Cá hấp mà tui muốn nói nó thường là cá nục, sau khi đánh bắt lên người ta hấp sơ qua nước nóng, phơi dưới trời nắng, rồi bán đi xa trong các giỏ tre như vầy nè:
Thiệt tình, hồi trước 75 tui không hề có khái niệm gì về thứ cá hấp này hết. Còn mấy đứa con tui giờ này chắc cũng không biết cá hấp này là gì. Tôi biết tới cá hấp từ sau 1975, lúc ba tui đi học tập cải tạo, má ở nhà bươn chải đủ thứ nghề để nuôi đàn con nheo nhóc, trong đó có thời gian má đi bán cá.
Hồi đó tui khờ khạo lắm, và chẳng hình dung được bằng cách nào Má - một hình mẫu của gia đình chồng công chức - vợ nội trợ suốt ngày chỉ may vá và làm việc nhà - lại có thể đi bán cá được. Chỉ hiểu lờ mờ rằng đây là loại cá rẻ tiền, mua bán không cần vốn nhiều, không vất vả như bán cá tươi...
Má chỉ bán cá một thời gian ngắn thôi, rồi sau đó là làm rẫy, bán xôi, bán bánh... Tui cũng không nhớ gì về những giỏ cá hấp ngày xưa.
Giờ ngồi đọc trên mạng, mới hình dung ra việc làm cá hấp nó gian lao như thế nào. Đây quả là việc làm cho những người nghèo. Cá nục đánh bắt dưới biển lên, mỗi con bằng cỡ 2 - 3 ngón tay người lớn được hấp sơ qua nước sôi rồi phơi dưới nắng cho khỏi hư. Điều này phù hợp với loại cá rẻ tiền này thay vì tốn chi phí giữ cho nó tươi, hoặc tốn nhiều thời gian để làm khô, làm mắm.
Những hình ảnh này lấy từ trang Pháp luật TPHCM, nói về làng cá hấp ở Quảng Trị:
Hấp cá
Gánh cá
Phơi cá
Xưa kia Má bán cá hấp do xe chở từ Phan Thiết về, canh lấy hàng từ sáng sớm. Lại thêm công đoạn vất vả của người phụ nữ.
Ít nhiều gì anh em tui cũng qua được thời khắc khốn khổ nhờ những giỏ cá hấp của Má ngày ấy.
Má mất rồi. Lâu rồi đâu có ăn cá hấp. Giờ có dịp ăn lại chắc sẽ có cảm giác mặn mà, mặn mà lắm, phải không Má?
Phạm Hoài Nhân
Đọc bài của bạn mà mình rưng rưng nước mắt.
Trả lờiXóaTui cũng vậy .... Vì thương ba,má ... một thời cực khổ sau ngày ...
XóaGiống hoàn cảnh mình ....
Trả lờiXóa