2 thg 7, 2015

Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng là một ngôi nhà thờ cổ ở Tuy An, Phú Yên, được khởi công xây dựng từ năm 1892. Ngôi nhà thờ này cách thành phố Tuy Hòa khoảng 35 km về hướng Bắc, gần thắng cảnh Gành Đá Đĩa (cách khoảng 10 km), vì vậy kết hợp tham quan 2 điểm đến này là hợp lý. Nhà thờ nằm bên bờ sông Cái (sông Kỳ Lộ), nếu đi theo quốc lộ 1 từ hướng Quy Nhơn thì đến thị trấn Chí Thạnh, vừa qua cầu Ngân Sơn gặp ngã 3 rẽ trái khoảng 2 km là tới.

Đến đây ta có thể tham quan 3 trong 1 luôn đó.

1. Tham quan ngôi nhà thờ cổ trên 100 năm với kiến trúc Gothique

Nhà thờ Mằng Lăng, nhìn từ cổng

Nhà thờ Mằng Lăng

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng trong khuôn viên rộng 5.000 m², theo kiến trúc Gothique với nhiều hoa văn trang trí. Kiến trúc ngôi nhà thờ này có nhiều nét tương đồng với Nhà thờ Lớn Hà Nội. Hai ngôi nhà thờ này có thời điểm xây dựng khá gần nhau: Nhà thờ Lớn Hà Nội hoàn thành năm 1886, còn nhà thờ Mằng Lăng khởi công năm 1892.


Hãy so sánh nét giống nhau giữa Nhà thờ Lớn Hà Nội và Nhà thờ Mằng Lăng



Phía sau nhà thờ

Bên trong nhà thờ

2. Thăm đền thánh Anrê Phú Yên

Ở trước sân nhà thờ là một ngọn đồi nhỏ phủ cỏ xanh, trên ấy có bức tượng thánh Anrê Phú Yên. Nếu không biết có thể bỏ qua một điểm tham quan lý thú: đền thánh Anrê Phú Yên. Ở một góc khuất nhỏ dưới chân đồi có một cánh cửa gỗ để bước vào trong lòng của ngọn đồi. Đây là một hang động được tạo nên để làm nơi lưu niệm và thờ thánh Anrê Phú Yên.

Bên dưới ngọn đồi này là một hang động

Cửa vào hang

Anrê Phú Yên là thánh tử đạo tiên khởi của Việt Nam, được Giáo hoàng Phaolô II phong chân phước ngày 5/3/2000. Hiện vẫn chưa biết ông tên thật là gì, chỉ biết tên thánh là Anrê và sinh ra ở Phú Yên.

Anrê Phú Yên sinh vào khoảng năm 1625 hoặc 1626. Năm 1641, Linh mục Alexandre de Rhodes đã rửa tội cho ông cùng với 91 người khác. Ông được đặt tên thánh là Anrê. Ông tham gia vào tổ chức của linh mục Alexandre de Rhodes với vai trò là giáo lý viên (còn gọi là thầy giảng). Năm 1642, ông được linh mục Alexandre de Rhodes đưa ra Hội An để học trường các thầy giảng, trở thành học viên xuất sắc nhất mặc dù còn trẻ.

Năm 1643, ông phát lời nguyện tận hiến đi phục vụ Giáo hội suốt đời, tức là đi phụ giúp các linh mục truyền giáo và cổ vũ giáo dân. Sau đó, ông cùng các bạn đi truyền giáo ở các tỉnh Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam.

Lúc bấy giờ, việc truyền đạo rất khó khăn do quan niệm của các quan lại cho rằng Công giáo là bàng môn tả đạo cần phải bị diệt trừ. Ngày 25 tháng 7 năm 1644, trong khi truyền đạo ở Quảng Nam, ông bị quan binh sở tại bắt giữ và tống giam vào ngục. Ngày 26/7/1644 tuyên án giải giao thị chúng và trảm thủ. Tương truyền, ông bị đâm nhiều nhát giáo xuyên cạnh sườn rồi bị chém đầu sau đó.

Ngày 15/8/1644, Alexandre de Rhodes mang thi hài ông đến Macao và được an táng tại nhà thờ Thánh Phaolô nơi ấy. Riêng đầu của ông thì được Alexandre de Rhodes mang theo bên mình cho đến khi được cất giữ tại nhà Bề trên Tổng quyền Dòng Tên ở Rôma.

Bên trong hang động được gọi là đền Thánh Anrê Phú Yên này trưng bày các hình ảnh, di vật về cuộc đời thánh Anrê Phú Yên (trong đó có một mẩu tóc của ông), hình ảnh về công cuộc truyền giáo thế kỷ 17 ở Phú Yên. Đặc biệt là có quyển sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, đó là quyển giáo lý Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes.

Giới thiệu tiểu sử thánh Anrê Phú Yên


Cuốn sách in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam, in tại Roma năm 1651

Nơi thờ Thánh Anrê Phú Yên

Phù điêu mô tả cảnh xử tử Anrê Phú Yên trong hang động

Với cách bố trí hang động khá độc đáo này, người tham quan dễ liên tưởng đến những hầm mộ công giáo được mô tả trong tiểu thuyết của Dan Brown (Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci...), lại thêm được tận mắt nhìn thấy những di vật cổ xưa khiến cho việc tham quan nơi đây là một trải nghiệm hết sức thú vị.

3. Thăm cô nhi viện Mằng Lăng

Cô Nhi Viện Mằng Lăng trong khuôn viên nhà thờ là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Có khoảng trên 10 bé từ sơ sinh cho đến 1, 2 tuổi, được các mẹ, các sơ chăm nuôi. 

Cô nhi viện Mằng Lăng ở bên hông nhà thờ

Ơ, biết vậy nhưng tôi không có vào thăm, nên không kể lại cho các bạn được. Xin lỗi vậy nhé!

Phạm Hoài Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét