20 thg 2, 2015

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

1.
Nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường vốn quê quán ở... Biên Hòa. Chiều mồng Hai Tết Ất Mùi ông về cố hương thăm lại dòng sông Đồng Nai. Ông ngơ ngác ngó dáo dác, cóc có thấy sông Đồng Nai đâu hết, Chỉ thấy có chiếc máy xúc nằm chình ình như cái vòng kim cô nhốt núi Châu Thới phía xa xa, còn nơi là dòng sông thuở nào của ông là một bãi đá, bụi mịt mù.




Cảm thán, Thôi Hiệu sáng tác mấy câu thơ:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Dịch nghĩa:

Chiều tối, cóc biết quê nhà ta ở cái xứ nào
Chỉ thấy bụi mù trên sông làm ta rầu thấy mẹ!

2.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng về thăm Biên Hòa vào dịp này. Trên đường đi, Hoàng Hiệp kể với Trịnh Công Sơn về dòng sông Đồng Nai quen thuộc của mình:

Sông vẫn như thuở ấy
vẫn con đò ngang đón đưa người sang, và từng đêm hát ru đôi bờ

Thế nhưng khi hai người về tới Biên Hòa thì con sông Đồng Nai đâu còn vẫn như thuở ấy, mà đang bị lấp dần từng khúc, từng khúc. Trịnh Công Sơn nghẹn ngào:

Nhìn nhau ôi cũng như mọi người
Có một dòng sông đã qua đời.

3.
Ta biết rằng nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên quê quán ở Biên Hòa, và dòng sông Đồng Nai là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ Khúc tình buồn đã được Phạm Duy phổ nhạc thành Thà như giọt mưa, trong đó có đoạn:

Người từ trăm năm 
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông lồng lộng
Chỉ thấy sông chập chùng



Tết năm nay, hương hồn Nguyễn Tất Nhiên bay về thăm lại dòng sông xưa. Ông bàng hoàng thấy dòng sông chập chùng năm xưa đang bị lấp hẹp dần. Ông cảm thán sáng tác bài Khúc tình rầu:

Người từ trăm năm 
Về qua sông hẹp
Ta ngoắc mòn tay
Ta ngoắc mòn tay
Chỉ thấy sông hẹp dần
Chỉ thấy sông hẹp dần.


Phạm Hoài Nhân
Ghi chép lại vào chiều mồng 2 Tết bên dòng sông Đồng Nai đang bị lấp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét