24 thg 5, 2011

Tại sao dân Biên Hòa không ăn tân gia?

Nếu bạn là một người dân cố cựu ở Biên Hòa, chắc chắn bạn đã được ông bà, cha mẹ dạy rằng: Đã là dân Biên Hòa, thì khi có nhà mới không được ăn tân gia. Còn nếu bạn là người từ nơi khác đến đây lập nghiệp, chắt chiu xây được một căn nhà, thì trước khi xây xong bạn sẽ được người quen can ngăn: Cất nhà thì cất, nhưng chớ có ăn tân gia!

Nếu ăn tân gia thì sao?

Người lớn bảo rằng: Nếu ăn tân gia thì cơ ngơi sẽ lụi tàn, sẽ phá sản, sẽ... đủ thứ xui xẻo...

Hic, tin hay không tin thì bạn cũng chả dám tổ chức ăn tân gia, vì... cũng sợ chứ!

Khổ nỗi, cất được cái nhà mới thì mừng lắm, muốn mời người thân, bạn bè tới để khao và khoe. Vậy phải làm sao?

Dân Biên Hòa lách luật bằng cách khi xây nhà xong, cố chọn một ngày kỷ niệm nào đó như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, hoặc mừng thọ chẳng hạn, tổ chức buổi tiệc mời mọi người tới chung vui. Mọi người cũng đều biết tỏng là hắn mời mình tới để ăn tân gia, mừng nhà mới nên đến chung vui, trầm trồ khen nhà đẹp... nhưng cứ giả vờ như là ăn sinh nhật vậy! Hi hi!


Vì đâu có điều kiêng kỵ lạ kỳ như vậy? (Đến giờ, năm 2011, vẫn còn điều kiêng kỵ này!)

Tôi không phải dân Biên Hòa chính gốc nên không biết nguyên do. Hỏi thăm người dân địa phương thì mỗi người trả lời một cách, nhưng tựu trung là: Tại ông bà dặn như vậy!

Cách lý giải sau, theo TS Huỳnh văn Tới - chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Đồng Nai, tôi thấy là hợp lý nhất:

Đây là một tục lệ của người Hoa, phát xuất từ cuối thế kỷ 17.

Thuở ấy lưu dân người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên vào đất Biên Hòa. Mang trong lòng hoài bão Phản Thanh phục Minh, Trần Thượng Xuyên khuyến nhũ đồng bào mình rằng vùng đất phương Nam này chỉ là nơi ở tạm, chờ thời cơ quay về cố quốc, chứ quyết không định cư mãi mãi. Vì chỉ là nơi "tạm trú dài hạn" nên quyết không được ăn tân gia, để bày tỏ tấm lòng mong muốn quay về quê hương.

Vì những lý do tế nhị, họ không nói rõ lý do này ra với người Việt bản xứ. Còn người Việt, thấy họ làm thế cũng... bắt chước làm theo, dù không rõ nguyên do. Và cứ thế điều cấm kỵ này lưu truyền mãi đến nay đã hơn 300 năm!


Đình Tân Lân, Biên Hòa - Nơi thờ Trần Thượng Xuyên

Như chúng ta đã biết, năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh đã vâng lệnh chúa Nguyễn vào đất Đồng Nai, hình thành nên Biên Hòa và Gia Định. Trong việc khai mở và giũ gìn vùng đất này, Trần Thượng Xuyên và những lưu dân người Hoa theo chân ông đã đóng góp vai trò không nhỏ. Giờ đây, hậu duệ của họ đã trở thành người dân Việt và gắn bó mãi với mảnh đất này. Vì thế tục lệ không ăn tân gia với nguyên do nêu trên đã thành vô nghĩa.

Thế nhưng dân Biên Hòa vẫn không ăn tân gia, chả cần hiểu tại sao. Và tôi, giả dụ như có cất nhà mới ở Biên Hòa cũng quyết... không ăn tân gia, vì người ta sao mình vậy mà!



Phạm Hoài Nhân

9 nhận xét:

  1. Chú Nhân ơi,

    Cháu có sử dụng một số bài viết của chú đăng trên facebook những người thích Biên Hòa. Các bài viết của chú được mọi người ủng hộ lắm... ^^'
    Trước đây cháu có gửi email thông báo việc sử dụng bài viết của chú rồi, nhưng ko thấy chú phản hồi.
    Chú có thể vào facebook www.facebook.com/bienhoafans xem nha chú.
    Cám ơn các bài viết rất hay của chú. Thay mặt Những người thích Biên Hòa chúc chú luôn mạnh khỏe và có những bài viết hay hơn nữa về Biên Hòa.
    Chào chú.
    Ngọc, Đào

    Trả lờiXóa
  2. Chú Nhân xin lỗi vì reply 2 bạn quá trễ nha. Các bài viết ở đây các bạn cứ sử dụng thoải mái. Ngoài ra nếu có gì hay các bạn cũng cho chú Nhân biết với nhé.

    Để thuận tiện liên lạc, xin gửi mail theo đ/c hoainhan@vncgarden.com hoặc nhan.phamhoaigmail.com.

    Thân mến,

    Trả lờiXóa
  3. Chào anh !
    về vấn đề xây nhà ở BH mà không ăn tân gia thì chuyện này tôi có nghe, và tôi có đem thắc mắc bày hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc, thì được trả lời như sau : "theo truyền thuyết thì nước việt mình ngay xưa là nơi 1 con rồng trú ngụ, kinh đô Huế là đầu rồng (nên mới đặt kinh đô ở đây), còn Biên Hòa là nơi đáp của đuôi rồng, điều này gây tối kỵ về động thổ, nếu động thổ xây cất thì chạm tới đuôi rồng, rồng quẫy đuôi thì chỉ chó chết, không yên ổn. nên khi dân ta xây nhà xong, không tiến hành cúng kiến tạ ơn trời đất vì làm như thế đồng nghĩa với việc báo cáo với trời đất là vừa xây xong 1 căn nhà trên đuôi rồng, gây động thổ... cho nên tập tục không ăn tân gia xuất phát từ truyền thuyết này" tôi biết thế, chia sẽ với anh vài điều, chúc anh sức khỏe và thành đạt

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn ý kiến của anh Lê Minh Tuấn.
    Lời giải thích của ông Dương Trung Quốc cũng rất hợp lý.
    Thôi thì chúng ta cứ nêu ra 2 cách giải thích (và biết đâu còn có cách giải thích khác nữa) để mọi người cùng xem, và các bậc cao minh sẽ chỉ giáo cho chúng ta, anh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Chú cho cháu hỏi, ngoài việc không ăn tân gia còn có thêm câu khác hay đi kèm theo là: " Dân BH ko ăn tân gia, không đi xe đỏ ..", chú có nghe và tìm hiểu câu sau chưa, cho cháu cùng biết với! Cảm ơn chú :)

    Trả lờiXóa
  6. @MinhAT: Chuyện dân BH không đi xe màu đỏ được ghi ở đây: http://phnhan.vncgarden.com/2011/05/tai-sao-dan-bien-hoa-ky-mau-o.html
    Bạn xem nhé,
    Thân mến

    Trả lờiXóa
  7. Chào anh, tôi cũng là dân Biên Hòa, cũng mới làm nhà, cũng biết anh chút chút...
    Mới làm nhà nên một số bạn bè (khác tỉnh) cứ "đòi" ăn tân gia, và tôi cũng như những người trong gia đình chỉ biết trả lời là "dân BH k ăn tân gia" , còn lý do cụ thể vì sao thì k biết, nên mọi người cho là mình kiếm cớ "né" vì sợ tốn kém.... Nay vô tình đọc được bài viết của anh, nên mới biết cụ thể hơn, để có thể mạnh dạn giải thích.... Cũng nhờ thế biết thêm lý do dânn BH k đi xe màu đỏ. Từ nhỏ đến giờ cứ nghe theo người lớn nói thế và biết thế, nay được biết tường tận hơn là ....nhờ anh. Cảm ơn anh nhiều, chúc anh cũng gđình sức khỏe - h phúc.

    Trả lờiXóa
  8. Rất vui khi có người đồng hương đọc những bài viết này.
    Cảm ơn bạn nhé.

    Trả lờiXóa
  9. Cám ơn bài viết của anh Nhân. Em cũng là dân BH đó giờ cũng nghe về tập tục " Dân BH không ăn Tân gia" mà không hiểu vì sao. Nay nhờ bài viết của anh mà em đã hiểu.

    Trả lờiXóa