Bạn có thể chọn du lịch núi Tà Cú là du lịch tâm linh hay du lịch sinh thái là tùy hoàn cảnh, thế nhưng kết hợp 2 trong 1, cả tâm linh và sinh thái vào cùng một chuyến đi, tận hưởng những điều tuyệt vời của núi rừng Tà Cú mới thật là thỏa mãn, phải không bạn?

Bài và ảnh: Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét