Tháp Chăm Po Sah Inư. Ảnh: Wikipedia
Chính vì thế những ngôi tháp Chăm đầu tiên mà một người sinh ra ở Đồng Nai như tôi được nhìn thấy chính là những ngôi tháp ở Phan Thiết này. Biết từ hồi còn nhỏ xíu, từ cái thuở mà biết chẳng tới đâu cũng cứ tưởng là mình biết nhiều lắm.
Sau này đi đó đi đây, thăm viếng các tháp Chăm ở xa hơn, như Phan Rang, Nha Trang, Bình Định, Quảng Nam.... có khi nào ghé lại tháp Chăm Phan Thiết đâu! Vì nó gần xịt ấy mà, cái gì gần quá, biết từ lâu quá dễ bị coi thường lắm.
Rồi một người bạn ở nước ngoài dắt con về thăm Việt Nam. Chú nhóc mới về Việt Nam lần đầu, và ba nó muốn cho con biết thế nào là tháp Chăm. Chuyện nhỏ! Tôi dắt cháu tới thăm tháp Chăm Phan Thiết, yên tâm rằng mình sẽ thuyết minh cho chú bé ngon ơ! Ngồi trên xe, tôi tía lia giải thích rằng: Mình sẽ tới thăm ngôi tháp Chăm tên là Poshanư, được xây dựng từ thế kỷ XV, thờ một nàng công chúa Chăm.
Hic, coi vậy mà không phải vậy! Hóa ra mình nói hổng trúng đâu vô đâu hết!
Tháp tên là gì cũng hổng biết! Tên tháp, như ghi ở bia này là Pô Sah Inư, không phải Pôshanư như tôi vẫn nhớ. Ngoài ra tháp còn có tên là Phú Hài.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Í, nhưng vẫn có một cái resort không xa nơi đây, có thên là Poshanu đó nghe (Poshanu chớ không phải Pô sha nư).
Sau này, khi về tra lại bằng Google, tôi thấy người ta còn ghi là Pô Sa Nư, Pô Xahinư. Nhưng rõ ràng và chi tiết nhất chính là thông tin từ Ngô văn Doanh (trong sách Tháp cổ Chămpa, sự thật và huyền thoại): Pô Sa Inư là phiên âm từ tên tiếng Chăm Po Cah Anaih nghĩa là Nàng Sa (Cah) bé.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Tháp xây hồi nào cũng hổng biết! Tháp thờ ai cũng hổng biết!
2 điều này có liên quan với nhau. Có một tài liệu mà tôi xin photo được lúc thăm tháp Poklong Garai (Phan Rang), đó là sách Truyền thuyết về các tháp Chăm trên miền đất cực Nam Trung bộ do ông Bồ Xuân Hồ biên soạn. Ông Bồ Xuân Hồ biên soạn sách này theo tư liệu gia tộc do cha ông là Bồ Thuận để lại. Cụ Bồ Thuận (đã qua đời) là một trí thức người Chăm đã từng làm việc tại trường Viễn đông Bác cổ. Do đó độ tin cậy của những tư liệu trong sách khá cao.
Theo cụ Bồ Thuận, thì Pô Sah Inư là con gái của vua Chăm Parachanh (vị vua này còn có con trai tên Pô Dam, tức Trà Duyệt, sau này nối ngôi vua. Ở Bình Thuận có tháp Pô Dam thờ ông. Pô Dam là em của Pô Sah Inư). Cuối thế kỷ XIV, có giao tranh giữa quân Chiêm và Việt tại thành Đồ Bàn (Bình Định). Vua Chiêm thua, công chúa Pô Sah Inư bị bắt đưa về Huế và sau đó trở thành thứ phi của vua Lê Nhân Tôn, có con trai tên là Lê An.
Chuyện kể rằng bà đã cùng con trai bỏ trốn khỏi cung đình, xuôi về Nam, tới vùng đất Bình Thuận ngày nay. Đối với người Chăm, bà là người có công lớn, đã tổ chức cho dân Chăm canh tác làm ăn nâng cao đời sống, cùng với em mình (là vua Pô Dam, Trà Duyệt) tham gia hướng dẫn các công trình thủy lợi vùng phía Nam Panduranga (từ Tuy Phong đến Tánh Linh). Chính vì thế dân Chăm tạc tượng thờ bà trong tháp, đặt tên tháp là Pô Sah Inư.
Nếu đúng như vậy thì tháp này được xây dựng vào thế kỷ XV. Cụ Bồ Thuận cũng cho rằng như vậy.
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Thế nhưng theo bia giới thiệu ghi ở tháp thì tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ IX, năm trăm năm trước khi nàng công chúa này sinh ra!
Niên đại này (thế kỷ IX) được các nhà nghiên cứu đề ra, dựa theo so sánh đặc điểm kiến trúc tháp với các công trình cùng thời.
Nhà nghiên cứu Ngô văn Doanh cũng có ý kiến tương tự như vậy. Trong tài liệu của ông (nêu trên) ông lại cho rằng Pô Sah Inư không phải là tên công chúa, mà là tên con gái của nữ thần Pô Nagar.
Pô Nagar là vị nữ thần Mẹ của người Chăm, (ngôi tháp Bà Pô Nagar ở Nha Trang là nơi thờ Bà). Theo truyền thuyết, bà Pô Nagar có... 97 ông chồng, sinh ra 38 cô con gái. Po Cah Anaih (Pô Sah Inư) là một trong số những người con gái nổi tiếng của Bà, và như vậy tháp Pô Sah Inư là đền thờ con gái nữ thần Pô Nagar.
Ngô văn Doanh là nhà nghiên cứu tên tuổi về văn hóa Chămpa, nên ý kiến của ông rất có giá trị. Căn cứ theo điều này, cùng với phân tích về kiến trúc ngôi tháp, thì xác định niên đại của tháp là thế kỷ IX không có gì là mâu thuẫn.
Tôi không phải nhà nghiên cứu, nên chỉ đọc và đưa lên đây để mọi người cùng xem cho vui. Chẳng biết ai đúng, ai sai. Còn trong lúc kể chuyện với chú bé Việt kiều thì tôi nói gì à? Thì chỉ cho nó coi trong đền tháp đây là cái linga nè, đây là cái yoni nè. Con có biết linga, yoni là cái gì hông? May mà nó hổng hỏi gì thêm, nếu nó hỏi thêm nữa, tôi sẽ... nói ẩu!
À, có một điều hơi bực mình khi tham quan tháp Chăm Pô Sah Inư. Không biết ở sát bên khu di tích cổ Chămpa này người ta xây một công trình kiến trúc gì theo kiểu Tàu, nhìn vàng vàng đỏ đỏ, đứng góc nào chụp cũng bị lọt vô khung hình tháp cổ. Dị hợm hết sức!
Hãy so sánh 2 ảnh này (có ngôi đền vàng vàng đỏ đỏ phía sau) với ảnh của Wiki phía trên để... cảm thấy đau khổ! Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Phạm Hoài Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét