23 thg 9, 2022

Nghe kể chuyện đời xưa, có ông già leo núi...

Hồi đó, cách nay hơn hai chục năm, tức là hồi tui còn trẻ hơn bây giờ á, đường lên núi Tà Cú chưa có cáp treo. Muốn lên núi viếng chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm lớn nhất châu Á chỉ có thể leo bộ.

Khu Du lịch núi Tà Cú hiện giờ

Tui nghe những người đi trước hù rằng lên núi cực lắm, ốm yếu và lớn tuổi như tui coi chừng leo hổng nổi. Tui cười thầm trong bụng, nghĩ: tưởng gì chớ leo núi thì mấy người ốm ốm như tui mới là có lợi thế, vì nhẹ cân đỡ tốn sức hơn. Với lại hồi đó tui chỉ mới hơi già già thôi. Đã nói là hồi đó còn sung, nên tui thử tính: 

Chùa ở độ cao khoảng 450 met, quãng đường phải đi bộ là 2,4 km. 
  • Công tiêu hao là A = F.s, trong đó F là lực tác động vào vật theo phương dịch chuyển, trong trường hợp này là trọng lực, s là đoạn đường di chuyển theo phương của lực, tức là chiều cao phải vượt qua là 450 met. Tui ốm, nhẹ ký, tức F nhỏ, vậy tốn công ít hơn.
  • Đi 2.400 met để lên 450 met, vậy sin(x) = 450/2400 = 0,1875. Suy ra x = 10,8º. Thiệt là một độ dốc nhỏ xíu hà, nhằm nhò gì! 
Vậy là tui tổ chức cho nhân viên công ty cùng đi tham quan chùa núi Tà Cú, chừng hơn chục mạng. Với cái thói rề rà cộng thêm thời gian ăn sáng, uống cà phê tụi tui tới chân núi khoảng 9 giờ 30 sáng và bắt đầu hành trình lên núi.

Đường lên núi Tà Cú không có bậc cấp mà chỉ có đá dốc tự nhiên, người dân phát quang tương đối để dễ nhận ra đường. Khá khó đi và dễ... mệt.

Thỉnh thoảng có những chỗ tương đối thoáng, cả đoàn dừng lại... thở.

Hình như là hơi bị mệt hơn so với dự kiến ban đầu.

Cứ khoảng 100 met đường dài là có một cột mốc (như cột cây số) cho biết là đã đi được bao xa, còn bao xa nữa tới. Thường thì gần đó có một điểm nghỉ chân.

Lúc đầu thì còn cười khi dể, ta còn khỏe quá mà, đi cho lẹ chớ vô nghỉ làm gì. Sau mệt quá chỉ mong có trạm dừng để nghỉ.

Sau nữa thì mệt quá, chỗ nào nghỉ được thì nghỉ.

Cuối cùng cũng lên được tới chùa

Và tới đứng dưới chân tượng Phật

Do tính toán sai (nói cho chính xác là hổng biết tính toán gì hết) nên tụi tui lên tới nơi lúc gần giữa trưa, nắng đổ lửa, mệt đuối. Hừm, mấy công thức tính trên kia phải coi lại, thiếu thông số!

Ở trên núi, tui gặp mấy ông già bà già trên dưới 70 đang vô chùa lễ Phật. Tui vừa thở phì phò vừa ngạc nhiên hỏi: Ủa, mấy cụ lên đây bằng cách nào hay vậy? Trả lời: Thì tụi tui đi bộ lên chớ sao! Hỏi: Ủa, vậy chớ mấy cụ hổng mệt sao? Trả lời: Tụi tui đi từ sớm tinh mơ. Thủng thẳng mà đi, vừa đi vừa niệm Nam mô. Mệt thì nghỉ. Rồi thì cũng tới hà. Mình có lòng thành thì cái mệt nào cũng qua.

Rồi tụi tui xuống núi. Tui tính rồi, khi xuống núi thì lực cản bằng 0, thậm chí âm nữa, nên sẽ không tốn công, và tất nhiên là không mệt. Vậy là xuống núi khi trời vẫn đang trưa nắng gắt. Ờ, vậy mà cũng sai nữa...

Đường xuống núi đúng là không lên dốc, hoặc có thì chỉ vài đoạn ngắn kiểu leo đèo, nhưng vì không có bậc thang đàng hoàng mà chỉ toàn đá dốc nên phải ghì người bám vào đá để khỏi té chúi nhủi. Điều này khiến mệt không kém leo núi.

Cuối cùng rồi cũng xong, đi bộ ra tới chỗ đậu xe. Thấy có khí thế hông?

Tui còn lên núi Tà Cú nhiều lần nữa, khi đã có cáp treo. Khách du có thể chọn phương án leo bộ hay đi cáp treo. Đi cáp treo tốn tiền nhưng... thôi kệ, mình đi cáp treo cho nó nhanh mà (chớ không phải sợ leo núi mệt đâu).


Từ nhà ga cáp treo, muốn lên tới chùa phải qua những bậc thang tít tắp này. Rồi từ chùa, muốn lên tượng Phật nằm phải leo núi một đoạn nữa.


Lần gần đây nhứt, cách đây vài năm, nhìn mấy bậc thang này tui đã ngán ngẩm và trên đường lên tui đã phải ngừng để thở mấy lần.

Hổng biết lần sau nữa lên đây (nếu có) thì mình có đi bộ lên chùa nổi hông hay đành dừng chân ở ga đến cáp treo để ngắm trời mây non nước và hát bài Chuyện đời xưa - chuyện đời nay của Thế Hiển:

Nghe kể chuyện đời xưa
Có ông già leo núi
Leo một tay một chân
Té chết cha ông già!


Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét