12 thg 2, 2015

Chùa Đất Sét, ngày trở lại

Tôi đến chùa Đất Sét ở Sóc Trăng lần đầu vào năm 2001. Đây là ngôi am tự nhỏ mà tất cả các tượng Phật đều được làm bằng đất sét (884 tượng độc lập và khoảng 1200 tượng nhỏ trong các nhóm tượng), có đôi đèn cầy được thắp sáng liên tục suốt mấy chục năm... Toàn bộ công trình này được thực hiện bởi bàn tay của một con người trong suốt 42 năm: cư sĩ Ngô Kim Tòng, (xem bài viết Chỉ là đất sét)

Rất ấn tượng với công trình nghệ thuật - tín ngưỡng này, tôi liên tục trở lại đây nhiều lần vào các năm 2002, 2003 để giới thiệu cho những người thân quen. Hồi ấy tiếp chúng tôi là một ông cụ già, tự giới thiệu là em ruột ông Ngô Kim Tòng. Lần nào cũng vậy, ông đều kể tỉ mỉ cùng chúng tôi lai lịch của những bức tượng, cách thức người anh của mình là Ngô Kim Tòng đã tạo nên những cặp đèn cầy như thế nào. Chỉ nhỏ hơn ông Ngô Kim Tòng độ 10 tuổi, nên những kỷ niệm cùng người anh thân yêu vẫn đậm nét trong ông, ông kể lại với tấm lòng trân quý người anh của mình cùng di sản của anh ấy. Tôi nhớ, ông như muốn khóc khi chỉ những vết hằn trên bức tượng voi trắng: Khách vô đây họ hổng có ý thức. Tui nói tượng làm bằng đất sét mà họ hổng tin. Họ bấm, họ bẻ coi có phải đất sét thiệt hông. Họ làm tượng của ông anh tui bị hư hại.

Ông Ngô Kim Giảng, em ruột ông Ngô Kim Tòng, người trông coi chùa Đất Sét với nhiều tâm huyết. Ảnh chụp năm 2001.

Bẵng đi hơn 10 năm, tháng 2/2015 tôi mới có dịp về thăm lại chùa Đất Sét. Cảnh vật vẫn như xưa, những bức tượng vẫn như xưa. Mà di tích này phải như xưa thôi, không thể nâng cấp hay trùng tu được, nếu không nó sẽ chẳng còn là chính nó.

Thế nhưng vẫn có những điều thay đổi...

Cặp đèn cầy trong ảnh trên được thắp từ năm 1970 (năm ông Ngô Kim Tòng qua đời), đến thời điểm chụp ảnh đã cháy liên tục hơn ba mươi năm. Khi tôi trở lại thăm thì cặp đèn cầy đã cháy được 45 năm và vẫn đang tiếp tục cháy, chỉ có điều đã tới gần sát chân đèn.

3 cây nhang năm 2001

... và năm 2015 (người già thêm 14 tuổi, còn nhang chưa thắp nên vẫn còn nguyên!)

Đa số các tượng được bao phủ trong lồng kiếng, có đèn chiếu sáng và có bảng thuyết minh (trước đây không có bảng thuyết minh, nếu có thì viết khá nguệch ngoạc bằng nét chữ của người thôn quê)

Năm 2015

Trước đây thuyết minh được viết ngắn gọn trên bìa cứng và treo toòng teng như thế này. Ảnh năm 2002.

Người xưa đâu?

Không còn thấy ông cụ Ngô Kim Giảng ra tiếp chúng tôi nữa, chúng tôi tự mình đi lang thang trong chùa. 

Và rồi tôi đã tìm thấy ông tại đây:


Ông cụ đã qua đời 5 năm rồi! Bây giờ ngôi chùa Đất Sét do con cháu của các ông (Ngô Kim Tòng, Ngô Kim Giảng...) trông coi. Có lẽ sự cách xa đến 1 - 2 thế hệ khiến sự gắn bó của các vị này với ngôi chùa không được như cha chú ngày xưa.

Ngoài ra có một điểm khác nữa. Có thêm một bàn thờ trang trọng, thờ một vị không phải là Phật. Bàn thờ đó đây:


Xin được nhắc lại, chùa Đất Sét tên chính thức là Bửu Sơn tự, khởi thủy là một am nhỏ do gia đình lập ra để tu tại gia từ cách đây hơn 200 năm. Cho đến giờ đây vẫn là ngôi chùa gia đình để thờ Phật, không có sư trụ trì. Ngôi chùa lập ra không phải do chỉ đạo của ai, cũng không nhằm mục đích làm điểm du lịch. Khách thập phương đến viếng nơi đây vì muốn chiêm ngưỡng một công trình tâm huyết, bàn tay tài hoa của một con người.

Tôi đọc được một thông tin rằng chùa Đất Sét được UBND tỉnh Sóc Trăng ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa ngày 10/12/2010. Có lẽ vì thế nên có bàn thờ nói trên chăng? Có cần như thế chăng?

Vào chùa không phải là vào khu du lịch, nên đương nhiên không bán vé, thu phí (đâu phải do Nhà nước làm ra, cũng không phải do nhà đầu tư nào bỏ tiền xây dựng). Khi chúng tôi rời chùa để lên xe ra về (xe đậu bên kia đường, dưới bóng cây) thì lái xe nhăn nhó đưa xem phiếu thu: Mình đậu xe ở đây mà nó thu phí 15.000 đ. Phiếu thu ghi đơn vị thu là UBND Phường!

Thôi, nhiêu đây đủ rồi. Không kể nữa!

Phạm Hoài Nhân
2/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét