25 thg 7, 2015

Bông phấn

Miền Nam gọi hoa là bông. Từ nhỏ tôi đã gọi vậy rồi. Khi viết thì để tỏ ra văn vẻ, bông được đổi thành hoa. Nói thì là bông mai, bông hồng, bông huệ... còn viết thì là hoa mai, hoa hồng, hoa huệ... Thế nhưng có một số loại kêu là bông quen quá rồi, đến khi đổi thành hoa thì thấy kỳ kỳ. Bông bụp là một trường hợp đặc biệt, không gọi là hoa bụp, miền Bắc gọi nó là hoa dâm bụt. Một trường hợp nữa là bông phấn. Trường hợp này là do tôi thôi, đây là một loại bông được trồng trong vườn nhà từ hồi tôi còn nhỏ, kêu nó là bông phấn quá quen rồi mà trong văn chương ít thấy nhắc tới nó, nên khi đổi thành hoa phấn nghe kỳ quá.



Thật lòng tôi chẳng có sự yêu thích đặc biệt nào với bông phấn hết, vì nó đơn giản quá. Chỉ là nhơ nhớ vì ngày xưa nhà mình trồng nhiều, còn bây giờ ở thành phố chẳng thấy nó đâu. Bông phấn mau héo, và khi héo thì nó rũ xuống ngó thiệt tệ. Phần bầu ở dưới kết thành hột cứng và đen thui, khi đập ra bên trong là chất bột màu trắng (nên gọi là bông phấn?).

Bông phấn thì mỏng manh

Hột thì cứng chắc, đen thui, bên trong là bột trắng

Bữa nay, tôi tìm thử trên Internet, mới phát hiện vài chuyện. Thứ nhất là bông phấn vẫn được gọi là hoa phấn chớ không phải chỉ kêu là bông phấn như tôi nghĩ. Thứ hai, bông phấn còn có tên là hoa bốn giờ vì nó nở sau 4 giờ chiều (điều này có đúng hông ta?).

Và đặc biệt là một bài viết về hoa phấn của một nhà tu, rất lạ mà tôi xin trích lại sau đây:

Hoa phấn

Trong vòng đời, cái được thể hiện ra bên ngoài và cái được nuôi dưỡng ở bên trong đôi khi là sự tương chiếu giữa đen và trắng, giữa ngày và đêm... Hoa có duyên với trăng, cả hoa và trăng cùng nhập hồn vào chất bột mịn trắng ngần, để những nét hoa của đời rạng ngời sức sống.

Cây hoa phấn thuộc loài thân thảo, danh pháp là Mirabilis jalapa. Hoa hình phễu, màu tím, hồng, trắng, vàng, có thể đổi màu từ vàng sang hồng, từ trắng sang tím tuỳ vào độ tuổi của cây. Người Việt còn gọi hoa phấn là hoa yên chi, người Trung Quốc thì gọi là hoa nhài tím (Tử mạt lị hoa - 紫茉莉花 - một cái tên nghe rất Ấn), hay hoa phấn trắng (白粉花)...

Hoa phấn nở thì thầm vào lúc trời bắt đầu ngả rạng, hương thơm dịu, như nhắn nhủ ai đó đón chờ người thân của mình trở về trong mỗi bữa cơm chiều. Vì thế chỉ cần nhìn hoa phấn nở vào lúc những sợi khói trắng bay lên từ ngôi nhà xa xa, hay khi nhìn con nước bắt đầu dâng lên, là người ta nhớ về mái ấm gia đình của mình. Hoa phấn còn có tên là dạ phạn hoa (夜飯花), hay triều lai hoa (潮来花) là thế. 


Dù có tên gọi hoa phấn, nhưng không nhằm chỉ cho sắc màu của hoa, mà chỉ cho một chất bột trắng mịn nằm ở bên trong quả. Từ xưa, chất bột ấy đã được người ta khám phá dùng để trang điểm, làm đẹp. Mỹ lực của tự nhiên là sự hoà điệu giữa hình sắc muôn màu và tinh tuý được kết tụ thành quả. Nếu vội vã, người ta thưởng hoa xong sẽ quên ngay không thèm ngó nghiêng gì đến sự sinh sôi từ những hạt mầm đang nối tiếp.

Trong vòng đời, cái được thể hiện ra bên ngoài và cái được nuôi dưỡng ở bên trong đôi khi là sự tương chiếu giữa đen và trắng, giữa ngày và đêm... Hoa có duyên với trăng, cả hoa và trăng cùng nhập hồn vào chất bột mịn trắng ngần, để những nét hoa của đời rạng ngời sức sống.

Hoa giấu phấn vào trong hạt để đợi người biết thưởng hoa thơm hồng đôi má. Khốn nỗi, người bận rộn nhất thế gian thường là những người cứ vẩn vơ luyến ái với danh sắc của mình lúc tuổi đã xế chiều, đâu biết đến cái thú chơi hoa thơm lừng cả áo. Biết làm đẹp cho mình đã đành, nhưng dễ có mấy ai biết tha thứ cho nhan sắc của mình để hiểu rằng thời tiết nào của nhân gian mà không có hoa tàn hoa nở.

Kịp thấy hoa già mau đổi sắc,
Nhìn đôi mắt tượng ngắm hoàng hôn…


(Viết tặng những người yêu hoa)

Tác giả bài viết: Thích Thanh Thắng

Thật là bất ngờ! Có hay đâu cây bông phấn đơn sơ lại chứa đựng những triết lý sâu xa như vậy chứ!

Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Hồi nhỏ hay hái hoa này ép khô trong vở. Vì sao? Chắc vì nó có mặt mọi nơi, dễ thấy dễ kiếm cho lứa tuổi học trò.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy à? Mình thì hình như không hề ép khô loại hoa này. :-)

      Xóa