Giống như đảo, nhưng nhỏ hơn thì gọi là hòn.
Nhỏ hơn hòn, và nằm trên sông thì gọi là cù lao.
Vậy đố bạn, cũng ở giữa bốn bề sông nước như vậy mà nhỏ hơn cù lao thì gọi là gì?
Cù lao trên sông Tiền
Bạn chịu thua chưa?
Câu trả lời của tui: Nhỏ hơn cù lao thì gọi là... cái lẩu! (cũng nổi lên giữa bốn bề đầy nước và có cả tôm cá lội!)
Chuyện trên tui chế ra cho vui thôi, nhưng thật ra có nguyên do.
Hồi tui còn nhỏ xíu, ông bà ngoại tui luôn luôn gọi cái lẩu là cái cù lao. Và tui ghi nhận rằng cái vật đổ nước xung quanh, ở giữa có cái lò than nhô lên để làm nóng ấy tên là cù lao. Mãi tới sau này tui mới biêt người ta kêu nó là lẩu.
Những nhà ngôn ngữ học giải thích rằng chữ lẩu bắt nguồn từ chữ lô trong tiếng Tàu, nghĩa là cái lò. Không thấy ai nói nó là cái cù lao hết.
Bây giờ tui cũng không thấy ai gọi cái lẩu là cái cù lao, trừ ông bà ngoại tui ngày xưa đó. Thế nhưng tui vẫn tin rằng cù lao đã từng là một từ thông dụng để gọi cái lẩu. Các bạn có ai đã từng gọi lẩu là cù lao, và biết được xuất xứ của từ này xin cho tui biết với.
(Ghi chú: ông ngoại tui là người Tàu, bà ngoại là dân miền Tây ở Cái Bè. Không biết chữ cù lao này xuất phát từ dân miền Tây hay từ người Tàu nhỉ?)
Phạm Hoài Nhân
Bà ngoại tui cũng kêu cái lẩu là cái cù lao
Trả lờiXóa(ông ngoại tui cũng là người Tàu, bà ngoại là dân Chợ Mới, Long Xuyên nên tui cũng théc méc giống anh) hihihi
Hi hi, cảm ơn câu trả lời... trớt quớt của anh Yên Sơn!
XóaCái đất "nhỏ hơn hòn" giống cái cù lao/lẩu nên gọi luôn là cù lao đó, anh Nhân à!
Trả lờiXóaHồi nhỏ, DCT vẫn nghe ông bà cha mẹ gọi là cái cù lao. Cái lẩu mới nghe khoảng 10 -20 năm gần đây.
Trả lờiXóaBà nội DCT người Tàu, ông nội người Vĩnh Long.
Cái lẩu mà dân sài gòn ăn mới gọi là cái lẩu chỉ có cái nồi như canh để trên bếp ... Còn cái cù lao nó là cái cù lao giống như trong hình mặc dù cũng đầy đủ nguyên liệu như cái lẩu nhưng cù lao ở các tỉnh miền Tây nó khác hoàn toàn nó phải có đủ các thứ như: tôm, mực, thịt, chạo tôm(giống tôm viên), trứng cuộn chả, cải bắp trắng...
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Hung Lam Nhat đã góp ý.
XóaLẩu là tên gọi từ miền Bắc du nhập vào Nam sau ngày 30.04.1975 chứ trước đây dân Nam bộ gọi đó là cù lao chứ không gọi là lẩu
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Lâm Thanh Quang đã góp ý.
XóaRất cảm ơn mọi người đã góp ý. Có thể kết luận như thế này chăng:
Trả lờiXóaCù lao (vùng đất nổi giữa sông) có gốc tiếng Mã Lai là poulo - như vậy không có liên quan đến tiếng Hoa. Trước đây người Việt, đa số là miền Tây Nam bộ nhưng cũng có cả các miền khác - gọi cái lẩu bây giờ là cù lao vì hình dạng của nó có cái lò than ở giữa vùng nước giống như cù lao. Còn tên gọi lẩu mới thật sự xuất xứ từ tiếng Hoa là "lô", nghĩa là cái lò.
Quê con ở cù lao Ông Chưởng, Chợ Mới, An Giang. Chừng 20 năm về trước, con nhớ đám cưới, đám tiệc người ta hay đãi những món như trong hình của chú, gọi là món cù lao, nguyên vật liệu cũng như lẩu bây giờ nhưng hồi đó không có kiểu chua cay như lẩu bây giờ. Để than ở giữa, thức ăn ấm ấm thôi chứ không được sôi sùng sục thế này. Con ấn tượng món này vì nó cũng giống quê con, một cái cù lao nằm giữa sông
Trả lờiXóaVấn đề thứ hai, quan điểm cá nhân thôi, con không dám khẳng định, dưới quê con: nhỏ hơn cù lao thì gọi là cồn. Ví dụ: cù lao ông Chưởng, cù lao Giêng và nhỏ hơn là cồn Phước
Về vấn đề thứ hai, chắc đúng vậy đó bạn.
XóaNgười miền Tây gọi vùng đất lớn giữa bốn bề sông nước là cù lao, nhỏ hơn thì gọi là cồn. Thí dụ ở Bến Tre có cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hòa (lớn), cồn Phụng (nhỏ). Ở Tiền Giang có cù lao Thới Sơn, gọi là cồn Thới Sơn cũng được (chắc tại nó... lớn vừa vừa). Riêng ở Đồng Nai thì hầu như không nghe từ cồn, mà chỉ có cù lao, thí dụ: cù lao Phố, cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng... :-)
Nhỏ hon cù lao gọi là cồn đấy!
XóaTrong từ thập niên 90 đổ về trước, trong đám cưới hoặc giỗ thì món cuối cùng luôn là cù lao, cơm và thịt kho rệu để khách chắc bụng hoặc để giải cảm sau những ly rượu mừng! Không như bây giờ là lẩu thái, lẩu cua, lẩu ngọt....
Trả lờiXóa