22 thg 6, 2014

Cầu Mống Vĩnh Hội

Nửa thế kỷ trước, bà con thân thuộc của gia đình tôi chỉ có một người cư trú tại Sài Gòn, đó là cậu Hai. Nhà cậu ở đường Bến Vân Đồn, Vĩnh Hội, quận 4. Hồi đó sống ở Long Khánh, mỗi năm đến hè, đứa trẻ con là tôi được thưởng một chuyến "đi Sài Gòn chơi" thì sướng lắm. Đi Sài Gòn, chỗ trú ngụ là nhà cậu Hai.

Vĩnh Hội nghèo, khác xa lắm với trung tâm Sài Gòn ở quận 1, chẳng có chỗ nào đi chơi. Chiều chiều, có khi tản bộ, tôi được cậu đưa tới một nơi có chiếc cầu đen thui ở gần nhà, gọi là cầu Mống. Cầu lạ, có vẻ cổ xưa, không hề giống với những chiếc cầu khác ở Sài Gòn. Có điều nó chẳng có gì đáng để thu hút một đứa nhỏ chưa tới 10 tuổi, ham vui. Chỉ là một hình ảnh ghi lại trong ký ức.

Năm 1977, tôi vào đại học. Năm học đầu tiên tôi ở trọ bên nhà cậu. Lại thỉnh thoảng gặp hình ảnh chiếc cầu đen thui lầm lũi. Hồi đó thông tin không nhiều như bây giờ, người lớn cũng chỉ gọi tên cầu là cầu Mống chứ chẳng nói gì thêm. Và một cậu thiếu niên 18 tuổi mới vào đại học cũng chẳng hề quan tâm đến chiếc cầu cổ xưa ấy làm gì. Chỉ là một lần nữa, hình ảnh này ghi vào ký ức.

Cầu Mống ngày xưa

Cầu Mống là một trong những cây cầu cổ xưa nhất còn sót lại ở Sài Gòn. Đây là loại cầu sắt thiết kế kiểu Pháp và do Pháp xây dựng nên đậm nét phương Tây. Thành cầu uốn cong, có những khoảng trống, sơn đen bắc qua kinh Tàu Hũ nối quận 1 và quận 4 (đất Khánh Hội xưa). Chân cầu phía quận 1 nằm chếch công viên Diên Hồng đối diện đường Công Lý (giờ là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Ngay sau công viên Diên Hồng là Hội trường Diên Hồng, tức trụ sở Thượng Nghị Viện VNCH. Chân cầu phía quận 4 nằm trên đường Bến Vân Đồn thuộc địa phận phường 12, quận 4.

Chân cầu Mống, tòa nhà trong hình là trụ sở Thượng nghị viện VNCH

Cầu Mống do công ty vận chuyển hàng hải Pháp Messageries Maritimes đầu tư và  công ty Levallois Perret (tức Eiffel cũ) thi công vào năm 1893-1894. Cầu 
dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Hình dáng vòng cung của chiếc cầu giống cầu vồng nên người dân gọi tên là cầu Mống.


Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông - Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, người ta đã gỡ bỏ cầu Mống để... bán sắt phế liệu. May thay, "phút 89" chiếc cầu được giữ lại. Sau khi công trình đại lộ Đông - Tây hoàn tất cầu Mống đã được lắp ghép lại theo nguyên bản và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Cầu được sơn lại màu xanh ngọc thay cho màu đen ban đầu, và từ đây cầu Mống trở thành một điểm thưởng ngoạn của dân Sài Gòn.


Cầu Mống hiện nay. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Sau hơn ba mươi năm, tôi có dịp về thăm cầu Mống. Chiếc cầu vẫn nằm ở vị trí cũ, hình dáng cũ, nhưng màu đen đã được thay bằng màu xanh ngọc tươi mát. Cầu Mống bây giờ là chiếc cầu chỉ dành cho đi bộ, xe lưu thông từ quận 1 qua quận 4 đã có cầu Khánh Hội (song song với Cầu Mống).


Ảnh: Phạm Tường Nhân

Đường xá đã rộng hơn, con rạch đã sạch hơn, nhiều cao ốc đã mọc lên. Thành phố đã hiện đại hơn. Bất chấp những điều đó, một hình ảnh xa xưa từ lâu ẩn chìm trong ký ức bỗng hiện trở lại. Ngày xưa, ở Sài Gòn có một chiếc cầu, tên là cầu Mống Vĩnh Hội... Có một thằng bé, rồi có một cậu thiếu niên  ngẩn ngơ ngắm chiếc cầu.

Ảnh: Phạm Tường Nhân

Giới trẻ Sài Gòn bây giờ gọi cầu Mống là một trong 4 chiếc cầu Tình yêu, nơi để hẹn hò, dạo mát, chụp ảnh (3 chiếc cấu còn lại là cầu Ánh Sao, cầu Bình Lợi và cầu Thủ Thiêm). Riêng tôi, trong lần trở lại này, tôi có cảm giác cầu Mống là một chiếc gạch nối. Nối giữa Sài Gòn xa xưa và Sài Gòn bây giờ. Nối giữa Tôi - đứa trẻ và Tôi - ông già!

Phạm Hoài Nhân

6 nhận xét:

  1. e chưa từng đặty chân lên cây cầu này vì cứ tưởng chừng như nó quá gần gũi với bản thân mình, thật sợ cho cái sự gần gũi như thế này :(

    Trả lờiXóa
  2. Nhìn hình anh chụp cầu Mống hiện nay thật là khác xa hẳn năm 1980 đó anh Nhân. Cám ơn anh về bài viết và hình ảnh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ còn giống ngày xưa ở khung xương thân cầu và phần bục lên cầu thôi Thảo à!

      Xóa
  3. Trong đời băng qua cầu Mống có một lần là lúc đi học từ trường Khai Minh đi về qua quận 4. Mỗi ngày đi ngang qua nhìn nó đứng chơ vơ, xấu xí nhưng không hiểu động lực nào thúc đẩy em bằng ngang qua nó. Nhưng chỉ có một lần và duy nhất một lần vì hết dám đi. Cảm ơn Anh nhiều! Vì nhờ có Anh mà em thấy lại ký ức cũ và hình ảnh mới của Cậu Mống.

    Trả lờiXóa
  4. Comment của anh Mai Việt Hùng:
    Những chú thích in nghiêng được viết từ sau 1980s ... Nên người viết đã không hệ thống địa danh ...

    Cây cầu này hồi mới bắc thì tên nó là cầu Hải Vận (Messageries Maritimes) .... và tên là cầu Khánh Hội trong tiếng Việt .... Vì nó nối qua vùng Khánh Hội chứ không phải Vĩnh Hội .... (Vĩnh Hội là khu vực bên kia rạch cầu Chong chạy dài tới hết cù lao Nguyễn (văn) Kiệu) .... Và đặc biệt ... nó không bắc qua Kinh Tàu Hũ .... mà là Rạch Bến Nghé .... Riêng vì dáng vẻ của nó nên dân gian vẫn theo hình thù mà kêu nôm na nó là "cầu Móng" .... (không phải "MỐNG") .... Cây cầu về sau được bắc song song với nó là cầu Quay thì cũng là cầu sắt .... và mang tên là "cầu Quay (Tournant):" vì nó "chuyển thể" tách nhịp mỗi khi có ghe / tàu chui qua để vô Cholon hay trở ra sông Saigon ...... cho tới khi bị thay thế bằng cầu beton vào thập cuối niên 1940s ... Tên của cây cầu này vẫn là "cầu Quay" trong ngôn ngữ dân gian vùng quận 4 ..... dù chính quyền Saigon hồi trước đặt cho nó là "cầu Bắc Bình Vương" .... Sau khi Saigon mất tên thì "bây giờ" kêu nó là cầu Khánh Hội cho tới nay ....

    Cầu Móng nguyên thủy có hai đường dẫn lên - xuống ớ phía quận Nhứt ... Đầu hướng lên trực giao với ngã ba Bến Chương Dương - Công Lý .... (VV Kiệt - NKKN nay) ... Đầu hướng xuống chấm dứt tại khúc ngã ba đường Tôn Thất Đạm - Bến Chương Dương cách đầu cầu Quay xưa .... (ngã ba Võ Di Nguy (Saigon - HT Mậu nay) - Bến Chương Dương khoảng 50m ....

    Khi Bến Chương Dương bị "gạch" để làm đường Đông - Tây (VV Kiệt) .... thì hai đường dẫn phía Q. I của cầu Móng cũng bị đập .... Đầu cầu phía Q. 4 cũng bị cắt ra để hạ mặt đường Nguyễn Trường Tộ ... có dốc cao chạy thẳng ra chợ Xóm Chiếu .... qua ngã tư Đoàn Như Hài-Nguyễn Trường Tộ .... và Hoàng Diệu - Nguyễn Trường Tộ .... (Cao trình của đường NTT nối vô cầu Móng khi đó có tới 3,5m so với mặt đường hiện nay) ......

    Trong thời gian con đường VVK được thực hiện ... cũng như việc làm hầm Thủ Thiêm sau đó .... thì chỉ có cầu Quay bị đập .... Còn cầu Móng vẫn giữ nguyên .... Nguyên nhân vì chính phủ Pháp ... và chính thức là từ hãng Eiffel .... đã "chơi đểu" khi tuyên bố sẽ tiến hành bảo trì cầu Móng theo hợp đồng với nhà nước Tây .... Việc này cũng giống như với nhà Bưu Điện Saigon và Tòa Đô Chánh trước kia .... Vậy nên ..."sau khi cân nhắc lợi ích văn hóa" .... chính quyền hiện nay đã .... "không đồng ý với phương án phá bỏ cầu Móng" .... CHỨ HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHUYỆN "LẮP GHÉP LẠI THEO NGUYÊN BẢN" .....

    Hồi A. Nhân ở Quận 4 để đi học .... và Gaston Tran "cúp cua" ra đó đá banh .... thì cầu Móng đã không còn cho xe cộ lưu hto6ng từ trước đó 10 năm .... Nguyên nhân là sau đợt I Tết Mậu Thân .... chính phủ VNCH đã bố trí một chi đội Thiết giáp án ngữ đầu cầu phía Q. 4 để phòng ngự những trận tấn công của VC qua ngân hàng Quốc Gia VN .... Trước đó ... (cuối năm 1967) ... đã xảy ra chuyện chết người do một chiếc xích lô máy lạc tay lái ... đâm sập lan can cầu và bay xuống sông .... Ngoài ra còn chuyện trẻ tắm sông hay leo qua giữa dạ cầu để ... "lông giông" xuống nước .... (trong đó có tại hạ .... Nói thật .... nhảy như vậy cảm giác "ngon" hơn nhảy trong hồ tắm nhiều) .... Chính quyền đã cho đắp xi măng gắn đinh lên mép dạ cầu để ngăn không cho trẻ em leo nữa ... Nhưng ... không gì ngăn nỗi khi "lòng ta đã quyết" ... Nên việc đó vẫn diễn ra đều đặn .....

    Hình hồi đầu TK 20 của cầu này nay vẫn rải rác trên net ... Có tấm còn chú thích tên "Khánh Hội" bằng chữ "Kha-Nhoi" .....

    Xin lỗi đã dài giòng văn tự .... Hy vọng A. Nhân bỏ qua ....

    Trả lờiXóa