24 thg 3, 2013

Có ai qua vùng hỏa tuyến?

Dạo 1966, 1967 - tức là những năm tôi khoảng 7, 8 tuổi - cứ mỗi sáng ba đi làm, má đi chợ, tôi ở nhà giữ nhà và giữ em. Những lúc ấy mở radio nghe cho đỡ chán. Có một bài hát mà đài phát thanh Sài Gòn phát liên tục, ngày này qua ngày nọ, đó là bài Thương về vùng hỏa tuyến (của nhạc sĩ Lê Minh Bằng).

Giai điệu bài hát hay là một lẽ, nghe nhiều trong thời thơ ấu khiến tôi nhập tâm, thuộc lòng, và rất thích bài hát này.

Của đáng tội, đây là một bài hát tuyên truyền của chế độ VNCH, lên án... quân xâm lăng Bắc Việt (mặc dù trong toàn bộ bài hát không có chữ nào nói đến Cộng sản hay Bắc Việt, chỉ nhắc đến mái tranh, lũy tre, luống khoai nương cà...). Xin mạn phép ghi lại toàn bộ lời bài hát ở đây:


Có ai qua vùng hỏa tuyến,
Nhắn cho tôi một vài lời.
Mái tranh thân yêu còn đâu
Lũy tre xanh tươi còn đâu
Đổi thay giờ đây lửa máu.

Xóm thôn hoang tàn đổ nát
Luống khoai nương cà nghẹn ngào
Tiếng chuông vang không còn nữa
Vắng trâu ăn trên đồng sâu
Trẻ thơ đi tìm mẹ hiền.

Trung Lương ơi!
Đây vùng phi chiến nay thành khu chiến từ khi giặc tràn về
Bao người dân trắng tay mà vui ước hẹn đi theo lời thề
Toàn dân thương Trung Lương,
Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.

Có ai qua vùng hoả tuyến,
Nhắn cho tôi một vài lời.
Oán xâm lăng gây lửa khói
Để cho bao nhiêu lệ rơi,
Để cho sầu héo lòng tôi.



Cầu Hiền Lương


Thành thật mà nói, sau 75 tôi vẫn nghe lại bài hát này nhiều lần, dù đây là một bài hát cấm lưu hành. Giai điệu và ca từ bài hát rất đẹp, tình cảm dạt dào. Tuyên truyền mà không lên gân, không sắt máu, dễ đi vào lòng người...

Trong bài hát có 2 lần nhắc đến địa danh Trung Lương:

Trung Lương ơi!
Đây vùng phi chiến nay thành khu chiến từ khi giặc tràn về


Toàn dân thương Trung Lương,
Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.

Hồi đó còn nhỏ, tôi không biết Trung Lương là gì, ở đâu, chỉ mang máng nghe nói là một địa danh ở Mỹ Tho.

Sau này lớn lên tôi được biết và đi đến Ngã ba Trung Lương, là nơi 1 đường rẽ phải theo quốc lộ 1 về Cần Thơ, 1 đường đi thẳng vào thành phố Mỹ Tho, ở đó có món đặc sản nổi tiếng là mận Trung Lương. Rồi sau đó Trung Lương được nhắc đến với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương...

Biết và đến Trung Lương rồi, nhưng so với lời bài hát tôi thấy có điều ngờ ngợ: Trung Lương ở Tiền Giang, sát nách Sài Gòn, chưa từng là một vùng hỏa tuyến, một vùng chiến sự dữ dội như nêu trong bài hát. Lại nữa, sao lại cho Trung Lương ở Tiền Giang đi với Gio Linh, Bến Hải, Hiền Lương là những địa danh ở Quảng Trị?

Tôi nghĩ ắt là Trung Lương nêu trong bài hát không phải ở Tiền Giang, mà là đâu đó gần vĩ tuyến 17, vùng hỏa tuyến.

Ác thay, tìm trên bản đồ tỉnh Quảng Trị không có địa danh hay đơn vị hành chính nào tên là Trung Lương. Bản đồ bây giờ không có, bản đồ ngày xưa cũng không có. Vậy chẳng lẽ đích thị Trung Lương nêu trong bài hát là ở Mỹ Tho, Tiền Giang?

Cuối cùng tôi cũng tìm ra:

Tháng 5 năm 1958, dưới thời Mỹ ngụy các huyện được đổi thành quận và Quảng Trị lúc đó gồm 7 quận: Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Ba Lòng và Trung Lương, tháng 6 năm 1965 lập thêm quận mới là Mai Linh, đến tháng 12-1967 sáp nhập quận Trung Lương vào quân Cam Lộ, tháng 4-1968 lập thêm quận Đông Hà.

Vậy Trung Lương là một quận của tỉnh Quảng Trị, địa danh này chỉ tồn tại trong 9 năm, từ tháng 5/1958 đến tháng 12/1967. Thảo nào mà tìm không ra!

Về vị trí địa lý, quận Trung Lương nằm ở phía Bắc Gio Linh, tức là sát với vĩ tuyến 17. Điều này giải thích được ý nghĩa của câu hát: Toàn dân thương Trung Lương, Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương.


Chấm đỏ trên bản đồ này là vị trí của Trung Lương

Các bạn đọc đến đây sẽ nói: Ông này thật là lẩn thẩn, nãy giờ đọc tưởng đâu nói chuyện gì mới mẻ, nào dè nói về một bài hát bây giờ bị cấm hát, nói về một địa danh bây giờ không hề tồn tại.

Ừ, đúng là lẩn thẩn thật các bạn nhỉ? Nhưng biết sao bây giờ, khi người ta già rồi và ngồi hoài niệm về dĩ vãng thì cũng cần có chút lẩn thẩn như vậy để tự an ủi mình. Các bạn thông cảm cho vậy nhé!

Phạm Hoài Nhân

21 nhận xét:

  1. Muon tra loi nhung anh Hai Au da tim duoc. Vi khi xua minh cung thac mac vay. :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bọn già mình khi nghe lại những bài hát này thật xao xuyến phải không anh? Tôi nghĩ rằng nhạc tâm lý chiến phải đi vào lòng người như vậy, chứ không phải hò hét om trời!

      Xóa
    2. nông dân Long Khánhlúc 23:15 8 tháng 5, 2013

      Tôi bắt đầu thích trang blog này,tôi mạo muội xin cảm ơn anh Phạm Hoài Nhân viết bài thật hay đi sâu vào tim những người hoài niệm xen lẫn tiếc nuối một thời XH tuy loạn lạc nhưng chan chứa tình ngừoi !

      Xóa
    3. Chào người bạn đồng hương Long Khánh.
      Cảm ơn anh (?) đã đọc và chia sẻ.
      Thân mến,

      Xóa
    4. cháu cũng đã từng thắc mắc về Trung Lương và k biết vùng hoả tuyến là ở đâu, bây giừ thì đã biết, cảm ơn chú. mà k chỉ ng già đâu chau còn trẻ nhưng thích những bài hát và tim hiểu lịch sử. quê cháu ở Biên Hoà , xin được làm quen

      Xóa
  2. có lẽ đây là lần đầu tiên trên net có người nhắc tới bài này. Bộ nhớ memory bây giờ tuy rẻ nhưng cũng phải... hà tiện một chút chứ đụng gì cũng... nhớ chịu sao thấu.

    Năm 1967 lần đầu tiên mình "lên" Long Khánh (vì sao gọi là "lên" thì coi bộ cũng khó cắt nghĩa nhưng cứ gọi là "lên" nghe hợp lý vì đang ở Biên Hoà "thấp" mà Long Khánh thì cao hơn, đèo Mẹ Bồng Con có cao độ 200 mét đó ...)ở ngay chính giữa nhà ga xe lửa LK. Chung quanh là các trại gia binh và cũng là nơi đóng quân của 1 trung đội An ninh thiết lộ ...

    Nói dài dòng như vậy vì mình nhớ lại cái đêm Đại đội ANTL trình diễn văn nghệ có dàn nhạc sống trống đàn đàng hoàng tại sân ga LK, có 1 em bé gái khoảng 8 tuổi hát bài "Thương về vùng hỏa tuyến", mình phục quá chừng vì bé gái nhỏ xíu xiu (ủa mình lúc đó cũng nhỏ .. mới 11 chứ mấy hix hix!) mà hát rất chuẩn ...

    mấy hôm sau vị Trung úy Đại đội trưởng tới nhà nói chuyện với ba mình có dẫn theo 1 bé gái, thì ra chính là bé đã hát bài đó, tuy còn ...nhỏ xíu mà lúc đó mình cũng thấy ... thích thích cô bé he he :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ủa tới đây là hết hả anh Nam Hòa?
      Còn khúc sau của "mình cũng thấy... thích thích cô bé" thì thế nào anh? Tò mò quá đi! :-)

      Xóa
  3. nếu anh chưa vừa ý thì mình viết tiếp ...
    sau đó cô bé hay qua nhà mình chơi với em gái mình, chơi nhảy cò cò, búng hột me ... rồi thỉnh thoảng hay hát những bài mà radio hồi đó thường hát như: Thương về miền đất lạnh, nỗi buồn hoa phượng ... ôi tiếng hát của một thiên thần nhỏ bé, chưa thể nói là mình lúc đó đã rung động hay ..gì gì, mà chỉ biết là ...thinh thích thôi!

    nếu mà thời bình, biết đâu mình còn gặp cô bé ấy lâu hơn, nhưng chỉ hơn 1 năm rưỡi sau, ông đại đội trưởng phải đổi đơn vị, TỪ ĐÓ TÔI ...MẤT EM MÃI MÃI! (Ba tôi cũng đổi đi đổi lại mấy tỉnh miền đông, lính mà đâu ở một chỗ được)

    Có điều, lúc cô bé sang nhà tôi chơi với em gái tôi, thường xưng hô mày tao, nên tới giờ tôi cũng không biết tên cô bé là gì, 45 năm trôi qua, có lúc muốn tìm lại người xưa mà cái tên còn không biết thì tìm bằng cách nào?

    Uả mà tìm để làm gì? Hổng biết nữa! tìm để mà...tìm như thế thôi! hix hic :)

    Trả lờiXóa
  4. Càng đọc càng mến, thích và khâm phục các bài viết của anh !

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bác đã cung cấp những thông tin kiến thức sâu sắc, những cung bậc tình cảm của một thời lịch sử.

    Trả lờiXóa
  6. Em rất thích nghe những bài hát ngày xưa. Bài nầy ca sĩ Hoàng Oanh hát rất hay. Những bài hát ngày đó cho dù hát cho ai nghe cũng thấm đượm tình người chớ không tanh mùi máu với giáo mác chông mìn

    Trả lờiXóa
  7. Em rất thích nghe những bài hát ngày xưa. Bài nầy ca sĩ Hoàng Oanh hát rất hay. Những bài hát ngày đó cho dù hát cho ai nghe cũng thấm đượm tình người chớ không tanh mùi máu với giáo mác chông mìn

    Trả lờiXóa
  8. Phục bạn luôn, bạn chịu khó tim tòi và sưu tầm những diều rất hay.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi cũng thắc mắc như tác giả và cũng từng đoán Trung Lương phải ở đâu đó gần cầu Hiền Lương. Cám ơn nhiều những tâm tinh của một thời...!

    Trả lờiXóa
  10. Tôi la nguoi que Trung Luong đây . Xin đươc noi thêm cho ro nhu thê nay:Sau Hiêp dinh Gioneve 1954 , phân đât cua huyen Vinh Linh o phia nam Vy tuyen 17 (sông Bên Hai ) duoc Chinh phu Viet Nam Công hoa thanh lap mot đon vi hanh chinh moi lay tên la quan TRUNG LUONG . Quân nay co 3 xa la Trung Son, Trung Giang va Trung Hai .Tên 3 xa nay vân đươc giu nguyên cho đên ngay nay .Trong thoi gian đâu tranh thông nhât đât nươc, luc luong khang chiên sap nhap quan TL vao quan Gio Linh va lay tên la huyen Gio Linh đê thuân tiên trong công tac chi đao khang chien va đia gioi huyên Gio Linh đươc giu nguyên nhu thoi ky 1954-1975 cho đên ngay nay.Vê phia Viet Nam Công hoa : Tư 1967 do trên đia ban quân TL thuc tê không con dân cư ,phân lơn dân TL đa đên đinh cư tai Tân Tương (Cam Lô)hoac ra Tân Ky (Nghe An), nên tên goi Trung Lương vơi tư cach la môt đơn vi hanh chinh không đươc đê câp nhiêu nưa !

    Trả lờiXóa
  11. Xin đươc nhăc lai vai câu trong mot bai hoc thuơ niên thiêu đê anh chi em cung hoai niêm vê môt thơi đa qua :"Đây Quang Tri Han Giang dai uôn khuc , gio phô buôn chêt lăng nhung chiêu hôm...Lên Cam Lô nui đôi vương đât đo ...Đên Trung Lương ranh giơi re đôi đương ..."

    Trả lờiXóa
  12. Xin cảm ơn bạn Ngọc Thảo Trang đã cung cấp thông tin chi tiết.

    Trả lờiXóa
  13. OK anh Pham Hoai Nhan ! Chuc anh luôn manh gioi ! Chao anh !

    Trả lờiXóa
  14. Cám ơn chú rất nhiều về các địa danh mà chú đã tìm hiểu và cung cấp cho người đọc ạ. Cháu người miền tây và cũng thích tìm hiểu về lịch sử của Việt Nam trước 1975. Cám ơn Thông tin của chú Dung Trang ạ

    Trả lờiXóa