31 thg 1, 2014

Chùa Xuân Hòa

Thuở ấy ở Long Khánh, nhà gia đình tui nằm trên đường Cộng Hòa (giờ là đường Cách mạng Tháng Tám), nhà ông bà ngoại nằm trên đường Thích Quảng Đức. Hai nhà chỉ cách nhau 500 met, tui thường đi bộ tới nhà ông bà ngoại. Gần như giữa đoạn đường ấy là chùa Xuân Hòa. Đi qua đi lại cổng chùa không biết bao nhiêu lần. Có khi đi vô chùa nhưng là vô chơi trong sân chùa chứ không phải đi lễ Phật (trẻ con mà). Thường thì đêm giao thừa hay ngày mồng Một Tết mới lon ton theo bà ngoại và má vô chùa lễ Phật. Dù là đi lễ chùa, đi chơi hay đi ngang qua thì ngôi chùa ấy cũng là hình ảnh quá thân quen, gần gũi của những ngày thơ ấu.


Tam quan chùa Xuân Hòa. Ảnh: Võ văn Tường


Vị trí A là nhà ông bà ngoại. Vị trí C là nhà gia đình tui. Vị trí B là chùa Xuân Hòa. Chùa Xuân Hòa tọa lạc tại số 123 đường Nguyễn văn Cừ.

Chùa Xuân Hòa được lập năm 1925, lúc đó là ngôi chùa làng mái tranh, vách tre. Ba tui (sinh năm 1936) kể rằng hồi ông còn nhỏ đã có ngôi chùa này, và lúc đó chùa đã có cột gỗ. Năm 1963 chùa được xây gạch, lợp ngói, đúc cột bê tông cốt thép.


Toàn cảnh chùa Xuân Hòa. Ảnh: Võ văn Tường

Sát bên chùa Xuân Hòa là đình Xuân Lộc. Đây là ngôi đình làng cổ xưa, được lập nên từ năm 1912, tới nay đã hơn trăm năm.


Đình Xuân Lộc. Ảnh: website TX Long Khánh

Đình gần như nằm cạnh bên nhà ông bà ngoại. Tui nhớ ngày xưa mỗi lần cúng đình thường lăng xăng ra coi... hát bội. Từ hồi còn trẻ, ba đã tham gia sinh hoạt của đình. Hồi đó mỗi lần cúng đình ngoài chuyện coi hát bội, tui còn đi coi ba làm học trò lễ, mặc áo xanh, đi hia bước từng bước hành lễ ngộ lắm! Sau này khi về già, cho đến trước khi mất, ba nằm trong Ban quý tế của đình.

Ngày 28/03/2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định công nhận cụm di tích Đình Xuân Lộc - Chùa Xuân Hòa là di tích cấp tỉnh. Trong hồ sơ xin công nhận di tích có nhắc đến các chi tiết: Đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa là nơi diễn ra các cuộc hội họp của quân dân Xuân Lộc trong Tổng khởi nghĩa, nổi dậy cướp chính quyền tại quận lỵ Xuân Lộc vào tháng Tám năm 1945. Chùa Xuân Hòa là cơ sở của cách mạng. Một số nhà sư với tấm lòng yêu nước, đã hoạt động, đấu tranh cách mạng và hy sinh anh dũng.

Ba tui khăng khăng phản đối các chi tiết này. Ông nói: Đình là đình, chùa là chùa. Đó là nơi sinh hoạt tìn ngưỡng của người dân. Ba đã gắn bó với đình và chùa này cả đời rồi, không thấy ở đây có hoạt động cách mạng nào hết!

Tui nói với ba rằng chắc họ có hoạt động cách mạng cũng không cho ba biết, vì ngày xưa ba là công chức chế độ cũ! Thêm nữa, hồ sơ xin công nhận di tích phải vẽ vời, tô đậm các chi tiết hoạt động cách mạng thì mới... dễ được công nhận chớ! Ba tui vẫn nhất định không chịu, cho rằng đó là những chi tiết bịa đặt. Tui nghĩ bụng: chắc không nhiều thì ít cũng từng có... Việt Cộng vô chùa, không phải chùa chứa chấp thì cũng... bị ép. Và cũng cần biết rằng Đình Xuân Lộc - Chùa Xuân Hòa được công nhận là Di tích Lịch sử chớ không phải Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.



Chùa Xuân Hòa năm 2010. Ảnh: Phạm Hoài Nhân


Bên trong đình Xuân Lộc. Ảnh: Phạm Hoài Nhân, 2010

Nhiều năm đã trôi qua rồi. Ngôi nhà của ông bà ngoại đã bị cháy rụi bởi bom đạn từ tháng 4/75, nhà gia đình tui ở Long Khánh đã không còn từ năm 2011. Ông bà ngoại, rồi ba má đã lần lượt qua đời.

Tui cũng đã giã từ Long Khánh từ 1977, gần bốn mươi năm rồi. Mấy mươi năm qua tui đã viếng nhiều chùa ở khắp cả nước, mỗi nơi có những nét đặc sắc riêng. Có nơi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, có nơi kiến trúc đặc sắc, có nơi gắn liền với nhiều huyền thoại... So với những nơi ấy ngôi chùa Xuân Hòa thời thơ ấu của tui đơn sơ lắm.

Thế nhưng Tết năm nay tui sẽ về thăm viếng ngôi chùa Xuân Hòa ngày xưa. Không phải vì đây là di tích cấp tỉnh đã được công nhận đâu, mà vì nơi đây lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm thuở nào. Bao nhiêu cuộc đời đã qua đi, qua đi...


Phạm Hoài Nhân

1 nhận xét: