9 thg 7, 2015

Từ Bảo Định Giang đến Thành Thị Nại

Bên dòng kinh Bảo Định

Tôi đến thăm nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở ấp 4, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, sát bên bờ kinh Bảo Định. Dĩ nhiên đây là một khung cảnh thuần Nam bộ, nơi tưởng niệm một nhà văn mà tên tuổi gắn liền với vùng đất phương Nam. Ngôi nhà này do vợ chồng trưởng nữ của nhà văn xây dựng nên để tưởng nhớ cha mình: chị Đào Thúy Hằng (con gái nhà văn Sơn Nam) và anh Trần Đức Nghị.


Bên cạnh nhà lưu niệm là nhà ở của gia đình anh chị Nghị - Hằng, chính diện tầng trên của ngôi nhà này là một gian thờ tự có biển ghi Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa. Cống quận công Trần Đức Hòa là ai? Tôi không hề biết.


Anh Trần Đức Nghị - chủ nhà, và là con rể nhà văn Sơn Nam - tự hào kể:
  • Cống quận công là tổ 13 đời của tôi, là một danh nhân, một tiền hiền của đất Quy Nhơn.
Anh Trần Đức Nghị (trái) đang kể về ông tổ của mình

Hiện nay, tại nhà thờ Cống quận công còn lưu giữ 10 sắc phong của triều Lê và chúa Nguyễn cho họ Trần. Đây là những tư liệu cổ quý giá đã 400 năm.


Bàn thờ Cống quận công Trần Đức Hòa. Hai bên vách là bản sao những tư liệu cổ có liên quan đến ông.

Cống quận công có nhiều công lớn với Đàng Trong nói chung và Quy Nhơn nói riêng, nhưng công lao bất hủ của ông đối với lịch sử nước nhà chính là việc tiến cử Đào Duy Từ làm thầy của chúa Nguyễn. Một quyết định có một không hai trong lịch sử Việt Nam!

Chi tiết này ta có thể đọc trong rất nhiều tư liệu lịch sử (hoặc đọc trong bài viết Về phương Nam lắng nghe... của tôi). Bên cạnh đó, anh Trần Đức Nghị kể về một công trạng của ông tổ Trần Đức Hòa, mà theo anh có tác động không nhỏ đến lịch sử phát triển chữ quốc ngữ. Sự kiện ấy như thế này:

Đầu năm 1617, từ Macao cha Francisco De La Pina đến Hội An thuộc xứ Đàng Trong để tiếp sức với cha Buzomi trong việc truyền giáo (cần nói thêm rằng cha Pina được xem là người khỏi xướng cho chữ quốc ngữ để sau này Alexandre de Rhodes hoàn chỉnh). Mùa thu năm đó trời hạn hán, dân không có nước làm mùa, nạn đói đe dọa. Họ cho rằng thần phật nổi giận, không cho mưa vì mấy người ngoại quốc truyền bá một thứ đạo hoàn toàn trái ngược với việc thờ cúng thần phật.Chúa Nguyễn ra lệnh trục xuất các thừa sai. Các thừa sai xuống thuyền nhưng trời ngược gió, không thể nhổ neo, đành lên bờ tá túc trên một cánh đồng xa cách dân chúng. Trong cảnh tạm bợ thiếu thốn mọi bề, cha Buzomi lâm bệnh, kiệt sức.

Trong lúc các thừa sai đang gặp nạn, ông Trần Đức Hòa đang có mặt tại Đà Nẵng. Ông nghe biết mọi chuyện, động lòng thương, ông đưa cha Buzomi xuống thuyền về Qui Nhơn với ông và tìm thầy thuốc chữa bệnh cho cha.

Anh Trần Đức Nghị kể tiếp rằng với sự giúp đỡ tận tình của ông tổ Trần Đức Hòa, cha Buzomi, cha Pina và cha Borri được đưa về Nước Mặn ở Quy Nhơn, hỗ trợ mọi bề cho công cuộc truyền giáo tại nơi đây, một tư liệu của cha Borri đã kể lại rất rõ điều đó. 

Lúc bấy giờ, Nước Mặn chẳng những là một trung tâm truyền giáo mà còn là nơi các thừa sai nghiên cứu và sáng chế chữ Quốc ngữ trong giai đoạn thô sơ nhất (giai đoạn phiên âm).Theo Linh mục Joaõ ROIZ, năm 1620 đã có hai thừa sai nói thạo tiếng Việt đó là cha Pina và cha Borri. Anh Nghị kết luận rằng nếu không có sự giúp đỡ của Trần Đức Hòa thì tại thời điểm 1617 các nhân vật quan trọng trong việc phát triển chữ quốc ngữ buổi đầu là cha Pina và cha Borri đã bị trục xuất khỏi Việt Nam hoặc thậm chí mất mạng, và chắc chắn công cuộc phát triển chữ quốc ngữ phải chịu một thiệt thòi to lớn.

Nhà thờ Cống quận công Trần Đức Hòa ở Mỹ Tho

Xứ Đàng Trong năm 1621

Thú thật, lần đầu tiên nghe anh Trần Đức Nghị kể về công lao của ông tổ mình là Trần Đức Hòa với chữ quốc ngữ, tôi vẫn chưa có ý niệm rõ ràng lắm. Thế rồi một thời gian sau tôi đọc được tài liệu Xứ Đàng Trong năm 1621 do linh mục Cristoforo Borri người Ý biên soạn, đây chính là tư liệu mà anh Nghị đã kể ở trên. Bằng lời kể của chính người trong cuộc, cha Borri đã cho thấy sự giúp đỡ của quan khám lý Quy Nhơn Trần Đức Hòa quả là rất lớn. Xin trích ra một vài đoạn trong tư liệu:

Sách Xứ Đàng Trong năm 1621

"Chúng tôi bỏ Hội An, cha Buzomi, cha De Pina và tôi, để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó. Suốt cuộc hành trình, ông đối đãi với chúng tôi rất lịch sự và tỏ ra hết sức tử tế. Ông luôn luôn để chúng tôi ở cùng nhà với ông và đối xử với chúng tôi một cách rất đặc biệt. Ông dành một chiếc thuyền để phục dịch riêng cho một mình chúng tôi và các người thông ngôn, không muốn cho chúng tôi để đồ đạc ở đó, vì đã có một thuyền khác dành riêng cho việc này. Chúng tôi trẩy đi suốt mười hai ngày với đầy đủ tiện nghi, sáng chiều đậu bến.

Không ngày nào chính ông không thân chinh sang thuyền chúng tôi. Ông rất thích trao đổi với chúng tôi, nhất là khi chúng tôi nói về sự cứu rỗi đời đời và về đức tin đạo thánh của chúng tôi. Cứ thế, rồi chúng tôi tới tỉnh Qui Nhơn. Nhưng chúng tôi còn phải đi mấy ngày đường nữa mới về được tới dinh quan trấn thủ. Ông muốn cho chúng tôi đi đường bộ để được thoải mái và vui thú. Thế là ông truyền đưa bảy cỗ voi tới, tất cả đều đã sẵn sàng. Ông còn muốn dành cho chúng tôi cái danh dự đặc biệt là mỗi người chúng tôi có riêng một cỗ voi, kèm theo một trăm người, một phần đi bộ, một phần đi ngựa. Vì cuộc hành trình này chỉ là để tiêu khiển, nên chúng tôi đi mất tám ngày, tới đâu cũng được tiếp đón và đối xử như một ông hoàng, nhất là ở nhà một bà chị của ông, người ta tiếp chúng tôi rất long trọng trong một bữa tiệc rất linh đình.”


“...ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu hĩ nhưng chúng tôi cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ. Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự mình từ từ nấu nướng. Không ồn ào dức lác. Không xin xỏ gì. Khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.”


Tiểu chủng viện Làng Sông

Khi đọc xong Xứ Đàng Trong năm 1621, tôi vẫn chưa hình dung ra nơi gọi là Nước Mặn ở đâu tại Quy Nhơn. Thế rồi tháng 5/2015 tôi đặt chân đến Nước Mặn, đó là một nơi thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn khoảng 20 km. Nơi tôi đến là một ngôi nhà thờ cổ mà địa phương gọi là Nhà thờ Lòng Sông, tuy nhiên tên còn ghi trên cổng là Tiểu chủng viện Làng Sông.

Không có gì để nói lên rằng đây là ngôi nhà thờ mà ngày xưa các linh mục Pina, Buzomi, Borri đã xây nên với sự giúp đỡ hoàn toàn của Cống quận công Trần Đức Hòa, nhưng sự tồn tại của ngôi tiểu chủng viện cổ xưa này đã chứng minh rằng Nước Mặn là một trung tâm truyền giáo lớn của xứ Đàng Trong.


Tiểu chủng viện Làng Sông, Tuy Phước, Bình Định. Ảnh: Phạm Hoài Nhân

Điều đáng chú ý nữa là ngay tại Tiểu chủng viện Làng Sông này, vào thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20 là một trong 3 nhà in lớn nhất Việt Nam: nhà in Tây Đàng Trong. Theo một số liệu ghi nhận được, năm 1922 nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách các loại, 32.000 ấn phẩm khác, riêng Báo Lời thăm mỗi tháng hai số, mỗi số ra 1.500 bản và phát hành cả Đông Dương. Tổng cộng ấn phẩm của nhà in Làng Sông (Quy Nhơn) trong năm lên đến 63.185 ấn phẩm với 3,407 triệu trang in. Các ấn phẩm ghi Imprimerie de Làng Sông, Imprimerie de la Mission de Quy Nhơn hoặc Imprimerie de Quy Nhơn đều là ấn phẩm được in tại đây, trong đó có những tác phẩm của những cây bút chữ quốc ngữ nổi tiếng như Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký. (xin dành những chi tiết về Tiểu chủng viện Làng Sông cho một bài viết khác).

Gần 4 thế kỷ trôi qua, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Măn không còn nữa. Năm 2011, giáo phận Quy Nhơn đã xác định gốc gác của trung tâm truyền giáo Nước Mặn nằm tại nơi bây giờ là vườn nhà ông Võ Cự Anh, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước và đã cho xây dựng nơi đây một hòn non bộ và bia lưu niệm. Bia được viết bằng 7 thứ tiếng: Việt, Bồ, Ý, Pháp, Anh, Latinh, Nôm, có nội dung như sau:

ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

Tại nơi đây, Nước Mặn
  • Ba linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Dias người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.
  • Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31-3-1668 tại Juthia, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011
X Phêrô NGUYỄN SOẠN
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn

Ảnh: Giáo phận Quy Nhơn

Tháp Bình Lâm

Nước Mặn là trung tâm truyền giáo lớn của cả nước từ thế kỷ 17. Và còn là gì nữa?

Cũng trong địa phận Nước Mặn khi xưa, nay là huyện Tuy Phước có một ngôi tháp Chăm cổ: tháp Bình Lâm. Tiếc rằng khi tôi tới đây thì tháp đang trùng tu nên không có được bức ảnh toàn bộ tháp.

Tháp Bình Lâm đang được trùng tu. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Đành mượn tạm ảnh trên Wikipedia để ngắm nghía vậy:


Tháp Bình Lâm là một tháp Chăm lớn, cao khoảng 20 met, ước niên đại xây dựng khoảng thế kỷ 11. Đây là một ngôi tháp đặc biệt, ở điểm nó nằm tại đồng bằng (các tháp khác đều nằm trên đồi, núi), có một tháp đơn lẻ (thay vì thường là 3 tháp) và có lẽ là ngôi tháp gần biển nhất. ((xin dành những chi tiết về tháp Bình Lâm cho một bài viết khác).

Việc tồn tại ngôi tháp tại đây cùng với việc khám phá ra các di tích thành cổ quanh đó khiến các nhà khoa học xác định rằng xưa kia Nước Mặn là một đô thị. Khu vực tháp Bình Lâm xưa kia chính là một ngôi thành cổ của Chămpa: thành Thị Nại.

Hiện nay, hàng năm vào cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai âm lịch, tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước vẫn diễn ra một lễ hội gọi là Lễ hội Đô thị Nước Mặn để tưởng nhớ mấy trăm năm trước nơi đây là một đô thị phồn thịnh.

Người xưa cảnh cũ nào đâu tá

Một sự tình cờ đã dẫn dắt người sống ở Biên Hòa là tôi đi từ dòng Bảo Định Giang ở miền Tây Nam bộ lang thang tới đô thị Nước Mặn và thành Thị Nại ở tận miền Trung. 

Là người Đồng Nai, từ xưa tới giờ tôi vẫn biết đến Cù lao Phố quê mình non 3 thế kỷ qua là Nông Nại Đại Phố sầm uất để rồi theo thời gian đã trở thành một làng quê lặng lẽ yên bình. Bây giờ tôi mới biết thêm một đô thị Nước Mặn, một thành cổ Thị Nại mà theo thời gian đã trở thành thôn xóm có phần xơ xác.

Con đường làng quê ở ngay bên ngoài tháp Bình Lâm. Ảnh: Phạm Tường Nhân

Chợt bùi ngùi nhớ mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

Sóng lớp phế hưng coi đã rộn 
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau 
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá 
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu


Phạm Hoài Nhân

2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay bác Hoài Nhân ạ. Vì sao ông Trần Đức Hòa dám làm trái ý Chúa Nguyễn nhỉ...
    Đôi câu đối bà thờ ông TĐH viết: Tảo phù Nguyễn chủ khai vương nghiệp/ Hậu tiến... công tác đế sư, nói lên sự nghiệp rất hiển hách.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn anh P Khiêm đã đọc rất kỹ.
      Về chi tiết Trần Đức Hòa dám làm trái ý chúa Nguyễn, theo tôi có 2 ý chính:
      - Trần Đức Hòa tuy chức vụ là Khám lý Quy Nhơn nhưng lại là con nuôi của Nguyễn Hoàng, nên đối với chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lúc đó là vai anh em, do đó uy thế của ông với chúa Nguyễn là khá lớn.
      - Lệnh của chúa Nguyễn là trục xuất các giáo sĩ khỏi Hội An là để yên lòng dân chúng (chứ không phải ghét đạo như các vua Nguyễn về sau). Vì thế đưa về Quy Nhơn tức là ra khỏi Hội An cũng không phải làm sai lệnh chúa Nguyễn.

      Dĩ nhiên lúc này AI đưa đi, và đưa đi ĐÂU là điều hết sức quan trọng. Trong tình huống này Lịch sử đã giao sứ mệnh ấy cho Trần Đức Hòa, và lúc ấy đúng là chỉ có ông mới làm được chuyện đó mà thôi!

      Xóa